Một kế hoạch phiêu lưu
Quan hệ
Xô-Trung sau những năm tháng tốt đẹp dần đi vào căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ. Đến tháng 3/1969, căng thẳng bùng phát thành xung đột. Trong các ngày 2, 15 và 17/3/1969, quân đội hai bên liên tục nã pháo vào nhau ở đảo Damansky/Trân Bảo.
Vào lúc đó, theo cuốn sách Lật lại những trang hồ sơ mật của Nxb Thông Tấn, phía Liên Xô đã phản ứng quyết liệt. Phái cứng rắn trong quân đội do Bộ trưởng Quốc phòng đứng đầu chủ trương loại bỏ vĩnh viễn mối đe dọa Trung Quốc bằng cách sử dụng tên lửa hạt nhân từ quân khu Viễn Đông đánh vào các cơ sở quân sự và chính trị trọng yếu của Trung Quốc.
Tuy nhiên Liên Xô cũng không dám manh động. Trước tiên họ cần thăm dò thái độ của Mỹ. Ngày 20/8, Đại sứ Liên Xô tại Washington – Dobrynin tới gặp Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger thông báo ý định đánh đòn hạt nhân vào Trung Quốc và đề nghị Mỹ cho biết ý kiến.
Liên Xô cho rằng quan hệ Mỹ - Trung lúc đó đang căng thẳng nên nếu có ra tay “triệt hạ” Trung Quốc thì Mỹ cũng giữ vị trí trung lập.
|
Hình ảnh đáng sợ của một vụ thử hạt nhân trong thập niên 1950. Ảnh: dailymail. |
Ngay sáng sớm hôm sau, Kissinger vội vã vào gặp Tổng thống Nixon thông báo chuyện động trời mà Đại sứ Liên Xô nói hôm trước. Nhà Trắng lập tức nhóm họp các quan chức cấp cao để bàn bạc.
Nhưng lúc đó, nhiều ý kiến cho rằng Liên Xô là mối đe dọa lớn nhất cho các nước phương Tây và sự tồn tại của một nước
Trung Quốc lớn mạnh sẽ kiềm chế Liên Xô. Mặt khác, lúc đó Trung Quốc đã có vũ khí hạt nhân mặc dù số lượng ít hơn nhưng họ hoàn toàn có khả năng trả đũa. Khi đó, ô nhiễm sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới 250.000 quân Mỹ đóng ở châu Á.
Đặc biệt Mỹ sợ nhất là nếu để Liên Xô chứng tỏ được uy lực hạt nhân của mình, cả thế giới sẽ run sợ và có thể họ sẽ giành mất ngọn cờ lãnh đạo thế giới từ tay Mỹ. Bởi vậy cuộc họp của Nhà Trắng đi đến kết luận phải ngăn chặn Liên Xô.
Các quan chức Mỹ cho rằng chỉ cần Mỹ phản đối, Liên Xô sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân.
Mỹ cũng muốn thông báo cho Trung Quốc biết ý định của Liên Xô để ngăn chặn kế hoạch tấn công hạt nhân của
Moskva. Tuy vậy, đó là việc khó khăn vì từ năm 1949 đến lúc này, quan hệ Mỹ-Trung vẫn căng thẳng. Nếu Mỹ trực tiếp thông báo chưa chắc Trung Quốc đã tin thậm chí sẽ nghĩ Mỹ lại giở trò gì mới.
|
Một tên lửa hạt nhân của Liên Xô được giới thiệu năm 1965. |
Cuối cùng, Nhà Trắng nghĩ ra một cách vẹn toàn, vừa gián tiếp thông báo cho Trung Quốc mà vừa dễ ăn nói với Liên Xô. Ngày 28/8, họ cho một tờ báo hạng bình thường là tờ Ngôi sao Washington đăng tin: “Liên Xô có ý định ra đòn tấn công hạt nhân theo kiểu phẫu thuật ngoại khoa đối với Trung Quốc”.
Bài báo viết: “Theo một nguồn tin đáng tin cậy, Liên Xô có ý định sử dụng tên lửa tầm trung mang đầu đạn hạt nhân có sức công phá tương đương vài triệu tấn thuốc nổ TNT tiến hành tấn công kiểu phẫu thuật ngoại khoa nhằm vào căn cứ phóng tên lửa Tửu Tuyền, Tây Xương, căn cứ thử nghiệm hạt nhân La Bố Bạc và những thành phố công nghiệp quan trọng của Trung Quốc như Bắc Kinh, Trường Xuân, Yên Sơn”.
Về phía Trung Quốc, tin tức nhanh chóng được báo cáo lên lãnh đạo cao nhất. Mao Trạch Đông đối phó bằng cách đưa ra phương châm: “đào hang sâu, tích lương thực nhiều”. Theo đó, nhiều nhà máy xí nghiệp chuyển sang sản xuất trang thiết bị quân sự, hàng loạt công xưởng chuyển tới khu vực đồi núi hiểm trở còn nhân dân các thành phố lớn như Bắc Kinh, Trường Xuân bắt tay vào đào công sự ngầm.
Điều này cũng được cuốn sách Hồ sơ quyền lực Mao Trạch Đông của Shaun Breslin xác nhận: “Chỉ đến khi phương Tây biết được những thông tin đáng tin cậy vào những năm 1980, thì ta mới biết rằng vấn đề quốc phòng là yếu tố cơ bản nhất định hình chiến lược đầu tư khu vực của Trung Quốc trong các thập niên 1950, 1960 và 1970. Sợ rằng các cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật có thể nhanh chóng và dễ dàng phá hủy toàn bộ năng lực sản xuất công nghiệp của Trung Quốc, nên các nhà máy ở phía Đông được tháo dỡ từng viên gạch và cùng với lực lượng lao động di dời tới những địa điểm an toàn hơn ở phía Tây nhằm thiết lập một phòng tuyến chiến lược ở hậu phương”.
Nút thắt nguy hiểm
Trong khi câu chuyện vẫn chưa kết thúc, ngày 16/9 Victor Luis – người phát ngôn của tình báo Liên Xô cho đăng một bài báo trên tờ Bưu điện thứ 7 của Anh. Bài viết hé lộ rằng Liên Xô có thể sẽ ra đòn tấn công đường không nhằm vào căn cứ thử nghiệm hạt nhân La Bố Bạc của Trung Quốc ở Tân Cương.
Sau bài viết này, Trung Quốc càng tích cực chuẩn bị còn Mỹ thì biết rõ đó chỉ là hành động nhằm thăm dò Washington và răn đe Bắc Kinh. Để ngăn chặn kế hoạch của Liên Xô, Nhà Trắng đã cho khôi phục hội đàm cấp đại sứ Trung – Mỹ tại Vacxava để tạo kênh giao lưu khẩn cấp với Bắc Kinh. Mặt khác còn thông qua những người có quan hệ thân mật với Trung Quốc như Nicolae Ceausescu liên tục truyền đạt thành ý mong muốn hòa giải với Trung Quốc. Những hành động đó chẳng qua là màn kịch diễn cho Liên Xô xem.
Thậm chí, Mỹ còn sử dụng loại mật mã mà họ biết đã bị Liên Xô phá để truyền đạt mệnh lệnh chuẩn bị ra đòn hạt nhân nhằm vào 134 mục tiêu cốt tử của Liên Xô nếu Liên Xô phóng tên lửa hạt nhân vào Trung Quốc.
|
Tên lửa DF-41 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc hiện nay. |
7h ngày 15/10, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Kosygin hoảng hốt báo cáo với Tổng bí thư Brezhnev rằng Trung Quốc đã đặt các căn cứ tên lửa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu và Mỹ đã đề ra kế hoạch tiến hành chiến tranh hạt nhân với Liên Xô.
Không tin tưởng, Brezhnev liền cho kết nối ngay điện thoại với Đại sứ Liên Xô tại Mỹ. Đại sứ Dobrynin báo về: “Tình hình quả đúng như vậy. Hai giờ trước tôi đã gặp Kissinger. Ông ta nói Tổng thống Nixon cho rằng lợi ích của Trung Quốc có quan hệ mật thiết với lợi ích của Mỹ. Nếu Trung Quốc bị tấn công hạt nhân, họ cho rằng chiến tranh thế giới thứ 3 bắt đầu và sẽ tham chiến trước tiên. Kissinger còn tiết lộ Tổng thống Mỹ đã ký mật lệnh sẵn sàng ra đòn trả đũa hạt nhân nhằm tới hơn 130 mục tiêu quan trọng của chúng ta nếu họ phát hiện một quả tên lửa tầm trung của ta rời bệ phóng”.
Quá tức giận, Brezhnev hét lên: “Bọn Mỹ, chúng đã bán đứng chúng ta”.
|
Ở thời điểm năm 1969, trong biên chế của quân đội Trung Quốc có tên lửa DF-2 mang được 1 đầu đạn hạt nhân 12 kiloton với tầm bắn hơn 1000 km. |
Một lát sau, đợi cho Brezhnev bình tĩnh lại, Kosygin mới nói: “Có thể kế hoạch trả đũa của Mỹ chỉ là để dọa chúng ta nhưng quyết tâm phản đòn của Trung Quốc là rõ ràng. Mặc dù Trung Quốc không có nhiều đầu đạn hạt nhân, nhưng chúng ta không thể đập tan sự phản kích của họ ngay trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh. Bên cạnh đó, 4 năm trước, Trung Quốc đã thử nghiệm tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đạt độ chính xác tương đối cao. Hơn nữa, hiện nay họ đã có sự phòng bị. Chúng ta nên đàm phán với Trung Quốc”.
Trong tình cảnh đó, cuối cùng Liên Xô cũng từ bỏ ý định ra đòn hạt nhân với Trung Quốc. Sau đó, cuộc đàm phán Xô-Trung bắt đầu ở Bắc Kinh đã làm dịu đi những căng thẳng. Nhờ đó thế giới tránh được một thảm họa chiến tranh và môi trường nguy hiểm.
Theo Người Đưa Tin