Chu trình này vốn đã quen với Hân: mua đồ mới, cất trong tủ và lấy ra mặc dần, không quên ướm lời trước với chồng: “Đồ này hôm em mua sale, rẻ lắm”. Dù là đồ cho cô hay cho chồng con đều vậy.
Bởi tính Hân thích mua sắm, đôi khi có phần tiêu hơi quá tay. Nhưng Hoàng lại là một ông chồng rất tằn tiện và chi li. Với Hoàng, tiền kiếm được nếu không ăn, đóng học phí và sinh hoạt phí, thì nhất định phải cho vào tiết kiệm. Những thứ “không mua cũng không chết” với Hoàng là phù du, lãng phí. Hoàng không bao giờ muốn chi cho những khoản như áo quần, ăn nhà hàng hay du lịch…
“Đó là lối sống của người lắm tiền nhiều của. Nhà mình ăn cơm cá kho là được rồi”, Hoàng nhiều lần nói với Hân, nhất là những bữa Hân mạnh tay thêm đĩa hải sản cho bữa cơm đầy đặn hơn. Hoàng còn dặn vợ: “Trước khi quyết định mua gì, em hãy tự hỏi: “Không có nó, mình có chết không?”. Nếu câu trả lời là không thì em đừng mua”. Hân “tức xì khói”, cố tranh cãi tiếp nhưng vô ích.
Hồi mới cưới, phát hiện ra cái tính chi gì cũng tiếc, cũng phải nghĩ ngợi ba bảy hai mốt lần của chồng mình, Hân cũng nhiều phen bực mình khó chịu. Nhiều đêm nằm ôm gối khóc tủi phận, cô không khỏi nhớ lại hình mẫu người đàn ông còn một xu trong ví cũng vét sạch hết để chiều lòng vợ. Cái số đen đủi thế nào, nay lại vấp phải ông chồng tằn tiện. Hân không cam tâm và quyết định “cải số”.
|
Hình minh họa |
Cô mua áo mới cho chồng, rồi bảo: “Mấy cái áo kia cũ rồi, anh mặc áo mới này đi. Chứ mặc áo cũ cứ như ông xe ôm đứng giữa đường”. Nhưng chồng cô lại hùa vào theo cách khác: “Đúng là có hôm anh đến đón thằng Tí, cô giáo còn nhắc nó: “Sao không chào bác xe ôm đi à?”. Thấy nó lại chào bố, cô giáo ngượng đỏ mặt, xin lỗi rối rít. Nhưng anh kệ, anh thấy mặc sao cũng được, giống ông xe ôm cũng được”.
Áo mới chồng không mặc thì Hân không mua nữa. Cô quay sang rủ rỉ chồng: “Anh này, nhà mình đi du lịch được không? Mấy năm rồi gia đình chưa có chuyến du lịch nào”. Nhưng Hoàng lạnh tanh: “Để sang năm sau đi, còn năm nay về quê kết hợp du lịch biển quê. Cháu vừa được chơi với ông bà, lại vừa được đi chơi biển. Du lịch ở đâu cũng không bằng về quê”.
Sau nhiều phen như thế, Hân từ bỏ hẳn quyết tâm thay đổi chồng. Bởi các cụ nói có sai “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, dù cho Hân có được vài lần đắc thắng đi nữa, thì tính Hoàng vẫn luôn là thế. Rốt cuộc sau cố gắng, Hân cũng chỉ nhọc người vì những nghĩ suy, tổn thương chất chồng. Thôi thì phải chấp nhận nhau, yêu thương ai đó với chính tính cách của họ, nhìn vào mặt tích cực mà sống.
Nhiều lúc Hân cũng cảm nhận chính mình tiêu hoang phí khiến cô hối hận không ít. Như có món đồ đặt hàng trên mạng không hợp, cái váy thỏi son hôm nay đang thích ngày mai đã chán, áo quần cho con thì kiểu dáng đẹp nhưng chất liệu nóng - mặc chụp được vài kiểu ảnh mà bỏ ra chừng đấy tiền cũng dở hơi, bữa cơm tối qua đầy đặn nhưng tối nay hết gạo không có tiền mua…
Hân bây giờ vẫn nhiều phen hứng lên là mua, vì vốn thích cái tính phù phiếm của đàn bà, nhưng cô cũng biết co kéo hơn và không lớn tiếng bắt chồng phải chấp nhận để kệ mình nữa. Nghĩ lại thì thấy Hoàng luôn như cái mỏ neo cho Hân nhìn lại mình, sắp xếp và thu vén cuộc sống tốt hơn. Cũng nhờ tính chịu khó tiết kiệm của Hoàng, nên sau 5 năm, hai vợ chồng từ đôi bàn tay trắng đã mua được căn chung cư trú mưa trú nắng giữa thủ đô.
Theo Cát Tường/phunuonline