Phụ nữ sau kết hôn thường ưu tiên gia đình lên trên sự nghiệp. Điều đó không có nghĩa họ không có đam mê, không có hoài bão phấn đấu mà đơn giản vì họ chấp nhận hi sinh bản thân để lo cho chồng con. Vậy nhưng nhiều người chồng lại không hiểu được nỗi lòng, sự hi sinh đó của vợ. Ngược lại còn tỏ thái độ coi thường khi vợ ở nhà chăm con , nội trợ. Anh chồng trong câu chuyện mới được chia sẻ trên mạng xã hội dưới đây là ví dụ điển hình.
Câu chuyện như sau: "Vợ chồng em chiến tranh lạnh gần 1 tuần nay rồi. Nghĩ mà nản không chịu được.
Ngày trước em làm bên khối du lịch, công việc thường xuyên di chuyển đúng sở thích. Sau kết hôn rồi vì muốn có nhiều thời gian dành cho gia đình, em phải nghỉ việc bên đó, chuyển sang làm hành chính văn phòng.
Đầu năm ngoái, em sinh bé đầu lòng, hết cữ định đi làm mà chồng không cho. Anh nói kinh tế anh lo được, chỉ cần vợ chăm con, quán xuyến việc nhà. Khi nào con lớn, em đi làm lại anh không cản. Bất đắc dĩ lắm em mới chấp nhận phương án ấy vì bản thân em trước giờ sợ nhất sống cảnh phụ thuộc kinh tế.
Quả đúng như những gì em lo. Thời gian đầu mọi thứ tạm ổn, sau chồng em mỗi ngày một tỏ thái độ cáu gắt, bực dọc vô cớ với vợ. Ban đầu anh để em cầm thẻ lương, sau anh đòi lại nói cần thì tiền anh rút đưa cho chứ thẻ anh còn giao dịch nhiều việc.
Thực tình đàn bà chúng mình vốn nhạy cảm, một chút thay đổi của chồng dù chỉ thoáng qua cũng đều nhận ra hết. Quan trọng là mình có nói hay thể hiện thái độ không.
Chồng em lấy lý do công việc kinh doanh khó khăn, thắt chặt hết các khoản chi tiêu sinh hoạt. Khổ nhất là cách đây mấy tháng máy giặt của em bắt đầu có vấn đề, lúc loạn bảng điều khiển điện tử, lúc không vào nước, lúc vắt không khô. Mấy lần gọi thợ sửa nhẹ cũng mất 300 – 400k, nặng thì đi toi cả triệu. Sau hỏng nhiều chồng em tiếc tiền không cho vợ sửa nữa, bảo em chỉ ở nhà ôm con thôi chịu khó giặt tay cũng được.
Nói thật, bản thân em không ngại việc giặt giũ. Có điều, thứ nhất đang con nhỏ, một ngày toàn lo cháo sữa cho nó đã bở hơi tai, chưa nói tới cơm nước ngày 3 bữa phục vụ bố mẹ già, nay ốm mai đau các kiểu đổ lên đầu. Tới 1 chút thời thời gian dành bản thân em còn không có. Giờ cõng thêm cả núi quần áo vò tay thật sự quá sức. Thế mà chồng lại nghĩ em chỉ ngồi nhà ôm con nhàn hạ.
Ban đầu em khắc phục giặt tay vài hôm, sau mệt quá em giục chồng mua máy. Vậy mà vợ vừa nói, chồng em xẵng luôn giọng: 'Muốn thì cô tự lo kiếm tiền mà mua. Tôi không có tiền'.
Thái độ của chồng làm em ức chế. Nếu thật sự kinh tế khó khăn, em sẽ chấp nhận chịu khổ không sao. Đằng này, miệng nói không có tiền nhưng anh vẫn đổi điện thoại mới 20 triệu mà không thèm nói qua với vợ 1 câu.
Dù bực nhưng em cũng không nói nửa lời. Song ngay hôm sau, em đặt mua luôn chiếc máy giặt lồng ngang hơn chục triệu, cũng không cần bàn với chồng. Lúc nhân viên siêu thị chuyển máy tới, anh ngạc nhiên lắm, còn tưởng họ giao đồ nhầm địa chỉ. Khi em bế con ra ký giấy nhận hàng, anh mới trợn mắt hỏi em lấy tiền đâu mua. Em nói luôn là em bán vàng cưới. Ngoài máy giặt, em mua cả con robot hút bụi, máy rửa bát. Tất cả hết gần 50 triệu. Chồng em choáng váng, đỏ mặt quát: 'Mua những thứ đó để cô ở nhà chơi à?'.
Em cười tươi bảo, em mua những thứ đó là để chuẩn bị đi làm trở lại. Không có chuyện vợ ở nhà làm như giúp việc không chồng vẫn coi thường. Đi làm, em không có thời gian lo cả núi việc nhà nữa nên đương nhiên phải có phương tiện trợ giúp. Anh không ý thì cứ chia đôi việc nhà'.
Chồng em nghe xong tái mặt. Ý em đã định, nhất quyết không thay đổi. Bố mẹ chồng cũng tán thành với phương án của em. Anh ấy thì vẫn cố chấp. Sau hôm đó, anh giận vợ, mặt mũi cứ lầm lì mà em mặc kệ. Em cứ đi làm, tự chủ kinh tế sẽ chẳng ai coi thường được. Sống vì người khác mãi mệt mỏi lắm".
Theo dõi câu chuyện, hầu hết mọi người đều đồng tình ủng hộ với cách xử lý của chị vợ này. Bởi bất cứ người phụ nữ nào cũng vậy, khi họ chấp nhận hi sinh bản thân để chăm lo cho gia đình mà không được chồng trân trọng, thấu hiểu đương nhiên ai cũng sẽ mệt mỏi, ức chế. Vậy nên hành động vùng lên của cô vợ trên là điều dễ hiểu.
Theo Hải Hương/ Giadinh