WHO đưa khuyến cáo mới về biến chủng Omicron tàng hình

Google News

Theo thông báo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dòng phụ BA.2 không nghiêm trọng hơn chủng Omicron gốc.

Thông tin này được WHO đưa ra trên website chính thức ngày 22/2, sau khi nhóm Cố vấn kỹ thuật của tổ chức này thảo luận về các bằng chứng mới nhất liên quan biến chủng Omicron và hai dòng phụ BA.1, BA.2.

Dựa trên dữ liệu có sẵn về lây truyền, mức độ nghiêm trọng, tái nhiễm, chẩn đoán, điều trị và tác động của vaccine, nhóm chuyên gia khẳng định BA.2 nên tiếp tục được xem là biến chủng cần quan tâm và là chủng phụ của Omicron, không phải biến chủng mới. Họ cũng nhấn mạnh BA.2 cần tiếp tục được các cơ quan y tế công giám sát như dòng phụ của Omicron.

Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật Covid-19 của WHO, khẳng định: "Chúng tôi không nhận thấy sự khác biệt về mức độ nghiêm trọng của BA.1 so với BA.2. Vì vậy, độc lực liên quan nguy cơ nhập viện của chúng giống nhau. Điều này rất quan trọng bởi nhiều quốc gia có sự xuất hiện hàng loạt ca nhiễm BA.1, BA.2”.

Kết luận của WHO sẽ giúp các quốc gia như Đan Mạch, Nam Phi, Vương Quốc Anh, nơi BA.2 đang lây lan mạnh, có những biện pháp phản ứng phù hợp.

Biến chủng Omicron hiện là chủng lây lan mạnh trên toàn cầu, chiếm đa số trong các giải trình tự gene được báo cáo cho GISAID. Omicron có một số dòng phụ và WHO đều đang giám sát chúng.

Trong đó, phổ biến nhất là BA.1, BA.1.1 (Nextstrain clade 21K) và BA.2 (Nextstrain clade 21L). Ở cấp độ toàn cầu, giải trình tự gene cho thấy tỷ lệ nhiễm của BA.2 tăng so với BA.1 trong những tuần gần đây.

BA.2 khác với BA.1 ở một số trình tự di truyền như axit amin trong protein Spike S. BA.2 còn được gọi là "Omicron tàng hình". Bởi nó thiếu một thay đổi di truyền cụ thể vốn cho phép các xét nghiệm rRT-PCR có những chỉ dấu ban đầu.

Theo WHO, dữ liệu ban đầu cho thấy BA.2 “có vẻ dễ lây truyền hơn BA.1” và họ đang thực hiện nhiều nghiên cứu sâu hơn để xác định nguyên nhân. “Tuy nhiên, tỷ lệ lây nhiễm của tất cả biến chủng trên toàn cầu đang có xu hướng giảm”, báo cáo của WHO viết.

Các chuyên gia cũng đang đánh giá nguy cơ tái nhiễm của BA.2 so với BA.1. Tình trạng tái nhiễm BA.2 sau khi nhiễm BA.1 đã được ghi nhận, tuy nhiên, dữ liệu ban đầu cho thấy người đã nhiễm BA.1 có khả năng bảo vệ mạnh chống lại nguy cơ nhiễm BA.2.

Trong khi đó, ở nghiên cứu được công bố ngày 17/2, nhóm chuyên gia tại Đại học Tokyo, Nhật Bản phát hiện biến chủng phụ BA.2 của Omicron không chỉ lây lan nhanh hơn, nó còn có thể gây bệnh nặng hơn và chứa một số “vũ khí” giúp chống lại vaccine.

BA.2 có thể tự sao chép trong tế bào nhanh hơn BA.1 - phiên bản gốc. Khả năng kết dính tế bào với nhau cũng nhanh hơn, thuần thục hơn. Điều này cho phép virus tạo ra các khối tế bào lớn (hợp bào) hơn BA.1.

Tương tự chủng Omicron gốc, BA.2 có khả năng phá vỡ các kháng thể trong máu của người đã được tiêm vaccine Covid-19. Nó cũng có thể chống lại các kháng thể tự nhiên của người từng nhiễm một số biến chủng khác như Alpha, Delta,… Đặc biệt, BA.2 gần như kháng hoàn toàn một số phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng.

Giữa những kết quả tiêu cực, nhóm nghiên cứu tại Nhật Bản cũng phát hiện điểm sáng duy nhất. Đó là các kháng thể trong máu của những người đã nhiễm Omicron chống lại được BA.2, đặc biệt nếu họ đã tiêm chủng, kháng thể bảo vệ càng mạnh hơn.

WHO nhấn mạnh sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ BA.2 như một phần của Omicron và yêu cầu các quốc gia liên tục cảnh giác, theo dõi cũng như phân tích so sánh các dòng phụ của biến chủng này.

Theo Thiên Nhan/Zingnews.vn