Chiều Đà Lạt cuối tuần, tôi đang mơ màng bên ly cà phê đắng, thả hồn mình theo những giọt mưa bụi rơi rơi, chợt tiếng chuông điện thoại reo. Thì ra bạn đồng nghiệp ở Sài Gòn. Qua điện thoại, gã đề nghị tôi đi mua gấp một giỏ hoa địa lan bằng đất gửi xuống để tặng tân gia.
Quả thực, tôi sống ở Đà Lạt chưa lâu song cũng không thể nói là ít, thế nhưng hoa làm bằng đất thì lần đâu tiên tôi nghe (có lẽ tôi không bị hoa xứ lạnh mê hoặc). Tôi trộm nghĩ: Cha này sao không mua hoa tươi lại mua hoa đất, hoa mà làm bằng đất có lẽ khó nhìn lắm. Sao gã lại mua?... Nhưng bạn đã nhờ, tôi cũng đã nhận lời thì phải đi.
Uống gấp ly cà phê đậm đặc xứ lạnh, tôi choàng áo mưa phóng tới địa chỉ mà anh bạn nói. Một gian hàng nhỏ trên đường Ngô Quyền (TP Đà Lạt), qua lớp cửa kính mờ mờ hơi nước, những đóa hoa sen, địa lan, lan rừng… đang đơm hoa rực rỡ.
|
Một tác phẩm hoa đất trông y như thật. Ảnh: Khắc Lịch
|
Chủ quầy hàng mở cửa đon đả mới tôi vào. Vốn là người không có máu chơi hoa, tôi đề nghị chị bán ngay cho một giỏ địa lan bằng đất sét. Chị chủ chỉ tay về dãy địa lan ngay cạnh tôi: “Dạ đây, anh chọn đi!...”.
Nhìn vào dãy địa lan, tôi thoáng “giật mình”, ngỡ ngàng, không thể tin vào mắt mình. Những giỏ địa lan được làm bằng đất mà bạn tôi đề nghị mua đây chăng? Không tin vào thi giác, tôi dùng tay để cảm nhận. Quả thật, đúng là những giỏ địa lan bằng đất. Lần này thì tôi bị “hoa giả” mê hoặc thật.
Chủ cửa hàng là một phụ nữ 36 tuổi, nhưng mang cái tên vừa nam vừa nữ, Huỳnh Hoàng Vân. Chị Vân kể, chị vốn là người Đà Lạt chính gốc, cái “chất hoa” đã ăn sâu vào hồn chị từ khi tâm thức biết cảm nhận cái đẹp, nhất là cái đẹp của các loài hoa. Có lẽ chính vì điều đó mà những giỏ hoa chị làm từ chất liệu đất sét có hình thức khá tính tế, tỉ mỉ, khiến người xem cảm nhận được “cái hồn” trong mỗi bông hoa, cành lá.
|
Thoạt nhìn không ai nghĩ đây là hoa được làm bằng đất. Ảnh: Khắc Lịch
|
Nghề làm hoa từ đất sét đươc du nhập vào Đà Lạt mới vài năm nay. Chị Vân chính là người đầu tiên đem nghề này về phố lạnh. Chị kể rằng, đã đi nhiều nơi, đã làm nhiều việc, ngoài 30 tuổi thì chị Vân mới bắt gặp được nghề hoa đất từ một nghệ nhân ở Sài Gòn phố thị. Đam mê yêu hoa, năng khiếu nghệ thuật vốn sẵn tính trời sinh, chỉ trong vòng 20 ngày chị Vân đã lĩnh hội hết nghề của thầy. Về Đà Lạt, chị Vân đem theo tài sản là những miếng đất sét màu sữa. Sản phẩm đầu tiên của chị trên xứ hoa Đà Lạt là một chậu lan tím. Sản phẩm vừa hoàn thành thì có người hỏi mua và đặt hàng với số lượng lớn. Hoa làm ra không đủ bán, đơn đặt hàng từ nhiều nơi đổ về.
Chị Vân nói rằng, nghề này (làm hoa đất) kén chọn người lắm, yêu hoa, yêu nghề, kiên trì học hỏi… là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Năng khiếu, tài hoa và sự sáng tạo của mỗi người thợ là một yếu tố quan trọng, giúp những đóa hoa tỏa hồn, sinh động như hoa ngoài tự nhiên. Để đất nở thành hoa là một quá trình lao động miệt mài, kiên trì, tỉ mẫn của người thợ tài hoa. Tất cả các công đoạn, từ khâu làm đất, tạo dáng, trang trí…đều đòi hỏi tính sáng tạo thông minh của người thợ. Chỉ cần sai một “thông số kỹ thuật” coi như phải làm lại.
|
Đẹp ngỡ ngàng hoa được làm từ chất liệu đất sét. Ảnh: Khắc Lịch
|
Để có được một giỏ địa lan hoàn chỉnh đến tay khách hàng, chị Vân phải làm trong vòng gần 1 tháng. Sản phẩm hoa đất rất đa dạng, ngoài các loại hoa phong lan, địa lan, còn có nhiều loại cây cảnh khác như cây sứa, dâu tây... Giá bán mỗi loại đều có sự khác nhau, giao động từ 240 nghìn đồng đến 10 triệu đồng/sản phẩm. Đến nay, mỗi tháng chị Vân cùng 15 học trò của mình làm được từ khoảng 50 sản phẩm hoa, cây cảnh từ đất nhưng vẫn không đủ để cung cấp ra thị trường.
|
Mỗi tác phẩm là một công trình nghệ thuật được tạo lập bằng sự kỳ công của con người. Ảnh: Khắc Lịch
|
Có chứng kiến người thợ chăm chỉ biến viên đất sét thành những đóa hoa lung linh sắc màu, giống hệt hoa ngoài tự nhiên mới cảm nhận được nghệ thuật là một sự công phu. Bây giờ thi tôi biết rằng vì sao bạn tôi lại mê hoa đất Đà Lạt.
TIN BÀI LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU
Khắc Lịch