VCPMC khẳng định sự bức xúc và khiếu nại của Giáng Son khi clip Giấc mơ trưa tại kênh Giáng Sol Official bị BH Media báo cáo bản quyền bản ghi là “hoàn toàn có cơ sở” chứ không có chuyện nhạc sĩ nhầm lẫn về các quyền của mình như thông tin BH Media đưa ra.
Giáng Son là tác giả sáng tác bài hát đồng thời sở hữu bản phối, bản ghi âm mà nhạc sĩ đăng tải trên kênh của mình. “Trong trường hợp này, quyền tác giả và quyền liên quan đều thuộc về nhạc sĩ Giáng Son”, VCPMC khẳng định.
Tác giả Giấc mơ trưa, nhạc sĩ Giáng Son- Ảnh: N.M.Hà
BH Media cho rằng sự trùng khớp vài phân đoạn nhỏ giữa bản ghi của Giáng Son so với bản ghi của Dương Thùy Anh đã được BH đưa lên trước đó là do hệ thống tự động (YouTube) thực hiện. Song VCPMC cho rằng cách giải thích như vậy là chưa thấu đáo.
“Bởi trường hợp này là do chính BH Media tuyên bố có quyền sở hữu đối với bản ghi và nội dung đã cung cấp cho YouTube thì hệ thống (YouTube) mới có thể thực hiện quét tự động. Một vấn đề khác đặt ra là bản ghi mà BH Media sử dụng để YouTube tự động quét liệu có phải vẫn là bản ghi thuộc quyền sở hữu của nhạc sĩ Giáng Son hay không, hay bản ghi này có đang bị chiếm hữu một cách trái phép hay không, hoặc nếu sản xuất, sao chép thì có xin phép nhạc sĩ Giáng Son hay chưa… Đây là vấn đề cần kiểm tra lại và làm rõ ở góc độ pháp lý, thông qua các giấy tờ, hợp đồng mà các bên liên quan đã ký kết, chuyển giao”. Như vậy có thể thấy VCPMC đang đặt vấn đề về khâu xác minh nguồn gốc bản ghi mà BH tuyên bố sở hữu.
Trái với phỏng đoán của BH Media rằng VCPMC "hiểu cơ chế hoạt động của YouTube và cho rằng đây là một việc bình thường và hợp lệ” nên đã không liên lạc với BH, phía VCPMC khẳng định sẽ có văn bản đề nghị BH Media làm rõ thêm vụ việc không chỉ liên quan tới Giáng Son mà còn cả một số nhạc sĩ khác đang gặp phải tình cảnh tương tự. VCPMC cho hay cũng đã gửi công văn mời BH Media làm việc theo đề nghị của nhạc sĩ Giáng Son từ 26/10 nhưng chưa nhận được hồi âm.
|
BH Media họp báo về "Bản quyền âm nhạc trên môi trường số" sáng 27/10 tại Hà Nội- Ảnh: N.M.Hà
|
BH Media cho rằng nhờ có BH Media đăng tải các bản ghi (khai thác từ các hãng đĩa) lên YouTube mà VCPMC hay các tác giả có thêm thu nhập. Nhưng VCPMC cho rằng BH Media đang “nhầm lẫn”. “BH Media là một trong rất nhiều đơn vị đăng tải nội dung/bản ghi lên YouTube, với mục đích chính là kinh doanh, kiếm tiền từ nền tảng này. Thời gian qua đến nay, thông qua thoả thuận hợp tác với YouTube, VCPMC vẫn đã và đang chi trả thu nhập tác quyền cho các tác giả, không phải là sự ‘chia sẻ’ từ BH Media.
Không những thế, bản thân BH Media cũng là đơn vị sử dụng khi thực hiện sao chép tác phẩm để đăng tải trên YouTube mà theo quy định thì BH Media phải thực hiện xin phép và trả tiền nhuận bút cho tác giả thành viên VCPMC; tuy nhiên nghĩa vụ xin phép và trả tiền sử dụng quyền tác giả thuộc thành viên VCPMC lại chưa được BH Media tuân thủ nghiêm túc”, VCPMC nhấn mạnh.
Được biết VCPMC và BH Media từng ký kết một Hợp đồng nguyên tắc (Hợp đồng sử dụng quyền tác giả âm nhạc số 2205/2020/HĐQTGAN/MR ký ngày 22/5/2020). Theo đó, BH Media phải có nghĩa vụ kê khai link kênh, danh sách tác phẩm sử dụng để trả tiền quyền tác giả. Tuy nhiên phía VCPMC thông báo đã chấm dứt hợp đồng vào ngày 8/9 năm nay.
Lý do VCPMC đưa ra: “Bên BH Media vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, cụ thể là không thống kê đầy đủ, kịp thời danh sách tác phẩm để đối soát và thanh toán tiền sử dụng quyền tác giả theo đúng điều khoản hợp đồng, ảnh hưởng đến lợi ích của các tác giả”.
VCPMC khẳng định hiện còn khá nhiều kênh thuộc BH Media quản lý/đại diện/sở hữu vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả và “Bộ phận Pháp chế VCPMC đang tiến hành các thủ tục pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích của tác giả thành viên có tác phẩm sử dụng trên các kênh này”.
Thông cáo báo chí tại cuộc họp báo sáng 27/10 của BH Media được VCPMC nhận định có nhiều sai sót nghiêm trọng ảnh hưởng tới các tác giả thành viên VCPMC, đồng thời không phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam.
Cụ thể: “Từ đầu đến cuối thông cáo luôn sử dụng những thuật ngữ không được quy định trong Luật Sở hữu Trí tuệ Việt Nam là ‘bản quyền’, ‘quyền bản ghi’ gây hiểu lầm cho người đọc… Theo quy định tại Điều 4 Luật Sở hữu Trí tuệ, chỉ có ‘quyền tác giả’ và ‘quyền liên quan’. Trong đó ‘quyền liên quan đến quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa’. Trong mọi trường hợp, quyền liên quan chỉ được bảo hộ với điều kiện ‘không gây phương hại đến quyền tác giả’.
Việc BH Media xác nhận mình là ‘chủ sở hữu bản quyền’ với bản ghi âm ghi hình do chính tác giả gốc sản xuất chắc chắn là hành vi gây phương hại đến quyền tác giả. Chính vì nhận thức rõ hành vi nên BH Media đã lập tức phải gỡ bỏ xác nhận chủ sở hữu ngay khi nhạc sĩ Giáng Son lên tiếng trên các phương tiện truyền thông”.
Theo N.M.Hà/Tiền Phong