Báo Tiền Phong đưa tin, hai người đã chết sau khi kết quả xét nghiệm dương tính với virus Marburg ở miền nam Ashanti của Ghana, WHO cho biết ngày 18/7 và xác nhận kết quả xét nghiệm từ phòng thí nghiệm của Ghana. Căn bệnh do virus Marburg có khả năng lây nhiễm cao tương tự như virus Ebola và chưa có vắc xin.
Virus Marburg lần đầu được phát hiện ở thành phố Marburg của Đức vào năm 1967. Ảnh: BBC
“Các cơ quan y tế đã phản ứng nhanh chóng, bắt đầu chuẩn bị cho một đợt bùng phát có thể xảy ra. Điều này là tốt vì nếu không có hành động ngay lập tức và dứt khoát, Marburg có thể dễ dàng vượt ra khỏi tầm tay ”, Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti cho biết.
Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực châu Phi, cảnh báo Marburg có thể dễ dàng tuột khỏi tầm kiểm soát nếu không hành động ngay lập tức và dứt khoát.
Theo báo Tin Tức đưa tin, Marburg là bệnh sốt xuất huyết do virus cùng họ với Ebola gây ra và có khả năng lây nhiễm cao. Đây là căn bệnh hiếm gặp nhưng nghiêm trọng. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, Marburg là virus RNA độc nhất về mặt di truyền của động vật thuộc họ filovirus.
Theo WHO, virus ban đầu được truyền sang người từ dơi ăn quả. Trong một số trường hợp, Marburg cũng lây lan giữa các loài linh trưởng, bao gồm giữa người với người, với các triệu chứng nghiêm trọng. Giới chức y tế ở Ghana đã khuyến cáo người dân tránh xa các hang động và hầm mỏ là nơi sinh sống của loài dơi, để giảm thiểu nguy cơ lây lan virus, và nấu chín kỹ thịt của loài động vật hoang dã này trước khi tiêu thụ.
Mặc dù CDC cho biết không rõ virus lần đầu tiên lây lan từ vật chủ động vật sang người bằng cách nào, nhưng virus có thể lây lan dễ dàng giữa người với người thông qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể như máu, nước bọt hoặc nước tiểu. Nó cũng có thể lây lan qua các bề mặt hoặc vật liệu tiếp xúc với chất dịch cơ thể của người bị bệnh. Người thân và nhân viên y tế là nhóm dễ bị tổn thương nhất vì họ tiếp xúc gần bệnh nhân, thi thể vẫn có thể phát tán virus cho người chôn cất.
Theo CDC, Marburg cũng có thể lây lan qua tinh dịch của đàn ông đã khỏi bệnh, do virus có thể tồn tại trong một số chất dịch cơ thể của bệnh nhân đã khỏi bệnh, ngay cả khi họ không còn các triệu chứng bệnh nặng. Theo cơ quan y tế, hiện không có bằng chứng cho thấy virus Marburg có thể lây lan qua đường tình dục, hoặc các tiếp xúc khác với dịch âm đạo của phụ nữ từng mắc bệnh.
Các triệu chứng của virus Marburg bắt đầu đột ngột. Các triệu chứng thường xuất hiện từ 2 đến 21 ngày sau thời gian virus xâm nhập vào cơ thể.
Bệnh nhân có thể bị sốt cao, đau đầu dữ dội và tình trạng khó chịu nghiêm trọng. Đau nhức cơ bắp cũng rất phổ biến. Vào ngày thứ 3, bệnh nhân có thể bắt đầu bị tiêu chảy - có thể kéo dài một tuần - đau bụng và chuột rút, buồn nôn và nôn. WHO cho biết: “Bệnh nhân trong giai đoạn này được mô tả có đôi mắt sâu, khuôn mặt lờ đờ và vô cùng mệt mỏi”.
Đến khoảng ngày thứ 5, bệnh nhân có thể xuất hiện phát ban không ngứa trên ngực, lưng hoặc dạ dày. Song chẩn đoán lâm sàng của Marburg có thể khó khăn với nhiều triệu chứng tương tự các bệnh truyền nhiễm khác như sốt rét hoặc sốt thương hàn.
Trong những trường hợp tử vong, người bệnh thường qua đời vào ngày thứ 8-9 sau khi khởi phát triệu chứng. Trước khi tử vong, bệnh nhân bị mất máu, xuất huyết nghiêm trọng, rối loạn chức năng đa cơ quan.
Marburg gây ra bệnh nghiêm trọng và có thể gây chết người, với tỷ lệ tử vong trong các đợt bùng phát trước đây dao động khoảng 24% đến 88%, tùy thuộc vào chủng virus và điều kiện chăm sóc người bệnh.
Hiện chưa có văc xin hoặc phương pháp điều trị kháng virus nào được sử dụng để điều trị người nhiễm virus Marburg . Tuy nhiên, CDC cho biết việc điều trị các triệu chứng cụ thể có thể cải thiện khả năng sống sót của bệnh nhân. Họ sẽ được truyền nước, duy trì nồng độ oxy, sử dụng thuốc điều trị từng triệu chứng. Một số chuyên gia y tế cho biết các loại thuốc dùng cho Ebola có thể mang tới hiệu quả cho người bị nhiễm Marburg.
Theo Mộc Miên/Báo dân sinh