Khoảng giữa thế kỉ thứ IX, khái niệm Bushido ( võ sĩ đạo ) bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Bushido được hiểu là một triết lí sống, một tư tưởng chủ đạo mà mỗi chiến binh samurai đều phải tuân theo. Ban đầu, tư tưởng Bushido chỉ áp dụng cho tầng lớp chiến binh thông thường nhưng sau cùng nó đã gần như trở thành một bộ luật được áp dụng rộng rãi trong thời kì phong kiến ở Nhật Bản. Bushido bao gồm bảy đức tính chính hướng đến các cách ứng xử trong cuộc sống của các võ sĩ đạo, có cả những luật bất thành văn.
|
Những Samurai ở Nhật Bản. |
Là một samurai chân chính có nghĩa là họ luôn phải đặt Bushido lên hàng đầu, luôn đứng về phía công bằng và công lý, sẵn sàng đón nhận cái chết để giữ gìn danh dự cho mình . Bên cạnh đó, họ còn phải tuyệt đối trung thành với chủ nhân và luôn hoàn thành nhiệm vụ bất kể có xảy ra chuyện gì đi chăng nữa. Đó là những nguyên tắc cơ bản mà một võ sĩ đạo luôn phải ghi nhớ và tuân theo. Chính điều này đã giúp giữ gìn hình ảnh và tạo nên tên tuổi cho các samurai Nhật Bản hàng trăm năm nay.
Khổ luyện vì cuộc sống và chiến tranh
Qúa trình đào tạo một chiến binh Samurai phụ thuộc vào sự giàu có của gia đình anh ta. Trong gia đình có đẳng cấp thấp, người con trai học tập tại các ngôi trường trong làng, và họ được đào tạo để trở thành một Samurai từ cha, anh trai, hoặc chú bác. Đào tạo võ thuật được coi là rất quan trọng, và thường bắt đầu khi đứa trẻ lên năm. Con trai của gia đình giàu có hơn thì được gửi đến học viện đặc biệt, để thu nhận kiến thức văn học, nghệ thuật, và kĩ năng chiến đấu.
|
Samurai khổ luyện vì cuộc sống và chiến tranh. Ảnh minh họa |
Chúng ta đã quá quen thuộc với hình ảnh Samurai là một bậc thầy sử dụng thanh kiếm katana với các kỹ năng chết người. Tuy nhiên, Samurai khi xuất hiện trong vài thế kỷ đầu tiên, còn được gọi là chiến binh cưỡi ngựa bắn cung. Bắn cung trong khi cưỡi ngựa là kĩ năng phức tạp, và làm chủ nó đòi hỏi nhiều năm luyện tập trên cả mục tiêu cố định cũng như mục tiêu di động. Trong một thời gian, chó được sử dụng như là mục tiêu chuyển động để luyện tập, cho đến khi các Shogun bãi bỏ phương pháp luyện tập tàn bạo này.
Các Samurai còn phải luyện tập kiếm thuật không ngừng nghỉ. Có một câu chuyện kể về một vị sư phụ đã tấn công các học trò với một thanh kiếm bằng gỗ vào những thời điểm ngẫu nhiên trong suốt cả ngày và đêm, cho đến khi các sinh viên học được cách không bao giờ đánh mất cảnh giác.
Ngoài kỹ năng chiến binh, Samurai cũng được đào tạo trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như văn học và lịch sử. Trong thời Tokugawa, thời kì hòa bình, vì vậy các kiến thức học tập đặc biệt hữu ích. Tuy nhiên, một số sư phụ đào tạo Samurai cảnh báo học trò của họ không nên tập trung quá nhiều vào văn chương và nghệ thuật, vì sợ tâm trí của họ sẽ trở nên yếu kém.
Thanh kiếm - vật bất ly thân của Samurai
|
Thanh kiếm là vật bất ly thân của Samurai. |
Thanh kiếm lưỡi sắc lẹm không tì vết Katana là linh hồn của các võ sĩ Samurai. Và phải là một Samurai xuất chúng mới có thể mang thanh kiếm cao quý này bên mình. Katana được các Samurai truyền từ đời này sang đời khác, chúng là những tác phẩm tinh luyện của các nghệ nhân thời phong kiến ở Nhật Bản, và là tài sản đắt đỏ nhất của các Samurai. Ngoài Katana, Samurai cũng thường sử dụng các loại vũ khí khác như dao ngắn, pháo để chiến đấu. Trong những trận đấu lớn thì họ sử dụng mũi tên và giáo dài Yari.
Seppuku – Mổ bụng tự sát
Danh dự là thứ quý giá nhất của một samurai chân chính. Nếu thất bại một nhiệm vụ nào đó hoặc vi phạm vào tư tưởng Bushido họ sẽ tự sát. Thông thường, các võ sĩ đạo sử dụng phương pháp Seppuku. Họ cầm một con dao nhỏ và tự cắt ruột của mình. Sau đó, một người đứng cạnh sẽ chém đầu họ để kết thúc nghi thức Seppuku.
Seppuku tồn tại trước cả Bushido. Theo sự miêu tả của các nước phương Tây, đây là một hình thức, nghi lễ để các samurai có thể chuộc tội. Khi làm một cái gì đó khiến cho gia đình, chủ nhân, bản thân cảm thấy xấu hổ, họ sẽ mổ bụng tự sát để lấy lại danh dự của mình và tự hào về nó trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời.
Tuy nhiên, đó không phải mục đích duy nhất của Seppuku. Theo những tài liệu lịch sử, nó là một hình phạt tử hình được sử dụng cho đến tận năm 1873. Trước đó, các lãnh chúa còn sử dụng Seppuku để thỏa thuận hòa bình. Họ sẽ chấp nhận ngưng chiến nếu người kia chịu mổ bụng tự sát. Ngoài ra,còn có quan điểm cho rằng, việc các samurai bị người khác giết là một nỗi tủi nhục lớn. Họ thà mổ bụng tự sát chứ quyết không để bị bắt và tra tấn. Trong thời hiện đại, nghi thức Seppuku lại nổi lên ở Nhật Bản, như một cách để khôi phục lại danh dự khi thất bại và được sử dụng như một phương tiện thể hiện sự chống đối.
Samurai và Thiền Tông
|
Các Samurai cho là Thiền sẽ giúp họ hành động dứt khoát. |
Các tôn giáo bản địa của Nhật Bản là Thần đạo, cho đến khi bị Phật giáo thay thế trong thế kỷ thứ 5 sau công nguyên. Các Samurai tin theo một phái Phật Giáo gọi là Thiền tông. Thiền là tập trung tư tưởng vào một sự việc hoặc một ý tưởng duy nhất. Những người theo Thiền tông cho là họ có thể tìm ra chân lý và sự hiểu biết thông qua tĩnh tâm và chế ngự bản thân. Các Samurai thì cho là Thiền sẽ giúp họ hành động dứt khoát, đặc biệt là trong chiến đấu, và phát triển thư thái nội tâm.
Quần rộng – Lợi thế của các Samurai?
Kiểu quần này được gọi là hakama, được thiết kế có vẻ hơi cồng kềnh, khá dày và bên cạnh đó cũng có nhiều kiểu quần khác nhau thiết kế cho những dịp khác nhau. Nhưng chúng đều có một điểm chung đó là: rất dài.
|
Trang phục của các Samurai. |
Việc mặc những kiểu quần dài như thế này trông có vẻ không thực tế cho lắm trong chiến đấu, nhưng tương truyền, các samurai mặc hakama sẽ che dấu được những bước di chuyển của mình. Từ đó, đối thủ sẽ không đoán được ý đồ tấn công và cách di chuyển bất ngờ sẽ đem lại lợi thế cho họ. Tuy nhiên, nó có vẻ không hiệu quả lắm khi mặc đồ này trong những cuộc chiến.