Hàng xóm kinh dị: “Ngáo ộp” tuổi thơ tôi

Google News

(Kiến Thức) – Hình như, tuổi thơ ai cũng có một hình ảnh “ngáo ộp” là người hàng xóm gần nhà nào đó, được bố mẹ xây dựng nên để hù dọa, nhắc nhở mỗi khi nổi cơn ương bướng, khó bảo. Nhưng cũng có người tự biến mình thành nỗi ám ảnh của những đứa trẻ xung quanh, như “bác Cường” ở khu nhà chúng tôi ngày ấy.

“Ngáo ộp” ngõ tôi

Đã gần 20 năm trôi qua, nhưng với nhiều lứa trẻ chúng tôi, bác Dũng là cụm từ mà khi nhắc đến vẫn còn đầy ấn tượng. Bác là hàng xóm sát vách nhà tôi ở quê (Thị trấn Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang), năm nay cũng đã gần 70 tuổi. Vợ bác ngày xưa bán hàng xén ngay gần nhà, và bác có nhiệm vụ chạy đi chạy lại đưa hàng, cất hàng, lấy thêm cái này, mang về cái kia.

Bác là tuýp người nóng tính, thích uống rượu và ghét trẻ con. Chỉ cần nghe tiếng bạc khoọc khoọc nhổ đờm, nghe tiếng chó sủa nối nhau từ đầu làng, thì chúng tôi đã biết 90% là bác đến. Lúc ấy, dù đang chơi trò gì ngoài ngõ, cả lũ cũng phải tản ra gọn gàng để nhường đường cho bác đi hoặc có khi dạt hết về nhà. Đứa nào đang quấy mẹ, nghe tiếng bác là lập tức im re không còn cả tiếng nấc.

"Bác Cường là ngáo ộp với lũ trẻ xóm tôi suốt thời thơ ấu"
"Bác Dũng là ngáo ộp với lũ trẻ xóm tôi suốt thời thơ ấu"

Những ngày bác vui vẻ thì có khi gặp chúng tôi, được chào, bác cười ha hả khen con nhà này ngoan, con nhà kia ngoan. Nhưng gặp phải những ngày bác đang cáu bẳn hay khi vừa uống rượu xong, mặt bác đỏ phừng phừng như ông Trương Phi, nói oang oang đi mấy chặng đường còn nghe thấy, thì chúng tôi đều nháy nhau liệu đường mà lẩn cho nhanh, nếu không thể nào cũng bị dọa nạt, chửi bới.

Bác thường thích ra tay giải quyết các vụ tranh chấp chả riêng của trẻ con mà cả người lớn. Nếu nghe có tiếng chí chóe hay tiếng khóc lóc vang lên, bác sẽ từ nhà lao ra thật nhanh, dù chuyện ồn ĩ kia của nhà ai đang đóng kín cửa hay của lũ trẻ tinh ranh tụi tôi ở giữa đường.

Chuyện người lớn bác sẽ quát tháo um tùm, nhà nào biết bác rồi thì nháy nhau mặc kệ, một tý bác chán lại đi về. Những nhà nào đang cơn giận nhau mà có lời vặc lại, thì bác chửi như hát hay, rồi thế nào bác cũng lôi con vợ khốn nạn thế này, thằng chồng đểu cáng thế kia... ra mà nói, và kết luận bao giờ cũng là “bỏ nhau đi”.

Lũ trẻ con kinh bác hơn. Với mấy đứa con gái bác sẽ quát cho rúm ró. Bác có một con dao thịt lợn chuyên mang ra dọa cắt lưỡi vì gào khóc lắm mồm. Với tụi con trai, bác bê vèo ra cái giếng, dốc chân xuống giếng cho sợ xanh mặt, không khóc được nữa, có đứa tè cả ra quần mới được tha. Có nhà xót con sang góp ý thì bác la làng ăn vạ rằng bác “làm phúc phải tội” nên “gặp toàn phường vô ơn”.

Lâu lâu chả phải vì uống rượu hay định làm quan tòa gì, chỉ là buồn buồn, đi qua lũ trẻ đang chơi, bác lại vằn mắt lên trêu chọc hay cấu trộm đứa nào một cái để chúng nó ré lên. Thế là bác khoái chí, lại vừa loẹt quoẹt đi thẳng vừa cười ha ha.

Bênh con vô lối

Dữ dằn, đáng sợ với con nhà người khác như vậy, nhưng với con mình, bác lại cưng hơn cục vàng. Khi còn bé, tôi thuộc nằm lòng thói quen ăn ngủ của hai đứa con nhà  bác, bởi vì nếu chúng tôi vô tình quên đi, mải chơi ầm ĩ thì nhẹ cũng là bị ăn chửi, đuổi chạy tán loạn; nặng thì sẽ lại bị dọa cắt lưỡi, thả xuống giếng...

Nhưng trong vai trò là bố, rồi bây giờ là ông, bác lại vô cùng chiều chuộng, bênh vực con cháu mình
Nhưng trong vai trò là bố, rồi bây giờ là ông, bác lại vô cùng chiều chuộng, bênh vực con cháu mình

Đối với bác, giờ con bác ngủ là cả xóm phải im lặng. Dù lúc ấy có là cuối chiều mà chúng tôi nô đùa cũng không được. Lúc nào con bác đang vui vẻ chơi đùa cùng thì đừng có đứa nào dại mà đánh nhau khóc lóc.

Chúng tôi ghét nó lắm, nhưng không dám tẩy chay nó, vì không chơi với nó, nó gào thét ăn vạ thì cũng chả đứa nào được chơi yên nữa. Mà chơi với nó, hễ cứ có chuyện là bác chạy ra bênh con, xơi xơi mắng bố mẹ chúng tôi không biết dạy con dù chính con bác mới sai đứt đuôi con nòng nọc.

Bác Dũng còn có kiểu, cứ con ốm là đổ tại nhà hàng xóm lây sang. Có lần tôi bị lên sởi, ba tháng sau con bé nhà bác mới bị. Thế mà bác soi xét từ tuần trước, tháng trước, rồi đến mấy tháng trước và ra tôi đã từng, cứ con bé lên cơn sốt hay quấy khóc, bác lại chạy ra cổng chửi vống sang nhà tôi, cho tôi đổ bệnh sang con nhà bác, ủ lâu giờ mới phát. Mẹ tôi vốn là người lành hiền mà lần ấy cũng bực mình đánh oan tôi một trận đòn đau, cấm cửa từ nay không được chơi với nó nữa. Mẹ nói hờn “Con nhà em là rơm là rác, con nhà bác là vàng là bạc...”

Bác còn có một “thú vui” khá đặc biệt là “dìm hàng” con nhà khác để tôn con mình lên. Ấy thế nhưng, ai lỡ miệng chê con bác cái gì thì bác sẵn sàng xông vào chửi rủa thậm chí cả đánh nhau, bác cho rằng người ta “quở” con bác.

Lúc còn bé, chúng tôi đều sợ, người lớn thì có khi khó chịu, có khi lại thấy bác giống như một đứa trẻ lớn tuổi, là chuyện cười đầu làng cuối ngõ. Lớn rồi, với mỗi lứa trẻ chúng tôi, “bác Dũng” là một tiếng gọi đầy dấu ấn tuổi thơ, vừa sợ sệt lại vừa thương nhớ!

Bây giờ, bác đã lên ông. Thi thoảng tôi về thăm nhà, vẫn gặp bác loẹt quẹt đi khắp làng. Lứa trẻ chúng tôi giờ thành bố thành mẹ hết, lại mang "ông Dũng" ra dọa con mình. Chẳng biết bác có bài dọa nạt kinh dị nào mới không, mà lũ cháu con các chị tôi ở cùng bố mẹ, con mấy đứa bạn ở lại quê của tôi, cứ bảo gì không nghe, lười ăn, khó ngủ, chỉ cần mẹ nó nhắc “ông Dũng ở ngoài cổng ấy” là lại răm rắp vâng lời ngay.

Huyền Thương (Lê Lai, TP Bắc Giang)
 
BÀI ĐỌC NHIỀU: