Lập gia đình được gần chục năm và có một con trai 6 tuổi và một con gái 9 tuổi, người ngoài nhìn vào chắc ai cũng nghĩ tôi có một gia đình hạnh phúc. Họ không biết rằng chừng ấy thời gian tôi phải nhẫn nhịn để chung sống với một người chồng cực kỳ gia trưởng.
Là con trai độc nhất của một gia đình khá giả, từ nhỏ chồng tôi đã được cưng chiều nên lớn lên anh trở thành một người đàn ông cực kỳ gia trưởng và độc đoán. Chuyện gì chồng tôi đã quyết định là không ai có thể cãi hay làm trái lại. Từ những việc lớn của gia đình cho tới quan điểm sống của vợ con, hay nhận định về những sự kiện xã hội.
|
Lấy phải người chồng gia trưởng, tôi bị bắt nạt thường xuyên. Ảnh minh họa |
Tôi bị chồng bắt nạt thường xuyên nhưng được mẹ chồng an ủi: "Tính nó từ bé vẫn thế chẳng chịu thua ai bao giờ. Khi nó nóng tính con cứ nhẫn nhịn, sau đó tìm lúc thích hợp mình mềm mỏng giãi bày là được."
Nghe lời mẹ chồng, tôi cứ nhịn chồng cho êm cửa nhà và được mẹ chồng khen là “đã khéo chiều chồng”. Tuy nhiên, chính vì vậy mà chồng tôi càng ngày càng được thế lấn tới.
Thực ra, ngoài tính gia trưởng chồng tôi cũng có rất nhiều điểm cộng. Anh là người thông minh, quyết đoán, độc lập, tự chủ, cẩn thận, hành động lực rất cao, nhiệt tình. Đối với gia đình hai bên và vợ con đều rất có trách nhiệm, chẳng ai chê trách gì được.
Nhưng thói gia trưởng độc đoán của anh ấy khiến tôi nhiều lúc cảm thấy ngột ngạt. Chồng tôi luôn muốn tôi sống theo ý của anh, có gì không vừa ý là lại làm ầm lên. Tính tôi lại vốn nhu mì nên rất sợ những lúc như vậy và thường chịu thua trước.
Có lần tôi trách anh ấy hờ hững, không để ý tới tâm trạng của vợ, anh bảo: "Em không đồng ý thì nói thẳng, đưa ra lý do hợp lý để phản bác anh. Chứ em không nói lại anh, còn muốn được nhường thì không được. Mình trưởng thành rồi, không thể làm nũng mãi được".
Tôi thật ra cũng không muốn tranh phong với chồng nhưng những lần nóng giận anh về trút xuống đầu tôi hay các con khiến tôi bất mãn. Dù trong gia đình thì mọi người cũng cần có sự tôn trọng trong lời nói với nhau. Các con tôi cũng dần lớn vậy mà anh cứ coi chúng như còn bé. Thích mắng lúc nào thì mắng. Nói vợ trước mặt các con là tôi cảm thấy mất mặt.
Những lúc gặp bạn bè, có tí hơi men vào, anh đều tỏ rõ mình là người đàn ông quyền lực trong nhà: "Ở nhà tôi ấy, tôi bảo thế nào, vợ con cứ phải răm rắp nghe theo. Bảo đi hướng đông, đố dám đi hướng Tây nhá".
Thấy bạn bè anh nhìn tôi, người tán thưởng, người thương hại, tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng. Bạn bè tôi thường khoe được chồng chiều chuộng, yêu chiều ra sao còn tôi thì chẳng mấy khi được chồng nói câu tử tế. Tôi biết dù trong lòng anh không có ý xấu, xuất phát từ mục đích tốt, nhưng lời anh nói ra khiến tôi phản cảm ghê gớm.
Nhiều đêm trằn trọc không ngủ được, tôi cũng có ý nghĩ hay ly hôn quách cho rồi. Sống với người chồng hiếu thắng, cực đoan đến thế thì không thể có hạnh phúc được. Tuy nhiên xét cho cùng, chồng tôi cũng chưa làm gì có lỗi lớn ngoài tính gia trưởng của mình. Vả lại ly hôn, hai con tôi còn nhỏ, chia rẽ chúng thì tôi không đành lòng.
Nhưng nếu cứ chịu đựng mãi sự độc đoán của anh ấy thì tôi thấy tủi thân vô cùng. Vì vậy, tôi quyết định phải thay đổi cách sống. Mình không biết tự trọng thì ai tôn trọng mình?
Tôi chịu khó tham gia các hoạt động chung trong cơ quan mà từ trước do con nhỏ nên thường từ chối. Ở nhà, ngoài những công việc cần thiết cùng chơi đùa với các con, tôi thường tránh giao tiếp với chồng mình. Những lúc anh bận rộn không có nhà, mẹ con tôi đưa nhau đi chơi, đi ăn hàng, thăm bạn bè, nội ngoại.
Kể cả những lúc anh có nhà, tôi cũng bận bịu với những công việc riêng của mình. Nhận thấy sự lãnh đạm của vợ, ban đầu anh cũng bực, làm mặt lạnh với tôi. Hai đứa cùng thi gan xem ai chịu ai.
Thế nhưng khác với những lần tôi chịu thua trước đây, lần này tôi vô cùng kiên trì. Tôi đã có những mối quan hệ bạn bè mới, cuộc sống của tôi có những niềm vui ngoài chồng, tôi chịu khó ăn mặc, sang sửa bản thân cho tươm tất hơn.
Anh bực lắm nhưng không muốn tỏ ra yếu thế. Nhiều lúc không kìm được, cũng cằn nhằn tôi việc đi tham gia hoạt động nhiều, bỏ bê gia đình. Hóa ra, mặc dù tỏ vẻ chẳng quan tâm, nhưng chồng tôi vẫn rõ những việc tôi đang làm.
Anh bực bội: "Em đừng quên mình là gái có chồng rồi, một vừa hai phải thôi!"
Tôi trả lời: "Chỗ em đến toàn người có gia đình cả, có ai độc thân đâu".
"Nhưng em khác họ chứ!", chồng tôi nói.
"Vậy em phải sống khác người à? Em vui với bạn bè vì người ta tôn trọng em chứ không coi rẻ em như anh. Họ tôn trọng ý kiến của em làm em thấy mình cũng là một người trưởng thành, không phải đứa trẻ con. Em không muốn lúc nào cũng có người bảo mình phải làm nọ làm kia", tôi đáp trả chồng.
Nói xong tôi đứng dậy bỏ đi nhưng chồng tôi đã giữ lại. Anh bảo tôi: "Hôm nay em đừng đi đâu nữa, ở nhà với anh".
Đây quả là lần đầu tiên, anh tỏ ra yếu thế trước tôi. Mọi lần, anh chỉ ra lệnh hoặc dùng ánh mắt điều khiển tôi. Tôi biết như vậy đã là cực hạn, anh ấy khó mà nói lời xin lỗi gì đó.
Từ hôm đó, quan hệ hai vợ chồng tôi hòa hoãn hẳn. Chồng tôi vẫn nóng tính, vẫn thích điều khiển mọi việc nhưng lúc nào quá đáng, tôi lại nhìn anh chằm chằm hay đứng dậy bỏ đi là anh liền "tắt hỏa". Bởi anh biết đó là lúc tôi đã không chịu đựng được nữa.
Hóa ra hạnh phúc không phải là thứ cứ nhẫn nhịn là có được. Cả hai người cần phải biết thỏa hiệp lẫn nhau một cách công bằng.
Theo Minh Khôi/ĐSPL