Không quân Israel (IAF) đã quan tâm đến chiến đấu cơ Lockheed Martin F-16 sau Chiến tranh Yom Kippur (còn gọi là cuộc chiến "Ngày phán xét" năm 1973. Khi đó, IAF nhận ra rằng cùng với chiến đấu cơ F-15 Eagle, họ cần một mẫu chiến đấu cơ mới, tiên tiến hơn và giá thành rẻ hơn.
Các cuộc đàm phán giữa Israel với Mỹ để có thể sở hữu máy bay chiến đấu F-16 bắt đầu từ năm 1975. Sau nhiều năm trì hoãn, mẫu máy bay chiến đấu này đã được Israel mua thành công trong năm 1979. Đây là một phần kết quả của hiệp ước hòa bình Camp David giữa Israel với Ai Cập.
Những chiếc F-16 đầu tiên được chuyển giao cho IAF vào năm 1980 và vào năm 1981, trước khi tất cả các chiếc Netz (cách IAF gọi F-16A) được chuyển giao, những chiếc F-16 mới nhận đã tham gia vào một trong những sứ mệnh nổi tiếng nhất trong lịch sử Không quân Israel, đó là chiến dịch Opera.
Chiến dịch này được triển khai nhằm phá hủy lò phản ứng hạt nhân Osirak hay còn gọi là Tamuz 1 của Iraq nằm ở Trung tâm hạt nhân Al Tuwaitha, cách thủ đô Baghdad 12 dặm về phía Đông Nam.
Theo Bill Norton, tác giả cuốn: “Air War on the Edge, A History of the Israel Air Force and its aircraft since 1947”, Tổng thống Saddam Hussein thực sự muốn từ lò phản ứng hạt nhân do người Pháp xây là nhiên liệu nguyên tử đã qua sử dụng, từ đó plutonium có thể được chiết xuất để sản xuất phần lõi của một quả bom nguyên tử. Đích đến của quả bom này sẽ là Israel.
Theo ông Bill Norton, các máy bay chiến đấu của Israel đã bay quãng đường hơn 600 dặm, qua không phận 3 quốc gia đối địch để tới được mục tiêu. Trong đó, quốc gia đầu tiên là Saudi Arabia và khu vực sa mạc của nước này.
Lộ trình trên được Israel lên kế hoạch không chỉ để tránh vùng bao phủ của radar đối phương mà còn tránh các sân bay.
Quá trình huấn luyện cho cuộc tấn công được tiến hành tại sa mạc Negev. Tại đây, họ đã xây dựng một mô hình lò phản ứng hạt nhân. Để phá hủy lò phản ứng hạt nhân này, ít nhất họ đã thực hiện 2 cuộc tấn công mô phỏng vào tháng 8 và tháng 9/1980. Sau đợt huấn luyện, Israel đã chọn 4 ngày để thực hiện cuộc tấn công. Sau khi 3 ngày bị hủy bỏ, vào ngày 10/5/1981, khi các phi công Israel đã vào buồng lái sẵn sàng tác chiến thì chiến dịch lại bị trì hoãn một lần nữa bởi họ lo ngại rằng, các công nhân người Pháp có thể đang ở trong lò phản ứng Osirak vào thời điểm họ tấn công phá hủy cơ sở này.
|
Chiến đấu cơ F-16 của IAF tại căn cứ không quân Hatzerim, miền Nam nước này. |
Cuối cùng, tới ngày 7/6/1981, lúc 15h55 (giờ địa phương), chiến dịch Opera đã được triển khai sau nhiều lần trì hoãn.
8 chiến đấu cơ F-16, thuộc phi đội 117 và 110 đóng tại Ramat David đã cất cánh từ Etzion - vị trí hoàn hảo nhất cho cuộc tấn công. Đi theo hộ tống các chiến đấu cơ F-16 là 6 chiến đấu cơ F-15. Thêm vào đó, một chiếc E-2C Hawkeye đảm nhận nhiệm vụ chỉ huy và cảnh báo sớm trên không và một số trực thăng CH-53 được triển khai gần biên giới với Iraq. Hai chiến đấu cơ F-16 Fighting Falcons cũng được huy động làm máy bay chiến đấu dự phòng.
Đến 17h35 ngày hôm đó (theo giờ địa phương), khi mặt trời lặn, các máy bay chiến đấu của Israel đã tới gần mục tiêu. Cách 20 km từ khu phức hợp lò phản ứng hạt nhân Osirak, đội hình F-16 hạ xuống 2.100m và bổ nhào ở góc 35-độ với vận tốc 1.100 km/h, nhắm thẳng vào lò phản ứng. Ở độ cao 1.100m, những chiếc F-16 bắt đầu ném từng cặp bom Mark 84, mỗi cặp cách nhau khoảng 5 giây.
Mặc dù có 2 quả bom được các phi công thông báo là không nổ nhưng những quả bom còn lại đã đủ sức công phá, phá hủy cũng như làm hư hại nặng lò phản ứng và một số cơ sở khác của Iraq.
Phi đội của Israel đã ở lại khu vực lò phản ứng trên thêm gần 2 phút nữa. Sự đáp trả duy nhất mà họ gặp phải từ phía Iraq đó là những đợt khai hỏa yếu ớt của pháo phòng không và một số tên lửa. Tuy nhiên, Iraq đã bắn trượt những chiếc F-16 của IAF.
Trên đường trở về, những chiến đấu cơ F-16 Fighting Falcon bay ở độ cao hơn 12.000m để tiết kiệm nhiên liệu và bay qua quốc gia thứ ba là Jordan để không gặp điều bất lợi nào.
Một chiến đấu cơ F-15 và F-16 chuyển hướng khác với lộ trình được định sẵn để đánh lạc hướng các nỗ lực đánh chặn. Trong khi đó, tất cả những chiếc máy bay khác đã hạ cánh xuống Etzion sau sứ mệnh kéo dài 3 giờ đồng hồ, không có chiến đấu cơ nào của IAF bị phá hủy hay bị hư hại sau chiến dịch táo bạo trên.
Một đoạn phim tài liệu (gồm 3 video phía dưới đây) đã tái hiện lại quá trình IAF lên kế hoạch và thực hiện chiến dịch Opera như thế nào. Cho tới ngày nay, đây là một trong những ví dụ thành công nhất về cách thực hiện một chiến dịch tấn công tầm xa chạm đến đích thế nào.
Tâm Anh (theo The Aviationist)