Mấy trăm năm qua, ngôi đền là nơi chữa bệnh tâm thần cho người dân tứ xứ. Cứu chữa người bệnh là nghiệp mà ông Tự phải làm để kế tục truyền thống gia đình...
Bỏ vợ chứ không bỏ người bệnh
Ông Tự cho biết, cuộc đời ông trải qua nhiều nỗi gian truân. Năm 14 tuổi ông đã được cha dạy cho các phương pháp điều trị bệnh tâm thần. Nhưng từ năm 22 tuổi ông đã phải tự đi kiếm sống. Bố ông bảo, ở độ tuổi đó, phải tự mình làm để ăn, làm được thì ăn không thì nhịn. Bố ông không cho đồng nào để sống.
“Khi nghe bố nói vậy, tôi rất cay cú và bỏ nhà ra đi. Hôm đầu tiên tôi lang thang về Hà Nội, đói quá, thấy một cơ sở đóng than, tôi xin vào làm. Lúc đầu nhìn tôi nhỏ con, họ chê không muốn thuê, tôi nài nỉ mãi họ mới cho làm. Làm cả ngày họ cho bữa ăn là sướng lắm rồi. Nhờ tích cóp được chút tiền, tôi mua chiếc xe đạp cọc cạch đi buôn than. Thấy công việc quá vất vả, không có thu nhập, tôi lại chuyển sang đạp xích lô. Nhưng lời lãi không thấy đâu còn bị nợ nần. Sau đó, tôi quyết định về quê vay tiền đầu tư chăn nuôi. Tôi nuôi cá cá chết, nuôi gà gà dịch bệnh. Cay cú vì những thất bại đó, tôi lại chuyển nghề sang đi buôn hoa quả ở Hà Nội. Công việc đang làm ăn vào cầu thì bỗng nhiên bố tôi đột tử. Tôi phải về gánh vác công việc của ông”, ông Tự kể.
Ông Tự bảo, có lẽ công việc cứu người, giúp đời là cái nghiệp mà gia đình dòng họ ông phải gánh vác. Ông cũng không thể bỏ qua công việc đó. Nhưng công việc đó khiến cuộc sống của ông đảo lộn. Ông Tự kể: “Gia đình tôi đang yên ấm, nhưng bỗng nhiên tôi đón người bệnh về ở để chữa bệnh. Toàn là những người bệnh tâm thần nặng, đến từ khắp nơi. Họ mất năng lực hành vi, nên trong sinh hoạt hằng ngày không làm chủ. Ăn uống, vệ sinh một chỗ. Người vợ tôi khi đó, chửi bới càu nhàu tôi suốt ngày. Cô ấy bảo thần kinh tôi không bình thường, vợ con không lo được còn nuôi người tâm thần. Sau đó, cả hai quyết định chia tay. Tôi thà bỏ vợ chứ không thể bỏ người bệnh”.
|
Phương pháp chữa bệnh của ông Tự là kết hợp giữa tụng kinh, niệm Phật và rèn luyện sức khoẻ. |
Nhiều người tâm thần khỏi bệnh
Chúng tôi đến đền Thó đúng vào lúc ông Tự đang hướng dẫn người bệnh các phương pháp chữa bệnh tâm thần. Ông bảo, đây là các phương pháp chữa bệnh tổng hợp. Hằng ngày, họ được ông đưa xuống đền tụng kinh gõ mõ, cầu nguyện trong vài giờ đồng hồ. Sau đó, đưa họ ra sân vườn tập thể dục và lao động sản xuất. Điều đó, giúp cho người bệnh nâng cao sức khoẻ và có ý thức hơn trong hành vi của mình.
Mấy chục con người ở trong đền đều là bệnh nhân tâm thần nặng, nhưng không có bất cứ tiếng gào thét, ồn ào nào. Họ đều răm rắp nghe theo sự chỉ dẫn của ông Tự. Trong những bệnh nhân tâm thần đến nhờ ông Tự chữa trị ông nhớ nhất là bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Ngát (xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội). Ngát bị bệnh tâm thần nhiều năm, đi chữa trị ở nhiều nơi không khỏi. “Khi đến nhà đền, cô ấy phải nhờ người thân xích chân tay. Thấy cô ấy bị bệnh nặng quá lúc đầu tôi không dám nhận. Nhưng khi nghe người thân van xin, tôi cảm thương mới gật đầu cho ở lại điều trị. Ngày mới đến Ngát rất hung hãn, có hôm cầm dao kéo, có hôm cầm gạch đánh người khác”, ông Tự kể.
Phải mất hơn nửa tháng, bằng các biện pháp của mình ông Tự mới chế ngự tính khí hung hãn của Ngát. Ông cho cô tụng kinh niệm Phật, tham gia các hoạt động cùng các bệnh nhân trong đền. 6 tháng sau, người nhà đến đón cô trong sự vui sướng tột độ. Sức khỏe của Ngát ổn định, bệnh tình đã thuyên giảm đến 90%.
|
Ông Tự làm lễ cho người bệnh tâm thần. |
Chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Tuyến, thôn An Quang (xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) người từng chữa bệnh tâm thần tại đền Thó. Ông Tuyến cho biết, trước đây ông bị tâm thần, không nhớ gì cả. Có hôm nhìn thấy vợ, con như kẻ thù muốn lao vào chém giết. Đi khám bác sĩ nói bị thần kinh phân liệt. Điều trị nhiều bệnh viện, chỉ thuyên giảm chứ không khỏi. Nhờ người quen giới thiệu ông đến nhờ ông Tự chữa trị. “Hằng ngày thầy Tự đưa tôi xuống đền làm lễ 3 tiếng, chúng tôi ngồi thiền niệm Phật, cầu mong thoát khỏi bệnh tật. Kết hợp tập thể dục, rèn luyện lao động nâng cao sức khoẻ. Tôi điều trị 3 tháng 10 ngày thì bệnh đỡ hẳn. Về nhà ăn uống ngon miệng, sức khoẻ ổn định, trí nhớ dần được hồi phục. Giờ bệnh của tôi đã khỏi được tới 99%”, ông Quang cho biết.
Em Nguyễn Văn Thắng xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Em bị ảo giác, nhìn cái gì cũng là của mình, chân tay múa may quay cuồng. Gia đình đưa lên Hà Nội chữa trị mà bệnh tình không khỏi. Nhờ người quen giới thiệu đến nhờ thầy Tự chữa trị. Qua 6 tháng được thầy Tự điều trị, đầu óc em thấy thoải mái, ảo giác trước đây không còn nữa. Vài hôm nữa, thầy Tự cho em về nhà”.
|
Mười năm qua, ông Tự chữa bệnh miễn phí. |
Làm phúc cho đời
Ông Tự cho hay, gần 10 năm nay, ông dốc sức vào việc cứu chữa người bệnh. Đa số họ là những người bị bệnh tâm thần nặng, chữa trị nhiều nơi không khỏi. Đường cùng họ đến nhờ ông điều trị. Ngôi đền của ông không phải là cơ sở chữa bệnh mà ai bị bệnh đến nhờ thì ông giúp, ông làm phúc chứ không lấy tiền. “Tôi coi người bệnh như người thân của mình, vì thế tôi trực tiếp cho họ ăn uống, tắm giặt. Mỗi bệnh nhân hằng tháng chỉ nộp 500.000 đồng và từ 5 - 30kg gạo. Ngoài ra không nộp bất cứ khoản tiền nào cả”, ông Tự kể.
Ông bảo, ông làm việc này là làm phúc, ông không tính toán chi ly chuyện tiền bạc. Có gia đình đưa bệnh nhân đến điều trị, suốt mấy tháng trời không đoái hoài con em mình. Cứ để mặc cho ông chăm sóc chữa trị. Khi ông chữa khỏi, họ chỉ mang 4 quả ổi xanh đến cảm ơn. Nhiều người chữa khỏi bệnh khi về chỉ cần họ cảm ơn là ông vui sướng. Ông cũng chữa trị cho nhiều người gia đình khá giả, có cả những đại gia. Khi khỏi bệnh, họ hứa tặng ông nhà lầu, xe hơi. Tuy nhiên, ông đều từ chối. Nếu ông lấy tiền của bệnh nhân thì có lẽ của nả trong nhà ông đã chất thành đống rồi. Đằng này, có tháng ông phải đi vay mượn hàng chục triệu đồng để chi trả tiền ăn uống, tiền điện cho người bệnh. Hiện gia đình ông làm tới 2 mẫu ruộng để lấy gạo cho bệnh nhân ăn.
|
Thắng đã mất dần ảo giác và làm việc bình thường. |
Ông Tự tâm sự: “Đời cha ông, dạy tôi thế nào thì tôi làm thế đó. Tôi chữa bệnh không liên quan gì đến mê tín dị đoan gì cả. Mà muốn cứu giúp dân nghèo. Tôi mong muốn, các nhà khoa học có thể vào cuộc, kiểm nghiệm những người tôi đã chữa trị, đánh giá hiệu quả. Cũng để nhiều người biết đến phương pháp chữa trị này”.
Theo ông Tự, những người đến nhà đền chữa bệnh cần phải làm đơn và viết giấy cam kết. Họ tự nguyện, thật lòng muốn nhờ nhà đền giúp thì nhà đền mới nhận ở lại. Khi họ đến ông đều báo cáo với chính quyền địa phương xin lưu trú. Đền chữa bệnh nhiều năm, nhưng chưa xảy ra việc mất trật tự cho người dân xung quanh.
Việc chữa bệnh bằng tâm linh thời gian qua, diễn ra ở nhiều địa phương. Ông không phủ định, phương pháp chữa bệnh của ông Tự, cũng như không khẳng định đó là cách chữa bệnh hiệu quả. Cách chữa bệnh đó cần cơ quan chức năng thẩm định, đánh giá để kết luận.
Ông Vũ Thế Khanh (Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng UIA)
Đại Cát