Người trong cuộc cũng “nói không”
“Nhìn các con mỗi ngày phải cần chuyên gia để trị liệu về ngôn ngữ và vận động mới có thể giao tiếp và hoạt động như những bạn cùng lứa tuổi bởi những sang chấn về tâm lý sau khi ba mẹ chia ly, tôi vẫn tự trách mình khi không giữ được tổ ấm cho con. Nếu như lúc ấy cái tôi của mình không quá lớn thì các con tôi đã được hưởng hạnh phúc trọn vẹn và những giai đoạn vàng trong phát triển không bị bỏ lỡ như thế này” - chị Trần Thị Kim Thoa, chủ thương hiệu Địu vải BUBI - mẹ đơn thân có ba con nhỏ tâm sự.
Chị trải lòng, mặc dù mình là người trong cuộc nhưng mình thực sự không cổ xúy đơn thân. “Tôi đã đơn thân chăm sóc ba đứa trẻ, đã từng có cảm xúc đau khổ vô cùng tận tới mức muốn quyên sinh nhưng tôi đã vượt qua được trầm cảm sau sinh bằng những hoạt động tích cực với cộng đồng. Và với nguyện ước không một phụ nữ nào phải trải qua những cảm xúc tiêu cực mà tôi phải trải qua.
Tôi đã và đang tổ chức rất nhiều sân chơi phi lợi nhuận dành cho các bà mẹ sau sinh từ Chợ Phiên Mẹ Sữa, Tủ Sữa mẹ miễn phí, Sinh hoạt Địu con khiêu vũ tới Câu lạc bộ Mẹ Thông Thái thời 4.0. Ở đó, điều khó nói trong cuộc sống gia đình hay chăm sóc nuôi dạy con được chia sẻ để cùng nhau tháo gỡ. Liều thuốc tâm lý rất quan trọng, khi tinh thần chị em được nâng đỡ, vỗ về từ những lời khuyên đúng đắn sẽ phần nào hạn chế xung đột, đổ vỡ trong gia đình” - chị Thoa chân tình.
Còn chị Đặng Ngọc Tú, quản lý kinh doanh cấp cao tại một công ty bảo hiểm khu vực TPHCM cũng đang một mình nuôi hai con nhỏ cho rằng, vẫn không ít đàn ông còn tư tưởng công việc của phụ nữ là quẩn quanh trong xó bếp, nhiệm vụ của họ phải vun vén gia đình. Đó là sai lầm đẩy người phụ nữ rời xa.
“Trong những cộng tác viên, đồng nghiệp cùng làm việc, chúng tôi luôn mong muốn mọi người có một gia đình hạnh phúc, đủ vợ chồng, con cái. Hôn nhân nếu bị rạn nứt hay làm mẹ đơn thân vì những lý do nào đó đồng nghĩa bất hạnh. Được chọn lựa cuộc sống tròn đầy thì lại là hạnh phúc. Phụ nữ “một lần đò” sẽ phát hiện ra nhiều cái mới trong cuộc sống này chứ không là đàn bà cũ - chỉ để vứt đi” - chị Tú nói.
Tại hội thảo về làm mẹ đơn thân trong cuộc sống hiện đại, tổ chức tại Nhà văn hóa Phụ nữ hồi năm 2019, nhiều ý kiến cho rằng, xã hội với cái nhìn phóng khoáng đã góp phần “cổ vũ” người phụ nữ tin tưởng vào sự lựa chọn không lấy chồng này.
“Làm mẹ đơn thân không phải là lựa chọn có chủ định trước nên việc một người phụ nữ tự mình nuôi bản thân và nuôi con là việc làm, quyết định khó khăn. Vì vậy, làm mẹ đơn thân không đơn giản như khoác lên mình một món đồ thời thượng, một thứ trang sức xa xỉ rồi khi nào thấy không hợp nữa, không còn mốt nữa thì vứt bỏ. Có phụ nữ nào lại dại dột chạy theo cái “trào lưu”, “xu hướng” đầy chông gai và nước mắt ấy?” - chị Hoàng Mai (22 tuổi, ngụ Q.7, TPHCM), mẹ đơn thân chua chát bộc bạch.
Ðể yêu thương ở lại
Trò chuyện cùng chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa - chuyên gia gỡ rối tơ lòng, ông nhìn nhận, hiện tượng phụ nữ đơn thân đang xảy ra trên nhiều nước, nhất là những nước phát triển. Ở Việt Nam những năm gần đây, xu hướng này cũng dần tăng lên.
Đơn thân có nhiều dạng: người hôn nhân không hạnh phúc; người chưa kết hôn nhưng có con mà không cần lấy chồng. Phụ nữ bây giờ đi làm ngoài xã hội như đàn ông, họ độc lập về kinh tế, có khả năng nuôi con, thậm chí không cần sự hỗ trợ của người chồng nên dám ly hôn - điều mà ngày xưa rất khó khăn.
Một buổi sinh hoạt do chị Kim Thoa tổ chức, là sân chơi dành riêng cho các gia đình trẻ
Theo chuyên gia tâm lý, quốc gia nào cũng lo ngại về hiện tượng mẹ đơn thân (single mom). Đây là dấu hiệu của sự tan vỡ tế bào gia đình. Người ta đã nghiên cứu những bà mẹ đơn thân mà nuôi con nói chung là về kinh tế sẽ khó khăn so với gia đình có đủ 2 vợ chồng. Việc giáo dục đứa con cũng thiệt thòi hơn, nhất là con trai khi chỉ có mẹ thì dễ hư hỏng hơn.
Theo dõi các phụ nữ đã ly hôn, ông Hòa cũng cho rằng, phụ nữ một lần đò ít khi đi bước nữa, do quan niệm của người Việt Nam vẫn còn nặng nề khi chọn người phụ nữ có một đời chồng, đang nuôi con để làm vợ, làm dâu…
“Một cơ quan ở Hà Nội có 16 nhân viên tôi biết, có đến 4 người không lấy chồng nhưng vẫn có con. Họ vẫn được các quyền lợi như nghỉ sinh, mọi người không lên án mà còn tỏ ra hỗ trợ, đùm bọc người phụ nữ ấy. Đó là biểu hiện của xã hội văn minh” - ông Hòa nói.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa
Phụ nữ bây giờ nhiều người giỏi giang, nhưng khi chọn đời sống đơn thân thì phải nỗ lực cao hơn để hoàn thành vai trò của mình. Xã hội cũng không khắt khe mà rất thông cảm với người phụ nữ rơi vào hoàn cảnh này.
Tuy nhiên, có một thực tế rằng, dù xã hội phát triển đến đâu thì vai trò của mỗi người một khác. Không ai có thể “đổi vai” cho ai một cách trọn vẹn được. Dạy dỗ con cái biết sống đàng hoàng, tử tế xem ra vai trò của người cha cũng rất lớn. Nếu không vì hoàn cảnh khiến “vầng trăng xẻ đôi” thì gia đình truyền thống với con cái có đủ đầy cha mẹ vẫn là điều tốt đẹp hơn nhiều.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè (TPHCM) có thời gian dài công tác ở Hội phụ nữ cho rằng, không ai muốn làm mẹ đơn thân. Đằng sau một người mẹ đơn thân là cả một tâm sự dài hoặc một phút lỡ lầm nào đó. Mặc dù bây giờ họ đã tự chủ về mọi thứ trong cuộc sống thì trái tim vẫn cần một tình yêu.
Không người mẹ nào muốn con không có cha, không ai muốn mình đóng luôn vai người bố. Chính vì vậy, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, dù cái nhìn về mẹ đơn thân rất bình thường thì lời khuyên vẫn luôn là sự chấp nhận việc đơn thân nuôi con như một giải pháp bất đắc dĩ, đáng để chia sẻ, cảm thông nhưng không cổ xúy, khuyến khích. Bởi, giữ một mái ấm gia đình, gìn giữ hạnh phúc đôi lứa mới là hạnh phúc trọn vẹn nhất.
“Hạnh phúc của mẹ đơn thân chính là con cái, bởi nếu con không nên người thì hạnh phúc của mẹ cũng bị đe dọa. Người mẹ không nên nhồi nhét vào đầu đứa con “một mẹ một con (hoặc vài con) là gia đình hoàn chỉnh”. Các con cần biết gia đình là phải đủ cả cha lẫn mẹ, để sau này các con lớn lên, sẽ xây dựng gia đình hoàn hảo hơn. Ðặc biệt là con trai, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cần có vai trò của người đàn ông trong việc giáo dục con. Nếu không có chồng thì có thể nhờ chú, bác, ông để giáo dục trẻ. Bởi người đàn ông dạy trẻ bao giờ cũng có tính cách mạnh mẽ, quyết đoán hơn người phụ nữ” - chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa lưu ý.
Theo Nguyễn Dũng/Tiền Phong