Bị phạt 500 triệu đồng vì để ngựa chết trên trường quay
Mới đây, tòa án Seoul đã phạt ba nhân viên của đài KBS tổng cộng 30 triệu won (khoảng 550 triệu đồng). Cả ba bị buộc phải chịu trách nhiệm về cái chết của một con ngựa trên trường quay, khi sản xuất phim truyền hình vào năm 2021.
Tòa án quận phía Nam Seoul đã kết án ba nhân viên, trong đó gồm một nhà sản xuất phim truyền hình 59 tuổi họ Kim, một đạo diễn võ thuật và một vận động viên cưỡi ngựa về hành vi ngược đãi động vật. Bên cạnh đó, họ cũng cùng chịu các cáo buộc khác như tra tấn và giết một con ngựa trong khi quay một cảnh cho phim "The King of Tears, Lee Bangwon" của đài truyền hình địa phương vào ngày 2/11/2021.
Các cá nhân bị phạt 10 triệu won mỗi người, riêng đài KBS bị phạt 5 triệu won vì thiếu trách nhiệm, không ngăn chặn hành vi sai trái của nhân viên.
Các bị cáo bị buộc tội dùng dây trói hai chân trước của con ngựa và buộc nó chạy nước rút xuống dốc khiến nó ngã nhào. Con ngựa ngã mạnh xuống đất, không được chăm sóc và chết sau đó 5 ngày.
Tòa án gọi vụ việc này là một "tội ác nghiêm trọng", cả ba đã "cố tình thực hiện màn biểu diễn mạo hiểm mặc dù biết con ngựa sẽ bị thương nặng trong quá trình đó".
Tòa án cũng đề cập rằng, mặc dù có sẵn các lựa chọn nhân đạo khác như sử dụng hình ảnh và hoạt hình do máy tính tạo ra hoặc thuê người biểu diễn đóng thế, nhưng các bị cáo đã chọn hy sinh con ngựa để cắt giảm chi phí sản xuất.
Tuy nhiên, tòa án cũng tính tới các tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn thừa nhận cáo buộc của các bị cáo và KBS đã có động thái thiết lập một bộ hướng dẫn về cách đối xử với động vật trên phim trường sau vụ việc.
Trước đó, đài KBS bị chỉ trích vào đầu năm 2022 sau khi một đoạn video quay trên phim trường được lan truyền trên mạng. Các nhà hoạt động vì động vật cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên một đài truyền hình lạm dụng, ngược đãi ngựa để sản xuất phim truyền hình. Hiệp hội Bảo vệ Động vật Hàn Quốc trích dẫn cảnh ngựa ngã xuống đất trong các bộ phim truyền hình như "Bridal Mask" và "Jeong Do Jeon", lần lượt phát sóng vào năm 2012 và 2014.
Lịch sử ngược đãi động vật trong ngành điện ảnh
Động vật luôn đóng một vai trò không thể thay thế trong quá trình làm phim. Trên thực tế, lịch sử của điện ảnh bắt đầu từ năm 1879 với hình ảnh một con ngựa phi nước đại qua ống kính đặc biệt, loại ống kính này đã trở thành tiền thân của máy quay phim sau này.
Bốn thập kỷ sau, một chú chó chăn cừu người Đức tên Rin Tin Tin đóng vai chính trong 27 bộ phim Hollywood, đóng vai trò chính trong việc "cứu" hãng phim nổi tiếng Warner Bros. khỏi phá sản. Nó thậm chí còn được đồn đại là người nhận được nhiều phiếu bầu nhất cho hạng mục "Nam diễn viên chính xuất sắc nhất" tại Lễ trao giải Oscar đầu tiên.
Xem xét việc sử dụng rộng rãi động vật làm "diễn viên", việc đặt câu hỏi về cách đối xử với chúng trên trường quay là điều tự nhiên. Hiện tại, luật pháp phân loại động vật là tài sản và không có luật liên bang hoặc tiểu bang nào của Hoa Kỳ giám sát việc sử dụng chúng trong ngành công nghiệp điện ảnh. Chỉ có Hiệp hội Nhân đạo Hoa Kỳ (American Humane Association - AHA), một tổ chức hoạt động trong ngành nhằm bảo vệ động vật trong điện ảnh, được thành lập lần đầu vào năm 1877 sau khi những cáo buộc về hành vi tàn ác với động vật trong ngành lần đầu tiên lan rộng. Vào năm 1972, AHA đã đặt ra cụm từ quen thuộc "Không có động vật nào bị hại", xuất hiện trong phần kết thúc của các bộ phim.
Bất chấp AHA, ngành công nghiệp điện ảnh vẫn có lịch sử lâu dài về lạm dụng động vật. Trong bộ phim miền Viễn Tây năm 1939 có tựa đề "Jesse James", đạo diễn Henry King đã cho một con ngựa lao qua một vách đá cao dẫn đến cái chết đau đớn của nó. Năm 1959, khoảng 100 con ngựa đã bị bắn chết trong quá trình sản xuất phim "Ben-Hur".
Khán giả sẽ rất sốc khi biết rằng, ngay cả một trong những loạt phim được yêu thích nhất của Disney cũng có một quá khứ tàn khốc, khi hàng chục con cá và mực bị giết trong các vụ nổ trong bộ phim năm 2003 "Cướp biển vùng Caribbean: Lời nguyền của tàu Ngọc Trai Đen".
Bộ phim đoạt giải Oscar "Cuộc đời của Pi" kể câu chuyện cảm động về một cậu bé làm bạn với một con hổ. Tuy nhiên, câu chuyện đằng sau hậu trường lại không cảm động đến thế.
King, chú hổ Bengal đóng vai chính trong phim, đã nhiều lần suýt chết đuối. Cùng năm đó, 27 loài động vật bao gồm cừu và dê đã chết trên phim trường "The Hobbit: An Unexpected Journey" do thiếu nước và vô trách nhiệm của đoàn làm phim.
Gần đây hơn, "A Dog’s Purpose" đã bị tẩy chay sau khi một đoạn video lan truyền về một con chó sợ hãi bị buộc phải dìm mình xuống dòng nước chảy xiết, đã gây ra phản ứng dữ dội giữa các nhà hoạt động vì động vật. Nhưng phần gây sốc nhất của tất cả các bộ phim trên là gì? Đó là chúng đều được AHA phê duyệt.
Rất khó để chăm sóc động vật đúng cách, đó là lý do tại sao các hãng phim phải tránh xa việc xử lý động vật thật trên phim trường. Vào năm 2016, "The Jungle Book" của Disney được phát hành, các hình ảnh hoàn toàn do máy tính tạo ra ngoại trừ một diễn viên là con người. Bộ phim là một thành công to lớn về mặt thương mại, thu về 966 triệu USD trên toàn thế giới. Không chỉ vậy, nó còn chứng minh tầm quan trọng của việc sử dụng CGI để tạo ra những con vật sống động đến kinh ngạc.
Vào năm 2018, Bradley Cooper đóng vai chính trong bộ phim đoạt giải Oscar "A Star is Born" và diễn xuất cùng với chú chó của chính anh, một cách thuận tiện khác để tránh chu kỳ ngược đãi động vật trên phim trường.
Theo Đinh Đang/Dân Việt