“Trai làng kể chuyện“: Đi truyền nước vì phải giã bánh giầy

Google News

(Kiến Thức) - Bây giờ đã là vợ chồng, sống với nhau được gần 10 năm nhưng tôi không thể nào quên  kỷ niệm hồi mới yêu. Đó lần đầu tiên tôi về nhà người yêu chơi đúng dịp cúng cơm mới, biết chúng tôi có tình ý với nhau nên bác gái bảo: “Cháu à, chiều nay cháu phải giã được 7 cối bánh giầy thì hai bác mới đồng ý cho cháu quen cái Bích...”.


"Để được phép quen vợ tôi bây giờ, theo lệ tôi phải giã 7 cối bánh giầy", anh Lê Minh Thiện chia sẻ.
"Để được phép quen vợ tôi bây giờ, theo lệ tôi phải giã 7 cối bánh giầy", anh Lê Minh Thiện chia sẻ.
Hồi đó chúng tôi đang học năm thứ hai trường Đại học sư phạm Hà Nội, dù yêu nhau được hơn một năm nhưng chưa lần nào tôi được về nhà người yêu ra mắt. Nhân dịp nhà trường cho nghỉ vài ngày, Bích - vợ tôi bây giờ - rủ tôi về quê Lạng Sơn cho biết nhà biết cửa.
 
Thấy con gái đưa một chàng trai lạ hoắc về cùng, bố Bích tỏ thái độ xa lánh, không nói, không rằng. Tôi có hỏi thì ông chỉ gật đầu cho qua chuyện rồi lặng lẽ theo dõi từng cử chỉ, hành động của tôi.

Thấy vậy nên tôi cũng không dám nói nhiều, làm việc gì cũng phải cẩn thận từng ly từng tí. Đang suy nghĩ không biết đối nhân xử thế ra sao cho vừa lòng bố mẹ Bích thì bỗng nhiên tôi nhớ lúc ở nhà bố mẹ có dặn: “Khi đến nhà bạn gái chơi, nếu có ý định tìm hiểu thì phải chào hỏi và xin phép hai bác bên đấy cẩn thận”.

Vậy là sau khi xong bữa cơm tối, tôi nhẹ nhàng lại gần bố mẹ Bích khoanh hai tay nói nhỏ nhẹ: “Dạ! Thưa hai bác, cháu có chuyện muốn thưa và xin ý kiến hai bác ạ...”. Phần thưa hỏi của tôi chỉ có bác gái đáp lời còn bác trai ngoài ngoảnh lại nhìn, không nói thêm một câu.

Trong lòng đầy lo lắng, sáng hôm sau tôi dậy sớm lang thang trên con đường làng hít thở không khí rồi ghé vào quán nước bên đường. Mới bước vào bà chủ quán đã hỏi: “Cháu là người yêu Bích hả?” Thấy khuôn mặt tôi ưu tư, bà chủ quán thắc mắc: “Lên thăm người yêu gì mà mặt buồn rười rượi thế cháu? Nó không đồng ý yêu cháu à?”.

Như tìm được chỗ trút bỏ tâm sự, tôi kể cho bà chủ quán nghe về thái độ của bố Bích. Nghe xong bà chủ quán cười sằng sặc bảo: “Ở trên này, người Nùng có tục khi bạn trai của con gái đến chơi, ông bố chưa nói chuyện ngay đâu, muốn được làm quen với con gái người ta thì phải chờ có dịp rồi giã được 7 cối bánh giầy họ mới đồng ý”.

Nghe xong tôi chỉ còn biết há miệng ngạc nhiên, tự nghĩ trong đầu: "Tục gì mà kỳ lạ vậy? Từ nhỏ đến giờ chưa phải làm gì nặng nhọc, giờ làm sao mà giã nổi 7 cối chứ?".

Về đến nhà, tôi thấy Bích đang đong gạo nếp xuống ngâm, lại gần hỏi thì cô ấy nói: “Em đong gạo nếp đi ngâm để chiều giã bánh giầy, tối ăn tết cơm mới”. Trong đầu tôi bắt đầu mang máng mường tượng cảnh mình sẽ phải giã 7 cối bánh giầy mà bà chủ quán mới nói.

Đầu giờ chiều mẹ Bích vào bếp đồ xôi, thấy tôi chạy lại giúp đỡ liền hỏii: “Quê cháu có làm thế này không?” Tôi trả lời: “Dạ! Không ạ!”. Mẹ Bích phân trần: “Ở trên này có tục lệ ăn cơm mới vào ngày 15/10, cúng tổ tiên bằng bánh giầy và bánh đó được giã bởi bàn tay chàng rể tương lai thì càng tốt. Vậy nên chiều nay cháu phải giã được 7 cối bánh giầy thì hai bác mới đồng ý cho cháu quen cái Bích”. Nghe vậy tôi chỉ còn biết: "Vâng"!

Cách giã bánh giầy trong lễ hội của người Nùng
Cách giã bánh giầy trong lễ hội của người Nùng

Tuy nhiên tôi thực sự lo lắng vì không biết có làm nổi không nên hỏi nhỏ Bích: “Chiều nay anh không giã được 7 cối bánh giầy thì hai đứa mình chia tay hả em?”. Bích quay lại bảo: “Anh cứ giã hết sức, được bao nhiêu thì được, để em nói với mẹ sau”.

Khi xôi đã chín, bác gái gọi tôi lại gần chiếc cối, buộc lên đầu một chiếc khăn đỏ và đưa cho một đoạn tre dài khoảng 1,5m mới chặt về, cầm rất vừa tay. Sau khi Bích đổ xôi vào cối, mọi người đứng bên cạnh bảo tôi: “Giã đi cháu”. Một bác đứng tuổi bước ra hướng dẫn: “Cháu giã bao giờ những hạt cơm nhuyễn ra kết dính lại thành bánh giầy mới được”.

Hơn 2 tiếng trôi qua, tôi mới giã được ba cối mà chân tay mỏi như muốn rụng rời, mồ hôi ướt đẫm áo, tay nâng chiếc gậy tre không nổi. Gắng gượng giã từng nhát một rồi tự nhiên tôi thấy hoa mắt, khó thở... Tôi tỉnh dậy trên giường bệnh ngoài trạm xá, nghe bác sĩ nói: "Cháu bị lả vì làm việc quá sức nên phải truyền nước".

Lúc tôi từ trạm xá trở về, mọi người đã quây quần bên mâm cơm, thấy tôi ai cũng cười vui vẻ. Bác cả thay mặt gia đình đứng lên nói: “Hôm nay là ngày cúng cơm mới nên con cháu trong gia đình tổ chức làm bánh giầy cúng tổ tiên. Những chiếc bánh đang đặt trên kia là do chính tay cháu Thiện giã, tuy chưa đạt 7 cối nhưng cũng đã được 3. Từ hôm nay cháu chính thức được dòng họ chấp nhận cho qua lại với cháu Bích".

Sau buổi “vượt ải” đáng nhớ ấy, chúng tôi trở lại trường học, hai năm sau ra trường có công ăn việc làm ổn định thì tổ chức đám cưới. Bây giờ mỗi lần có dịp về chơi nhà ngoại, các chú các bác vẫn nhắc lại kỷ niệm "giã 7 cối bánh giầy mới được làm quen" ấy.

Hứa Phương - Vũ Sơn (Ghi theo lời kể của anh Lê Minh Thiện ở Thủ Đức, TPHCM)

Bài đọc nhiều:

“Trai làng kể chuyện“: Giữ gái làng, đánh nhầm “bố vợ” “Trai làng kể chuyện“: Giữ gái làng, đánh nhầm “bố vợ” Khu tập thể: Bị cái "của nợ" trùm vào mặt Khu tập thể: “Nứt mắt ra đã học đòi chuyện người lớn”