Dở khóc dở cười chuyện siết nợ cuối năm

Google News

Cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp cần tiền mặt để thực hiện nhiều khoản chi trả, xung quanh chuyện con nợ và chủ nợ đang xảy ra khá nhiều chuyện dở khóc, dở cười.

Chủ nợ bị ép, còn con nợ thì “giấu bệnh”. Theo các chuyên gia, tình trạng doanh nghiệp thiếu tiền mặt đang nảy sinh những cách giải quyết gây thiệt cho cả hai phía.

 Hàng tồn kho, siết nợ phải bán rong giá sốc để có tiền mặt. Ảnh: MH.

Biến hàng hóa thành tiền

Ông Nguyễn Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm bất động sản Bình Gia, trục đường 32, Hà Nội cho biết: “Trung tâm vay nợ ngân hàng, khách hàng thì nợ tiền chúng tôi nhưng trong thời điểm hiện nay không tài nào xoay chuyển được tình huống xóa mình khỏi danh sách con nợ từ việc lấy nợ của khách hàng để trả ngân hàng. Con nợ lớn nhất của chúng tôi là một trung tâm kinh doanh hàng điện máy tại Hà Nội, với số tiền nợ ngót tỷ đồng do Trung tâm này mua mặt bằng của chúng tôi. Trung tâm đó hiện nay vẫn chưa có tiền trả và cho chúng tôi  hai sự lựa chọn mà họ đang có: Một là sẽ tiếp tục chọ họ nợ vốn, trả lãi suất thỏa thuận. Hai là cho chúng tôi lấy hàng. Nhưng gần 1 tỷ đồng, nếu lấy hàng của họ về chúng tôi bán cho ai? Chưa kể siết hàng thì giá cao trong khi mang về bán lại được giá thấp thì thua thiệt sẽ quá lớn”.

“Nếu 1 tháng nữa, chúng tôi vẫn chưa thu xếp được nguồn tiền đáo nợ ngân hàng thì sự thua thiệt cũng cực lớn. Ngân hàng có thể siết nợ một trong số những bất động sản mà chúng tôi đang có với giá sẽ rất bèo”, ông Nguyễn Văn Định cho biết thêm.

Với phần lớn những doanh nghiệp đang là con nợ có hàng tồn kho quá cao đang tìm mọi cách biến hàng tồn kho thành tiền. Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Phú Vinh đại diện cho một hãng sản xuất may máy công nghiệp của Đài Loan Trung Quốc ở đường  Cao Lỗ, thị trấn Đông Anh, Hà Nội, gần nửa tháng nay ở các văn phòng tất bật tiếp nhận quần áo. Nhiều người biết công ty này đều cho rằng họ nhận được sô quảng bá sản phẩm lớn. Nhưng khi tiếp xúc với người của công ty này, câu trả lời chúng tôi nhận được là “không phải”.

Bà Lê Thị Quý, trưởng phòng Marketing, Công ty Phú Vinh cho biết: “Cách đây khoảng nửa tháng, chúng tôi buộc phải lấy nợ khách hàng bằng 3 xe tải quần áo (loại xe 3,5 tấn) trị giá trên 500 triệu đồng. Do sau hàng chục lần hẹn tới lui mà vẫn không lấy được tiền nợ, công ty đành chọn giải pháp nhận 3 xe tải quần áo thay cho số tiền mà công ty đó nợ. Đây là giải pháp cuối cùng để chúng tôi gỡ được vốn, vì theo nguồn tin đáng tin cậy mà chúng tôi được biết thì công ty may mặc này đã “chết lâm sàng” nhưng chưa “phát tang” vì sợ ngân hàng phát mãi tài sản. Nếu không làm cách này thì số tiền nợ đó sẽ không bao giờ về được tay chúng tôi”.

Cũng theo bà Quý: “Phải mang quần áo đi bán là cách cực chẳng đã. Công ty cũng đang cần tiền để trả lương công nhân vì từ đầu năm đến nay làm ăn kém, gần như không có hợp đồng lớn nào, chỉ nhận được hợp đồng nhỏ từ một số cơ sở may mặc tư nhân. Vì muốn đẩy hàng  nhanh phải bán phá giá, tận dụng tất cả các kênh để bán hàng, bán hàng qua mạng, thuê trước cửa siêu thị cho đến việc đánh xe ô tô tải đi bán rong bên đường…. Công ty cũng dự tính, số quần áo lấy về dự trù bán được khoảng 400 triệu đồng, lỗ hơn 100 triệu”.
 

Theo điều 6 nghị định 37/2006/NĐ-CP, quy định: “Mức giảm giá tối đa đối với hàng hoá, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hoá, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại”. Khoản 4, điều 9 Nghị định 37/2006/NĐ-CP, quy định: “Một chương trình khuyến mại không vượt quá 45 ngày… vi phạm sẽ bị xử phạt tối đa 10 triệu đồng”. Tuy nhiên, với những quy định này, ngành thời trang và thực phẩm chế biến cho rằng luật đang làm khó họ. Vì thời trang tồn kho lỗi mốt, thực phẩm cận “đát” rất khó bán. Nếu bán được giá phải giảm cực sốc 70 – 80%. Trong bối cảnh tồn kho tăng cao rất cần có quy định phù hợp.

Theo bà Đặng Quỳnh Đoan, tổng giám đốc công ty thời trang Việt Thy, sức mua quần áo may sẵn hiện nay yếu hơn khoảng 20 – 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính, hàng tồn kho chiếm tỷ lệ khoảng 50 – 70% tổng lượng hàng bán ra. Nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc cũng cho rằng, hàng tồn kho may mặc, nhất là đồ đông của họ lượng tồn kho có thể đủ bán cho đến vụ rét năm sau. Trong khi đó, hàng càng cũ càng khó bán, nên các công ty đều chọn giải pháp vẫn sản xuất mới nhưng giảm sản lượng, giảm giá tối đa hàng cũ để dọn kho trống chứa hàng, thu hồi vốn tồn đọng… Hoặc ép được chủ nợ lấy hàng là giải pháp nhanh gọn và tốt nhất cho họ.

Tình trạng cuối năm cố “tống khứ” hàng tồn, hàng siết nợ có thể thấy rõ khi đi dọc các tuyến đường ở Hà Nội xuất hiện hàng rong sau 5h chiều như Nguyễn Trãi, Hồ Tùng Mậu, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt… Hàng xe ô tô tải bày la liệt bên lề đường đi kèm với biển giảm giá 30%, 50%, hay Đại hạ giá áo phao 3 lớp 200- 220k… Vào bất cứ siêu thị nào thời điểm này cũng có hàng nghìn mặt hàng khuyến mại giảm giá, bán hàng kèm quà tặng…

Hàng siết nợ, tồn kho khuyến mại “sốc” cũng bị gây khó

Theo các chuyên gia kinh tế, hầu hết các vụ siết nợ bằng hàng hóa đều có hại cho đôi bên. Bên thanh toán phải giao số hàng giá trị lớn hơn số tiền phải thanh toán, trong khi bên nhận thanh toán chỉ thu hồi được số tiền ít hơn so hợp đồng...

Theo phân tích của ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội, hiện các doanh nghiệp đang có rất nhiều phương án đẩy hàng tồn kho, hàng siết nợ. Chẳng hạn như nhóm hàng hoá mỹ phẩm khuyến mại rất mạnh tay, mua 1 tặng 1. Điều này đồng nghĩa với khi bán được 1 sản phẩm mới thì cũng “đẩy” được 1 hàng tồn. Đáng lưu ý, nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến chỉ còn hạn sử dụng trong vòng 3 – 6 tháng trong khi sức mua quá yếu buộc nhà sản xuất phải giảm giá mạnh lên đến 45 - 50%.

Nhiều sản phẩm đến “đát” muốn bán đổ đi cũng không được vì vướng quy định. Đại diện Công ty thời trang VT cho biết, họ vừa treo băng rôn giảm giá 70%, lập tức có đoàn kiểm tra đến lập biên bản, phạt vi phạm quy định về Luật thương mại và Quy định xúc tiến thương mại, kèm theo cảnh cáo nếu tái diễn việc giảm giá vượt quá 50%, thì có thể bị cấm thực hiện các chương trình khuyến mại trong một năm.