Virus Corona viêm phổi cấp kéo dài “đại dịch” như SARS?

Google News

(Kiến Thức) - Zhong Nanshan, chuyên gia y tế hàng đầu Trung Quốc, dự đoán dịch viêm phổi do virus corona mới (nCoV) gây ra sẽ đạt đỉnh trong khoảng 7-10 ngày tới và không kéo dài như đại dịch SARS hồi năm 2002-2003.

"Năm đó, dịch SARS kéo dài tới 5-6 tháng nhưng tôi không cho rằng dịch do chủng virus corona mới (nCoV) có thể diễn ra lâu tới vậy", ông Zhong Nanshan, chuyên gia y tế hàng đầu về Hội chứng Hô hấp Cấp tính Nặng (SARS) và cố vấn y tế của chính phủ Trung Quốc, nói trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Xinhua ngày 28/1.
Chuyên gia này dự đoán dịch viêm phổi do virus nCoV gây ra sẽ đạt đỉnh trong khoảng 7-10 ngày tới và không kéo dài như đại dịch SARS. "Đó là bởi sau khi đợt dịch thứ ba bùng phát, chính phủ đã có biện pháp ngăn chặn kịp thời, đặc biệt là phát hiện và cách ly sớm. Sau khi làm tốt hai điều trên, chúng tôi đủ tự tin có thể ngăn chặn đợt bùng phát mới", Zhong cho hay. Ông nói thêm rằng sau đó sẽ "không có đợt bùng phát mạnh nào nữa".
Zong từng là người giữ vai trò nòng cốt trong nhóm ứng phó với đại dịch SARS của Trung Quốc năm 2002-2003 và hiện là người đứng đầu nhóm chuyên gia của chính phủ nghiên cứu về dịch viêm phổi Vũ Hán.
Virus Corona viem phoi cap keo dai “dai dich” nhu SARS?
Zhong Nanshan dự đoán dịch viêm phổi do virus nCoV gây ra sẽ đạt đỉnh trong khoảng 7-10 ngày tới. Ảnh: Xinhuanet. 
Tuy nhiên, chuyên gia y tế ở Hong Kong Gabriel Leung lại dự đoán dịch viêm phổi Vũ Hán có thể kéo dài hơn và đạt đỉnh điểm vào mùa hè năm nay. Leung hôm 27/1 cho rằng đỉnh điểm của dịch sẽ vào tháng 4 hoặc tháng 5 và bùng phát ở 5 thành phố lớn gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và Quảng Châu, trước khi số ca nhiễm giảm dần vào tháng 6 hoặc tháng 7.
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 8 giờ sáng 29/1, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) trên thế giới vẫn tiếp tục gia tăng các ca bệnh, với tổng số người mắc lên tới 5.578, trong đó, tại Trung Quốc đại lục là 5.494.
Tổng số trường hợp mắc nCoV bên ngoài Trung Quốc là 84 trường hợp, tại 17 quốc gia, vùng lãnh thổ, gồm: Thái Lan 14, Úc 5, Singapore 7, Mỹ 5, Nhật Bản 7, Malaysia 4, Hàn Quốc 4, Pháp 4, Việt Nam 2, Campuchia 1, Canada 2, Đức 4, Nepal 1, Sri Lanka 1, Hồng Kông 8, Macau 7 và Đài Loan 8.
Virus Corona viem phoi cap keo dai “dai dich” nhu SARS?-Hinh-2
Tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) trên thế giới vẫn tiếp tục gia tăng các ca bệnh, với tổng số người mắc lên tới 5.578.
Bộ Y tế cho biết, đang khẩn trương thành lập đội phản ứng nhanh chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV. Các bệnh viện tuyến tỉnh được yêu cầu sẵn sàng khu vực cách ly khi có ca bệnh nghi ngờ nhiễm nCoV.
Đáng chú ý, theo Bộ Y tế, một số bệnh viện đầu ngành có chuyên khoa bệnh truyền nhiễm đã sẵn sàng khu vực cách ly, với khả năng thu dung có thể lên đến cả ngàn trường hợp trong tình huống cần thiết.
Ngày 28/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra; trong đó yêu cầu trước mắt thành lập Đội phản ứng nhanh, Bộ Y tế hàng ngày báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Để chủ động phòng chống dịch, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị: Các Bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, không để dịch lây lan, phải coi việc phòng, chống dịch như “chống giặc”. Các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân thực hiện nghiêm túc Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Luật khám bệnh, chữa bệnh, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Cấm nhập khẩu động vật hoang dã vào Việt Nam. Huy động cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để phòng, chống dịch nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân, hạn chế thấp nhất tử vong do dịch này gây ra.
Cụ thể, Bộ Y tế có trách nhiệm:
- Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm việc giám sát, phát hiện sớm các trường hợp lây nhiễm, cách ly triệt để, theo dõi các trường hợp có tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm, chỉ đạo các tỉnh có cửa khẩu, đường bộ, đường thủy, sân bay quốc tế giám sát chặt các hành khách nhập cảnh đối với các trường hợp đi từ vùng dịch, quản lý các trường hợp bệnh, phòng, chống nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế, không để xảy ra các trường hợp người bệnh và cán bộ y tế bị lây nhiễm dịch bệnh này.
- Bộ Y tế đã khởi động các cơ sở y tế phòng, chống dịch tuyến tỉnh; các bệnh viện tuyến trung ương; bệnh viện thuộc ngành Công an, Quân đội; bệnh viện dã chiến của quân đội để chủ động ứng phó, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân khi có yêu cầu, nay tiếp tục hoàn thiện phương án để sẵn sàng ứng phó khi cần thiết. Chỉ đạo thực hiện nghiêm việc khử trùng, tẩy độc tại các cửa khẩu (đường hàng không, đường bộ, đường thủy).
- Thông tin kịp thời diễn biến tình hình dịch, đưa ra các khuyến cáo về các biện pháp phòng bệnh phù hợp với tình hình dịch.
- Có kịch bản ứng phó với từng tình huống dịch trước ngày 30 tháng 01 năm 2020; bảo đảm cơ số thuốc, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch. Sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch; có hướng dẫn, chỉ đạo quy trình, phác đồ điều trị, hạn chế thấp nhất tử vong.
- Phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các đơn vị y tế địa phương tổ chức cách ly và quản lý những người lao động, làm việc khi phát hiện trường hợp mắc, nghi ngờ mắc bệnh.
Thảo Nguyên (TH)