- Sau 3 mũi tiêm giảm đau điều trị giãn dây chằng, vôi hóa cột sống, ông Đỗ Văn Trúc (83 tuổi ở tổ 28, cụm 4, Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội) đã bị chảy mất gần 3 lít máu do xuất huyết dạ dày nặng.
|
Bệnh nhân Đỗ Văn Trúc đang được điều trị tại Bệnh viện 354. |
9h sáng ngày 8/8, ông Trúc được chuyển cấp cứu từ Trung tâm Y tế quận Tây Hồ xuống Bệnh viện 354 vì đi ngoài nhiều lần, máu đen lẫn máu hồng. Ông nhập viện trong tình trạng hoa mắt, chóng mặt, da tái, đi không vững, huyết áp tụt...
Kết quả xét nghiệm máu, hồng cầu còn hơn 2 triệu T/l (bình thường trên 5 triệu), huyết sắc tố còn 77g/l (bình thường 120) - tương đương bệnh nhân bị chảy mất khoảng 2 - 3 lít máu. Nội soi dạ dày cho thấy, có nhiều máu đọng vào hành tá tràng, dạ dày có nhiều ổ loét chảy máu, đặc biệt có một ổ máu vẫn đang chảy mạnh. Ngay lập tức các bác sĩ đã phải tiêm thuốc cầm máu trực tiếp vào ổ loét qua nội soi cho bệnh nhân.
Chiều 8/8, trao đổi với PV, ông Trúc cho biết, ở tuổi 83 nhưng ông vẫn hồng hào khoẻ mạnh, hàng ngày đi tập thể dục. Gần đây, ông bị đau lưng, đi khám thì bị giãn dây chằng và đau cột sống. Ông đến bác sĩ châm cứu và được tiêm 3 mũi thuốc giảm đau. Trước đây ông chưa bao giờ đau bụng, nhưng sau tiêm thì thỉnh thoảng đau tức bụng và 8h đêm 7/8 thì bụng đau dữ dội, đến 10h ông bắt đầu đi ngoài ra máu đen liên tục (15 - 30 phút/lần).
BSCK II Vũ Đức Chung, Chủ nhiệm Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện 304 - người trực tiếp nội soi cho ông Trúc cho biết, bệnh nhân đang ở tình trạng thiếu máu nặng cần phải truyền nhưng do bệnh nhân có tiền sử huyết áp cao và tim mạch... nên bệnh viện đang theo dõi chưa truyền máu. Việc tiêm thuốc cầm máu cho bệnh nhân đã có kết quả tốt, bệnh có thể ổn định sau 3 - 4 ngày điều trị tích cực, khoảng 7 - 10 ngày bệnh nhân có thể ra viện.
BSCK II Vũ Đức Chung cảnh báo, nhiều người dân nghĩ rằng các thuốc giảm đau đường tiêm không gây hại cho đường tiêu hóa là sai lầm.
Tất cả các thuốc giảm đau nói chung và đặc biệt là nhóm giảm đau, kháng viêm không steroid gây ảnh hưởng mạnh tới đường tiêu hóa. Bởi thuốc ngấm vào máu và tác động trực tiếp đến tất cả các cơ quan trong cơ thể chứ không đơn giản là uống qua dạ dày thì mới bị.
Do đó, bệnh nhân tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc giảm đau, nhất là nhóm không steroid. Khi dùng thuốc nếu thấy bụng ậm ạch thì nên đi khám vì thực tế có nhiều trường hợp mới có biểu hiện đau bụng nhẹ sau dùng thuốc nội soi đã có xung huyết, viêm loét cấp tính dạ dày - tá tràng, thậm chí xuất huyết chảy máu tiêu hóa.
Thúy Nga