Phù thủy được cho là người có khả năng thần bí như biết cải tử hoàn sinh, cải lão hoàn đồng...Đâu là sự thực?
"Nội công" thâm hậu của giới phù thủy...
Vào thời xa xưa, giới phù thủy rất được người dân coi trọng và trở thành một trong những nghề "thịnh hành" ở các nước châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc. Một tài liệu có niên đại hàng trăm năm tuổi của du khách người Ả Rập đã miêu tả rất kỹ buổi làm phép thuật ở Trung Quốc diễn ra như thế nào cũng như người dân nơi đây đã thán phục ra sao trước "nội công" thâm hậu của phù thủy.
Phù thủy đứng trước đám đông và dùng một quả cầu gỗ có buộc dây thừng rồi ném nó lên trời. Sau đó, quả cầu bay lên cao và biến mất hút, chỉ còn sợi dây treo lơ lửng. Tiếp theo, phù thủy trên bảo một cậu bé bám vào sợi dây rồi leo lên trời. Chỉ ít phút sau, bé trai cũng biến mất một cách bí ẩn giống như quả cầu.
Người đứng đầu dân làng đã nói điều gì đó với phù thủy. Ngay sau đó, phù thủy dùng dao cắt đứt sợi dây và từng phần cơ thể của bé trai biến mất trước đó đột ngột rơi xuống đất. Cảnh tượng đẫm máu diễn ra khiến những người chứng kiến vô cùng sợ hãi. Sau đó, người đứng đầu dân làng lại lẩm bẩm khấn vái. Với phép thuật của mình, phù thủy phù phép cho các bộ phận cơ thể của bé trai trở lại nguyên vẹn. Cuối cùng, cậu bé đã sống lại trước sự kinh ngạc tột cùng của mọi người.
Kinh Mật tông trong Phật giáo cũng đề cập đến việc từ hàng nghìn năm trước, các pháp sư có phép thuật tạo ra nhiều nhóm người cũng như làm họ biến mất.
|
Vòa thời xưa, phù thủy là người có khả năng thần bí như biết cải tử hoàn sinh, cải lão hoàn đồng, triệu tập âm binh...
|
Theo một số tài liệu hàng nghìn năm tuổi, vua Pàla (Ấn Độ) được cho là người có phép thật cao siêu. Ông có khả năng tạo ra thuốc cải lão hoàn đồng rồi đem chúng phân phát cho những người già 100 tuổi uống để hồi xuân. Các lễ nghi của buổi thi triển phép thuật của môn phái Mật tông thường được giữ bí mật. Tuy nhiên, trong tất cả các buổi lễ, pháp sư không thể bỏ qua việc niệm thần chú hay có màn biểu diễn vũ điệu ôn giáo và thiền định. Mặc dù có tên gọi khác nhưng họ có vai trò và khả năng giống như giới phù thủy. Họ sẽ là người đứng đầu chủ trì buổi lễ.
Người ta cũng cho rằng, chỉ có phù thủy mới tạo ra những thần chú khiến cho ma quỷ sợ hãi mà bỏ chạy.
Hay chỉ là trò lừa bịp siêu đẳng?
Trong mỗi buổi cử hành nghi lễ của phù thủy, mọi người sẽ có dịp chứng kiến những màn biểu diễn vũ điệu và thường được gọi là múa phù thủy. Những điệu múa của phù thủy nhằm kích thích dây thần kinh của những người có mặt tại buổi lễ. Pháp sư sử dụng các động tác tay, chân, lắc lư đầu kết hợp với một số đạo cụ như chuông, bát hương. Những "chiêu trò" này sẽ khiến người xem bị ảo giác.
Vào thời cổ đại, người dân Ai Cập vô cùng tin tưởng vào quyền năng phi thường của phù thủy. Họ đã chiếm được niềm tin tôn giáo mãnh liệt của công chúng. Một trong những phù thủy nổi tiếng thời đó là Westcar Papyrus. Ông ta đã có màn "biểu diễn" tuyệt vời khiến người dân vừa sợ hãi vừa khâm phục khi chặt đầu rồi nối lại nguyên vẹn các bộ phận cơ thể cho nạn nhân.
Người ta còn truyền nhau rằng, những phù thủy "nội công" thâm hậu ở Hy Lạp cổ đại thường xuyên sử dụng phép thuật để mở cửa đền và thắp sáng các ngọn đuốc mà không cần chạm tay hay sử dụng đồ vật nào khác.
Trong khi đó, ở khu vực châu Phi, phù thủy thường là những phụ nữ vừa già vừa xấu xí và còn độc thân. Người ta đồn đại rằng, họ thường hoạt động bí mật vào ban đêm. Đối tượng này không được người dân tôn sùng vì bị coi là mối đe dọa đối với cộng đồng. Người dân thời đó đổ lỗi cho phù thủy là những kẻ gieo mầm mống tai họa như bệnh tật, đói kém, mất mùa, thiên tai... Tại Gana (châu Phi), người ta làm một khu làng để giam giữ, cách ly những người làm nghề phù thủy nhằm tránh tai họa.
Ở Nam Mỹ, nhiều bộ tộc da đỏ đều có phù thủy chuyên làm phép trị bệnh. Những người có khả năng siêu linh này thường tổ chức nhảy múa xung quanh đống lửa và dùng phép thuật để lấy ra các bộ phận bị mắc bệnh từ trong miệng của người nào đó.
Còn ở các quốc gia châu Á, phù thủy có khả năng kỳ lạ như gọi được âm binh, luyện bùa ngải để biến người còn sống rơi vào trạng thái u mê hay có thể sai khiến âm binh đi làm đồng lúc ban đêm như tát nước, tấn công trả thù người khác... Sau khi đã hiệu triệu được những âm binh làm việc cho mình, phù thủy phải làm lễ khao quân, nếu không đội quân "âm tào địa phủ" sẽ "trả thù".
Với sự phát triển của khoa học hiện đại, chuyên gia và các nhà nghiên cứu đã giải mã được nhiều phép thuật của giới phù thủy thực chất chỉ là những màn ảo thuật hay tạo ra ảo giác nhằm tác động vào tâm lý đám đông. Tuy nhiên, họ vẫn chưa khám phá được hết thế giới bí ẩn, ma quái của đối tượng này.
Nhật Anh (theo Theo Thefw, Wiki )