“Xông đất” Bệnh viện Nhi Trung Ương đầu xuân mới

Google News

(Kiến Thức) - Những ngày đầu xuân, Khoa Cấp cứu - chống độc của Bệnh viện Nhi Trung Ương (18/879 La Thành, Đống Đa, Hà Nội) không có những âm thanh quen thuộc của ngày Tết.

Làm việc quên Tết
Trong những ngày đầu xuân mới, ở Khoa Cấp cứu - chống độc của Bệnh viện Nhi Trung Ương (18/879 La Thành, Đống Đa, Hà Nội) không có những âm thanh quen thuộc của ngày Tết như tiếng cười, những lời chúc mừng năm mới. Ở nơi đây chỉ có tiếng trẻ em khóc, tiếng bước chân gấp gáp của các bác sĩ và những lời trao đổi đầy lo lắng của các phụ huynh về tình trạng con em mình.
 Phòng tiếp nhận bệnh nhi của Khoa Cấp cứu - chống độc, Bệnh viện Nhi Trung Ương chiều mùng 2 Tết.
Trong phòng cấp cứu của khoa, các giường bệnh gần như đã kín chỗ. Các bác sĩ di chuyển qua lại các giường bệnh như con thoi, thực hiện thao tác một cách khẩn trương, hầu như không có một giây thừa thãi nào để nghỉ ngơi.
Trao đổi với Kiến Thức, bác sĩ Hà Thị Thanh Vân, trưởng ca trực ngày mùng 2 Tết ở Khoa Cấp cứu - chống độc cho biết, trong hai ngày đầu năm mới, số lượng bệnh nhi đến cấp cứu ở khoa không giảm so với ngày thường. Thậm chí, các trường hợp nhập viện do tai nạn giao thông có phần tăng mạnh. Trong số đó có hai trường hợp bị tai nạn giao thông nặng, gồm một trường hợp 7 tuổi bị đa chấn thương, một trường hợp 6 tuổi bị vỡ gan. Cả hai cháu đầu đang nằm ở khoa Hồi sức ngoại. Rất may mắn là không có trường hợp từ vong nào tính đến thời điểm này.
Phòng cấp cứu của Khoa Cấp cứu - chống độc, Bệnh viện Nhi Trung Ương gần như kín chỗ
Do tính chất cấp bách nên trong những ngày Tết số lượng bác sĩ túc trực ở khoa Cấp cứu - chống độc không thay đổi so với ngày thường. Thậm chí, trong trường hợp cần thiết khoa còn có thể điều động các bác sĩ từ các nguồn khác đến .
“Với tinh thần làm việc ngày cũng như đêm, ngày Tết cũng như ngày thường, chúng tôi luôn tiếp nhận mọi bệnh nhân với sự sẵn sàng cao nhất”, bác sĩ Vân chia sẻ.
"Bệnh viện như... khách sạn"
Tinh thần làm việc của các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung Ương đã được phụ huynh của các bệnh nhi ghi nhận như thế nào?
Kiến Thức đã trao đổi với Anh Vũ Duy Kiến, trú lại huyện Mê Linh, Hà Nội, người vừa đưa con gái mình là cháu Vũ Thị Bảo Khanh (sinh năm 2008) vào phòng cấp cứu.
Anh cho biết, cháu Khanh nhập viện từ 23 tháng Chạp do sốt cao liên tục không dứt suốt 3 ngày. Từ hôm đó đến giờ nằm điều trị ở đây liên tục, nhưng hôm nay cháu nhớ nhà quá, lại háo hức muốn đón Tết nên sáng nay anh đã xin phép bác sĩ cho cháu về qua nhà. Bây giờ đến giờ tiêm anh lại đưa cháu vào viện.
Anh Vũ Duy Kiến quan sát bác sĩ tiêm cho con gái Vũ Thị Bảo Khanh.
“Thái độ phục vụ của các bác sĩ ở đây phải nói là tuyệt vời. Cái thứ nhất là rất chu đáo, thứ hai là tình cảm với các cháu thiếu nhi lắm. Tôi cũng đã từng nghe một số than phiền về chất lượng phục vụ của ngành y nên khá bất ngờ trước sự tận tình của bác sĩ ở đây. Phòng bệnh cũng rất sạch sẽ và ngăn nắp, cứ như khách sạn ấy”, anh Kiến nói.
Có cùng suy nghĩ với anh Vũ Duy Kiến là chị Chị Nguyễn Thị Thanh Dung, trú tại huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị là mẹ của cháu Trà My, mới 7 tháng tuổi, nhập viện do viêm phế quản.
“Lúc đầu vào viện em cũng lo là thái độ của bác sĩ với trẻ sơ sinh sẽ khó lắm. Nhưng thực tế thì em thấy lần nào vào đây các bác sĩ cũng rất nhiệt tình, dù em hỏi nhiều thứ nhưng các anh chị không bao giờ có thái độ gắt gỏng hay quát tháo”, chị Dung chia sẻ.
Thành quả của sự "đổi mới"
Anh Trịnh Xuân Tùng, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, là bố cháu Trịnh Xuân Hải (7 tuổi – nhập viện do viêm phổi) thì ghi nhận: “Đây là lần thứ 2 tôi đưa cháu vào cấp cứu ở Bệnh viện Nhi. So với lần đầu cách đây 4 năm, các phòng bệnh đã hiện đại hơn, thái độ phục vụ của các bác sĩ cũng thoải mái thân thiện hơn. Dù phải làm việc căng thẳng và không được nghỉ Tết nhưng thái độ của họ rất dễ chịu”.
Một bệnh nhi được đưa bệnh viện cấp cứu do ngã cầu thang.
Công tác tại bệnh viện 6 năm, chưa phải là lâu so với nhiều bác sĩ có thâm niên khác, nhưng bác sĩ Hà Thị Thanh Vân cũng ghi nhận những thay đổi to lớn ở bệnh viện của mình.
“Cách đây mấy năm tình hình bệnh nhân quá tải, phải nằm ghép rất nhiều. Trong thời gian gần đây cơ sở vật chất của khoa đã được mở rộng, số giường bệnh tăng, nhân lực được bổ sung nên dù số lượng bệnh nhân có tăng hơn trước nhưng họ vẫn cảm thầy thoải mái, các bác sĩ làm việc cũng đỡ căng thẳng hơn”.
Quốc Lê