Trong cuộc sống hôn nhân, khi vợ chồng đã không còn chung quan điểm, chí hướng và không còn cảm thấy hạnh phúc thì ly hôn được chọn lựa như một lối thoát cho cả hai.
Tuy nhiên, theo luật sư Trần Xuân Tiền (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), nhiều cặp đôi đến nhờ ông tư vấn ly hôn chưa chắc đã hết yêu nhau. Họ chia tay chỉ vì những lý do rất nhỏ nhặt. Do đó, thay vì tư vấn pháp lý về thủ tục ra tòa, vị luật sư thường tìm cách giúp các cặp vợ chồng quay lại với nhau.
Hai tháng trước, ông nhận được lịch hẹn của cô gái tên Thùy (SN 1993 - Đống Đa, Hà Nội). Cô kết hôn 5 tháng nhưng muốn đơn phương ly hôn.
Theo lời Thùy tâm sự với luật sư, trước khi cưới, hai vợ chồng cô tiết kiệm được món tiền 200 triệu đồng, để trong tài khoản của chồng. Cô dự định sẽ lấy tiền mở cửa hàng buôn bán quần áo.
|
Luật sư Trần Xuân Tiến |
Sau cưới, cô giục chồng đi rút tiền, anh lại thoái thác, nói để ổn định một thời gian hãy kinh doanh. Tuy nhiên Thùy không nghe, cô nằng nặc bắt chồng đến ngân hàng. Lúc này, chồng thú nhận, đã cho mẹ mượn 100 triệu đồng, lo xin việc cho em. Hai bên cự cãi, khục khặc suốt một tuần.
Thùy chia sẻ, cô không ngại cho mẹ chồng mượn, vấn đề ở đây là chồng thiếu tôn trọng cô. Nếu đưa mẹ tiền, anh cần trao đổi với vợ trước.
Chồng Thùy lại nghĩ vợ ích kỷ, so đo từng đồng với mẹ. Mặc dù mẹ chồng đã hoàn trả tiền cho vợ chồng Thùy nhưng hai người vẫn nảy sinh những bất đồng.
Suốt thời gian làm thủ tục pháp lý, luật sư Tiền nhiều lần gặp người chồng. Qua những cuộc nói chuyện, người chồng khẳng định vẫn yêu vợ, chưa bao giờ có ý định chia tay. Anh cho rằng vợ tính tình trẻ con, chấp nhặt. Tính từ lúc cưới đến giờ phải trên dưới 10 lần bỏ về nhà mẹ đẻ.
Đặc biệt, những lần đến gặp luật sư, chồng Thùy thường đưa mẹ đến cùng. Bà là giáo viên, cũng hiểu biết. Mẹ chồng không bênh vực con trai, thay vào đó bà bảo vệ con dâu, trách con trai chưa biết cư xử, nhường nhịn vợ.
Khi hiểu rõ nội tình và tâm tư của cặp vợ chồng trẻ, luật sư Tiền quyết định mời vợ chồng Thùy và mẹ chồng cùng có mặt ở văn phòng. Tại cuộc gặp, ông đưa ra lý lẽ phân tích lỗi sai của hai vợ chồng và khuyên người vợ rút đơn ly hôn. Mẹ chồng cũng lên tiếng, khuyên nhủ vợ chồng con trai bớt cái tôi lại, xây dựng hạnh phúc gia đình cho trọn vẹn. Sau lần đó, Thùy chủ động rút đơn và tự giác quay về nhà chồng.
Đồng quan điểm với luật sư Tiền, ông Nguyễn Ngọc Liên (SN 1948) - nguyên thẩm phán một tòa án ở Hà Nội chia sẻ, hơn 20 năm làm thẩm phán, điều ông hi vọng là các vụ án ly hôn ngày càng giảm và giúp cho nhiều cặp vợ chồng ‘gương vỡ lại lành’.
Ông Liên kể: ‘Cách đây vài ngày, tôi vừa lên xe định nổ máy, bỗng một cặp đôi tiến đến, chặn trước đầu xe. Tôi đang giật mình thì hai người rối rít chào hỏi. Hóa ra, thời gian làm thẩm phán, tôi từng thụ lý vụ án ly hôn của vợ chồng họ’.
Vị nguyên thẩm phán tòa sinh năm 1948 kể tiếp: ‘Hai vợ chồng có cuộc sống đủ đầy, được sự hỗ trợ kinh tế của hai bên nội ngoại.
Con trai đầu lòng 6 tháng, họ đưa nhau đến tòa xin ly hôn. Tại buổi hòa giải, cả hai đều khẳng định: chán nản chồng/vợ nên muốn chấm dứt hôn nhân. Đến buổi hòa giải thứ hai, anh chồng mới tiết lộ nguyên nhân mâu thuẫn cho thẩm phán biết.
Theo lời anh, 4 năm yêu nhau và 1 năm hôn nhân, cả hai chưa từng xúc phạm đối phương lời nào nặng nề. Một lần đi siêu thị, trong cuộc tranh cãi về việc mua hàng hóa gia dụng, người vợ buột miệng chỉ trích chồng ngu.
Anh chồng bị bất ngờ sau đó khó chịu với vợ ra mặt. Tuy nhiên, anh không nói rõ lý do, vì sao mình có thái độ như vậy. Từ đó, mọi chuyện lớn, nhỏ trong nhà đều có thể biến thành cuộc đấu khẩu của hai vợ chồng.
Cô vợ ngồi bên cạnh, nghe chồng bộc bạch với thẩm phán mới vỡ lẽ ra mọi chuyện. Cô lí nhí thừa nhận từng nói chồng như vậy nhưng không nghĩ lời nói của mình khiến anh tổn thương sâu sắc đến thế.
Trước câu chuyện của hai vợ chồng, ông Liên hỏi cả hai người còn tình cảm với nhau không? Khi nhận được câu trả lời là 'có', ông đề nghị hai vợ chồng về nhà suy nghĩ thêm. 2 tuần sau quay lại, nếu còn yêu thì rút đơn, trường hợp muốn chia tay thì ông sẽ làm quyết định ly hôn. Cuối cùng, nghe lời thẩm phán, cặp vợ chồng rút đơn ly hôn.
Hai vợ chồng đó cho ông Liên biết, sau khi tái hợp, họ sinh thêm 2 đứa con nữa. Hiện các con đều đã học cấp 1, cấp 2.
Một cặp đôi ly hôn khác là trường hợp hi hữu khiến ông Liên từng dở khóc, dở cười. Đó là vợ chồng Hiền Anh - Lương Thuận (Ba Đình, Hà Nội). Vấn đề lớn nhất của cặp đôi này là tranh chấp quyền nuôi đứa con 5 tuổi.
Khi xem xét quyền nuôi con, tòa án sẽ cân nhắc đến vấn đề về điều kiện, môi trường phát triển cho trẻ…
Hiền Anh chưa có công ăn việc làm, chưa có nhà cửa ổn định, nên theo lý đứa con sẽ được giao cho chồng nuôi dưỡng. Thế nhưng, gần một tuần, Hiền Anh đưa mẹ đẻ đến gặp thẩm phán. Lần nào cô cũng khóc lóc thảm thương, xin ông Liên cho nuôi con.
‘Dựa vào hoàn cảnh của Hiền Anh, tôi phân tích ‘gãy lưỡi’, để chồng cô nuôi con, đứa bé sẽ có môi trường phát triển tốt hơn. Sau này, biết đâu cô còn tái hôn, liệu rằng chồng mới sẽ đón nhận đứa trẻ hay không? Tuy nhiên Hiền Anh một mực tha thiết muốn được sống cùng con’, ông nói.
Tiếng khóc cảm giác như rút ruột, rút gan của người phụ nữ trẻ làm ông Liên động lòng. Ông tìm lời lẽ thuyết phục anh Thuận, khuyên anh bao dung, để hai mẹ con có cơ hội gần nhau. Nghe lời thẩm phán, anh Thuận chấp thuận hòa giải, nhường vợ nuôi con trai.
2 tuần sau, khi quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật, Hiền Anh bất ngờ xông thẳng vào phòng làm việc của ông Liên xin trả lại con cho nhà chồng cũ.
Cô tiết lộ, người yêu mới không chấp nhận nuôi con riêng của cô. Tình thế cấp bách, sợ bạn trai đòi chia tay nên Hiền Anh muốn mang con đưa bên nội.
‘Tôi hướng dẫn cô ấy làm đơn thay đổi quyền nuôi con, gửi tòa. Tôi sẽ thụ lý và xử lý với tư cách là vụ án khác.
Ngày đón con từ tay vợ trước cổng tòa án, anh Thuận thở dài tâm sự với tôi, vợ anh là người ham chơi. Giai đoạn chờ ly hôn, anh biết vợ có bồ mới nhưng muốn dĩ hòa vi quý, anh không muốn to tiếng. Việc anh nhường con cho vợ cũng hi vọng cô sống tốt, chí thú làm ăn nhưng chẳng ngờ vợ vẫn chứng nào tật đấy’, ông Liên nói.
Theo Huy Hùng - Minh Anh/Vietnamnet