Điệp viên Phạm Chuyên là gián điệp hai mang đóng vai trò trọng yếu trong một chiến dịch kéo dài gần chục năm, dẫn tới việc bắt sống hoặc tiêu diệt nhiều điệp viên, biệt kích do CIA, quân đội Mỹ điều động.
Việt Nam đã giải mật một số tài liệu thời chiến, soi rọi cách thức cơ quan tình báo của mình áp dụng để vô hiệu hóa mọi chiến dịch do thám do CIA (Cục Tình báo Trung ương Mỹ) và MACV-SOG thực hiện. MACV-SOG là từ tiếng Anh viết tắt, nghĩa là Nhóm nghiên cứu và quan sát thuộc Bộ chỉ huy trợ giúp quân sự Mỹ ở Việt Nam. MACV-SOG là một đơn vị bán quân sự bí mật của quân đội Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam, thực hiện nhiều hoạt động ngầm chống phá miền Bắc giai đoạn 1964-1972.
|
Điệp viên hai mang Phạm Chuyên. |
Xỏ mũi CIA suốt 9 năm
Từ năm 1961 đến 1970, lực lượng an ninh Việt Nam đã sử dụng điệp viên mà CIA gửi ra miền Bắc để dụ CIA gửi trang thiết bị và các nhóm biệt kích ra miền Bắc để rồi bắt sống hoặc tiêu diệt họ. Nhiều người bị lừa vào bẫy của Phạm Chuyên – một người miền Bắc sống tha hương ở Sài Gòn. CIA tuyển dụng Phạm Chuyên vào năm 1961 để đưa trở lại miền Bắc do thám quê hương mình. Tuy nhiên, không lâu sau khi thuyền cập bờ, gián điệp của CIA bị bắt giữ và sau đó trở thành điệp viên nhị trùng của Cục Bảo vệ Chính trị (tiền thân của Tổng cục An ninh, Tổng cục Tình báo Bộ Công an) - cơ quan tình báo quyền lực hoạt động theo mô hình KGB của Liên Xô.
Trước đó, CIA và Lầu Năm Góc thừa nhận rằng, gần như tất cả các chiến dịch của họ ở miền Bắc những năm 60 đều nhanh chóng bị đập tan. Lợi dụng thực tế cay đắng này, MACV-SOG đã thực hiện một chương trình bí mật hòng đánh đòn tâm lý. Theo cuốn sách “The Secret War Against Hanoi” (Cuộc chiến bí mật chống Hà Nội) của nhà sử học an ninh quốc gia Richard H. Shultz Jr, xuất bản năm 1999, MACV-SOG cho một số người lính miền Bắc mà họ bắt được nhảy dù xuống miền Bắc và mong họ bị bắt. Trước đó, MACV-SOG bí mật đính tài liệu nhạy cảm và bản đồ vào quần áo của những người lính. “Ý tưởng là khiến miền Bắc nghĩ rằng, chúng tôi có mạng lưới gián điệp rộng lớn hoạt động ở đó”, cựu đặc vụ MACV-SOG, Wayne Tvrdik, nói.
|
Máy bay trực thăng vận chuyển xác lính dù Mỹ khỏi một cánh rừng ở Việt Nam ngày 14/5/1966. Ảnh: AP. |
Trong nhiều năm, vai trò cụ thể, thậm chí lòng trung thành thật sự của
Phạm Chuyên đối với phía Mỹ, Việt Nam Cộng hòa vẫn là một bí ẩn, ít nhất trong suy nghĩ của một nhân viên tình báo Mỹ liên quan chiến dịch cử điệp viên ra miền Bắc. “Chắc chắn tôi biết ông ấy. Chúng tôi tuyển dụng ông ấy để gửi ra miền Bắc năm 1961. Ông ấy vẫn liên lạc với chúng tôi, ít nhất là đến năm 1969. Tôi không bao giờ chắc chắn là ông ấy làm việc cho chúng tôi hay cho miền Bắc”, Sedgwick Tourison, cựu nhân viên tình báo quân đội Mỹ ở Sài Gòn, viết trong cuốn sách “Secret Army, Secret War” (Quân đội bí mật, cuộc chiến bí mật) xuất bản năm 1995.
Tuy nhiên, một cựu sĩ quan chiến dịch CIA ở Sài Gòn nói rằng, ông đã sớm kết luận rằng, ARES (bí danh của Phạm Chuyên) đã trở thành điệp viên hai mang. “ARES là một gián điệp đơn độc được CIA cài vào miền Bắc. Sau đó, MACV-SOG tiếp quản ARES, nhưng không phát hiện ra rằng, điệp viên này đã nằm dưới quyền kiểm soát của miền Bắc”, Walter McIntosh, cựu chỉ huy các chiến dịch của CIA tại Sài Gòn, nói.
McIntosh kể rằng, ông chắc chắn Phạm Chuyên hai mặt nên đã từ chối hỗ trợ MACV-SOG tiếp tục thực hiện các đợt tiếp tế cho điệp viên này. “Tôi đã viết một báo cáo 12 trang dẫn bằng chứng ARES đang bị miền Bắc khống chế”, McIntosh nói. Tuy nhiên, cảnh báo của McIntosh bị những người điều hành MACV-SOG phớt lờ. Họ tiếp tục tin dùng Phạm Chuyên. Kết quả là, “12 người thiệt mạng trong khi tiếp tế hàng hóa, đồ nghề phục vụ do thám cho ông ấy”, McIntosh kể.
Theo tài liệu giải mật của Hà Nội, lực lượng an ninh ở miền Bắc đã tạo ra hơn 300 báo cáo tình báo rởm để Phạm Chuyên gửi vào Sài Gòn, bao gồm tọa độ trận địa tên lửa, cầu cống, đường sắt, nhà máy và nhiều mục tiêu hàng đầu của máy bay chiến đấu Mỹ. Họ cũng nghĩ ra các cách liên lạc radio thông minh để Sài Gòn không nghi ngờ là Phạm Chuyên đã bị miền Bắc khống chế. Điệp viên này truyền đi các báo cáo giả với nội dung là suýt bị bắt, phải khốn khổ khốn sở, trốn chui trốn lủi khắp nơi. Phạm Chuyên cũng thường xuyên báo cáo Sài Gòn rằng, thiết bị của mình đã rơi vào tay cộng sản, nên MACV-SOG lại thực hiện các chuyến bay, chuyến tàu đưa đồ tiếp tế ra miền Bắc. Kết quả là, những người thực hiện nhiệm vụ tiếp tế đều bị bắt sống.
|
Xe tăng quân giải phóng đi qua cổng Dinh Độc lập ngày 30/4/1975. Ảnh: AP. |
Trước khi Phạm Chuyên được CIA huấn luyện kỹ lưỡng (vì là điệp viên đầu tiên do CIA đào tạo để cài cắm ở miền Bắc), ông sống ở miền Bắc, tham gia viết báo, sáng tác, biểu diễn bài hát dân gian, có thái độ bất mãn, chống đối chính quyền địa phương. Sau khi bị phát hiện ngoại tình, Phạm Chuyên bị khai trừ khỏi Đảng, bỏ trốn rồi biến mất vào tháng 7 hoặc tháng 8/1959. Ông đến Sài Gòn năm 1960, khi CIA và các cơ quan tình báo quân đội của Mỹ phối hợp một đơn vị tình báo tuyệt mật thuộc Văn phòng Tổng thống Việt Nam Cộng hòa tăng cường các chiến dịch do thám và phá hoại miền Bắc. Các cơ quan này đang cần nhiều điệp viên tiềm năng, nên Phạm Chuyên nhanh chóng thu hút sự chú ý của họ.
Trong tuần đầu tiên của tháng 4/1961, Phạm Chuyên được cử ra miền Bắc, đến một làng chài phía đông nam Hà Nội. Một người dân trong làng nhanh chóng nhận thấy một con thuyền lạ ở trong thôn. Rồi có cư dân nhìn thấy một người lạ trông giống Phạm Chuyên đang ẩn náu trên đồi. Điệp viên CIA nhanh chóng bị bắt cùng với điện đài và nhiều phương tiện khác. Dưới sự tác động khéo léo của lực lượng an ninh miền Bắc, Phạm Chuyên trở thành điệp viên hai mang.
Nhưng người thượng thặng trong câu chuyện này chính là người xử lý trường hợp gián điệp Phạm Chuyên. Đó là ông Nguyễn Tài - Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị của Bộ Công an, mà chuyên gia phân tích của CIA Frank Snepp dành cho nhiều trang viết trong cuốn hồi ký “Decent Interval” ra đời năm 1977 rồi được bổ sung năm 2002 (bản tiếng Việt có nhan đề “Cuộc tháo chạy tán loạn”).
|
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Tài. |
Người trong xà lim trắng toát
Nguyễn Tài là con nhà văn Nguyễn Công Hoan, ông sớm tham gia và trở thành cán bộ lãnh đạo quan trọng ngành công an. Năm 1964, ông Nguyễn Tài xung phong vào Nam, trở thành Thường vụ Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, Trưởng ban An ninh Khu Sài Gòn - Gia Định. Ông bị địch bắt năm 1970, bị tra tấn dã man, tinh vi cả về thể xác lẫn tinh thần.
Tuy nhiên, trong 5 năm, ông khiến các đặc vụ chế độ Sài Gòn và CIA thoái chí với hàng loạt câu chuyện kể ra để che giấu danh tính thực sự của ông và tên các đồng chí của mình. Sau này, phía Mỹ gọi ông là “người trong xà lim trắng toát” vì trong hơn 4 năm, ông bị biệt giam trong một xà lim hình vuông rộng 4m2, với 4 bức tường được sơn trắng toát, trần có 5 ngọn đèn sáng choang suốt ngày đêm, tường và cửa đều dày, cách âm, kín mít, chỉ có một lỗ nhỏ trên cửa ra vào để đưa thức ăn.
CIA hy vọng, Nguyễn Tài bị biệt giam lâu trong môi trường khắc nghiệt như vậy sẽ không phân biệt được ngày-đêm, rối loạn nhận thức, tiết lộ thông tin một cách vô thức. Nhưng ông vẫn đi ngủ và thức dậy đúng giờ, tập thể dục, hát quốc ca… để giữ gìn sức khỏe và giữ vững tinh thần.
Khi quân giải phóng tiến sát Sài Gòn vào mùa xuân năm 1975, Snepp đoán rằng, Nguyễn Tài bị những người thẩm vấn thủ tiêu trong xà lim. Nhưng “Snepp đã nhầm. Tù nhân đã sống sót”, Pribbenow viết trên website của CIA năm 2007. Ông Nguyễn Tài đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như Cục trưởng Cục Bảo vệ Chính trị, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan… Ông qua đời vào tháng 2/2016, hưởng thọ 91 tuổi.
Theo Tiền phong