>>> Mời quý độc giả xem video "Thanh Lam và Hà Trần song ca ca khúc Gọi anh". Nguồn Youtube: |
|
- Chính thức bước qua ngưỡng cửa tuổi 40, bắt đầu chặng đường U50, cảm giác của Hà thế nào? Thấy mình chớm già hay vẫn còn "đương xoan"?
+ Xoan thì không xoan nhưng Hà cũng chẳng thấy già cả thể chất lẫn tâm hồn. Không biết mọi người có thấy Hà thay đổi không nhỉ? Nhưng Hà có một kinh nghiệm khi xem lại hình cũ cứ phải 10 năm mới thấy có sự thay đổi. Tuổi 40 trông chững chạc hơn tuổi 30. Tuổi 30 thì lại nữ tính, bớt "ngố", bớt giống con trai hơn thời 20. Tuổi 20 với 10 thì... đương nhiên khác hẳn rồi đấy (Cười)
- Nhìn lại đoạn đường âm nhạc Hà đã đi (chẵn 20 năm tính từ album "Em về tinh khôi"), nếu giống như một cuốn phim, thì có đoạn nào Hà muốn xóa và có những hình ảnh nào Hà muốn bổ sung thêm?
+ Bây giờ nhìn lại đoạn đường đã qua, với kiến thức và yêu cầu của ngày hôm nay thì chắc chắn Hà sẽ đầu tư nhiều hơn về phần hình ảnh, và vẫn muốn cực đoan hơn trong âm nhạc, ít thỏa hiệp hơn. Có lần Hà với Quang Dũng ngồi chung máy bay một chặng dài tâm sự chuyện nghề. Cả hai đứa cùng nói: "Giờ có thật nhiều tiền là đem gom những đĩa cũ đốt đi làm lại hết".
Khi trưởng thành hơn nghe lại mình lúc nào cũng thấy non dại, chưa hài lòng. Mà ai chẳng thế đúng không? Càng đi xa thì càng thấy vẫn có thể làm tốt hơn được ngày hôm qua. Tuy nhiên, xóa bớt thì Hà chẳng có băn khoăn gì. Hà sống với nghề, với đời, với mình sòng phẳng và thật. Có sao thì được vậy thôi.
- Thiên hạ thường hay nói, con người ta tuổi nhiều lên thì tinh khôn lên, tỉnh táo hơn, mơ mộng ít đi, Hà thấy sao? Liệu có còn đủ mơ mộng, điên rồ để tạo ra những cơn sốt kiểu như "Nhật thực", hay thời điểm này bắt đầu đắn đo những bước đi an toàn, không chơi trò đặt cược "được ăn cả ngã về không" như thời còn trẻ nữa?
+ Hà chẳng làm được cái gì mà nó bình thường, yên ổn, an toàn cả. Tính cách tạo nên số phận. Mà tính cách của Hà không cam chịu, không hiền. Cái đằm hơn có được với thời gian chỉ là ở chỗ Hà không nóng nảy phản ứng, uyển chuyển hơn trong công việc và đơn giản hóa mọi vấn đề, không thấy cái gì quá quan trọng nữa ngoài những điều vi phạm vào nguyên tắc sống, vào đức tin của Hà. Sự khôn ngoan chẳng biết đến bao giờ là đủ, vì chúng ta vẫn mắc sai lầm mỗi ngày đấy thôi.
- Trong năm 2018 có dự án cá nhân nào đang được Hà ấp ủ và dự định sẽ trình làng?
+ Thôi, Hà không dám nói trước bước không qua. Đã mang họ "hứa" với nhiều người lắm rồi. Nếu không có gì thay đổi thì năm 2018 vẫn chưa... bỏ nghề (Cười).
- Một năm "điểm danh" các show Hà về nước biểu diễn, nhiều không kém các ca sĩ đàn chị trong nước như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh. Sự "quay về" dày đặc đó được giải thích bởi lý do gì? Phải chăng vì tâm lý hay thói quen nghe nhạc của người Việt ở hải ngoại không có nhiều "đất" cho những tìm kiếm trong nghệ thuật của Hà?
+ Thị trường âm nhạc hải ngoại nói thẳng là coi trọng tính giải trí và lấy sự hoài cổ trên hết, nên tất cả những dòng chảy âm nhạc khác đều khó có đất sống lắm. Là nghệ sĩ, Hà cần sự di chuyển giữa những không gian âm nhạc khác nhau. Chỉ hoạt động một nơi thôi là thui chột mọi cảm xúc. Nhưng phải thừa nhận, do không bị bội thực show như ở trong nước nên khán giả hải ngoại rất thương nghệ sĩ.
Từng chương trình mình hát, họ cổ vũ rất nhiệt tình. Ở Việt Nam có những chương trình lớn hát trong rạp, mà khán giả cứ liên tục điện thoại, nhắn tin bíp bíp rất phân tán người hát. Hà cũng không hiểu nổi nữa.
- Có khi nào nhìn lại, Hà thấy đường mình đi gập ghềnh quá. Chẳng hạn, cũng là để có từng đấy khán giả, ca sĩ khác họ đi nhanh hơn mình, còn mình thì chả chịu đi đường quang, toàn "quàng bụi rậm". Rốt cục một người làm nghề ca hát như Hà, mục đích cao nhất của tìm kiếm có phải chỉ là khán giả?
+ Hà thấy là nghề chọn người chứ người không chọn được nghề. Và trong sự sắp đặt đó của số phận, của vũ trụ, mỗi cá nhân được giao phó một sứ mệnh, một thiên chức nào đó để họ nổi bật trong đám đông những người cùng nghề, và không giống người bên cạnh.
Ca sĩ mà cứ 2 người giống nhau thì sẽ có một người bị loại bỏ, đúng không? Khi biết "hát" là cái nghiệp buộc vào thân rồi, thì Hà không tìm kiếm bất cứ cái gì ngoài cơ hội được thử thách, chinh phục và vượt qua sự giới hạn của mình.
Khán giả, show diễn, tiền bạc, danh vọng... tất cả đều đến sau. Hà rất tin vào định luật hấp dẫn, tin cái gì thuộc về mình được hưởng, nên không nhòm ngó, so bì với người khác. Hà muốn cái gì Hà muốn, làm cái gì Hà làm. Những sự đánh giá, hâm mộ, danh vọng từ bên ngoài chạy theo đúng nhu cầu của luật hấp dẫn "nồi nào vung nấy". Ở nhà Hà cũng dạy con gái như vậy.
Con không phải theo ai, so bì với ai hết. Nếu con thấy bạn bè có gì hay, con thích thì hãy học hỏi. Nhưng không a dua theo người khác những việc họ làm. Và Hà cũng đủ lớn để hiểu nhân- sinh- quan của Hà chỉ có giá trị với mình và những người quan niệm giống mình mà thôi.
- Không muốn bị giới hạn bởi bất kỳ cái áo nào, luôn muốn mang theo một bí mật mỗi lần đến, dù vậy nhưng cảm giác bế tắc không phải là không từng xuất hiện trên hành trình mang bí mật đến. Những lúc như vậy Hà thường làm gì?
+ Bế tắc chung sống với khát vọng. Những ý tưởng mới và ý thức quen trà trộn, đụng độ với nhau mỗi ngày ấy mà. Ở tuổi 40, Hà thấy không cần mỗi lần xuất hiện phải là một bài hát mới, một kiểu tóc mới, một trang phục lạ, một cách hát mới nữa. Tất cả đều... không có gì mới hết. Cái hay hơn, là khi mình đứng đó, có những người nghĩ "cô này lạ, mình chưa đoán định được, vẫn phải mua vé xem cô ta hát"...
Hay: "Cô ấy thân thương quá với tôi. Có điều kiện tôi vẫn xem"... Trong thời đại ai cũng có thể thành sao này thì điều đáng kể là một ngôi sao sức cháy được bao lâu, lạ-quen, giỏi-dốt, chiêu trò hay không chỉ còn là những tính từ hụ hợ cho xôm tụ thôi.
- Show lần này Hà tham gia ở Hà Nội, là một show tôn vinh những "Giọng ca vàng". Hà sẽ hát chung sân khấu với các nghệ sĩ thế hệ đi trước như Khánh Ly, Cẩm Vân, Hồng Nhung, Mỹ Linh. Mỹ Linh và Hồng Nhung thì khán giả Hà Nội được nghe Hà "tung hứng" cùng họ trên sân khấu nhiều rồi, nhưng hát chung với Khánh Ly, Cẩm Vân thì vẫn còn là một sự chờ đợi hồi hộp. Hà có thể nói đôi chút về hai giọng ca vàng này?
+ Hà đang chờ nghe lại 2 nữ danh ca này. Còn nhớ ấn tượng về chị Cẩm Vân đoạt giải Nhất giọng hát chuyên nghiệp toàn quốc thời 86, 87. Chị hát "Ngôi sao cô đơn" đầy ấn tượng. Mẹ Hà lúc ấy làm giám khảo đấy. Và cô Mai (danh ca Khánh Ly) nữa, 2 cô cháu có quá nhiều kỷ niệm trong những lần lưu diễn ở hải ngoại. Với Hà, những câu chuyện đời thường hằng ngày, hay chuyện bản lề âm nhạc từ cô còn hấp dẫn hơn cả hình ảnh "nữ hoàng chân đất" huyền thoại Khánh Ly.
Cô Mai thời mỗi lần ghé Sài Gòn kêu Hà ghé qua hát góp vui nhà nhạc sĩ Trịnh thì còn nhiều khách sáo, nhưng u Mai sau này tôi qua Mỹ thân thiết hơn nhiều. Hễ đi diễn chung là u đòi "cho tôi ở chung với Hà Trần", chỉ vì Hà thích nghe kể chuyện, không phàn nàn mùi hôi thuốc lá trong phòng, cũng chả càu nhàu người hay mất ngủ bật đèn đọc sách cả đêm.
- Danh ca Khánh Ly đã ở tuổi ngoài 70, cùng thế hệ với bố Trần Hiếu, chú Trần Tiến của Hà, vẫn đứng trên sân khấu và được công chúng mến mộ không kém thời trẻ. Nếu có một bài học nào đó từ Khánh Ly, để nói câu chuyện người ca sĩ làm thế nào để giữ lâu bền sức hấp dẫn trong lòng công chúng, Hà sẽ nói gì?
+ Thế hệ cô Khánh Ly khác với thế hệ của Hà nhiều. Họ đồng hành cùng một vài nhạc sĩ, đi cùng lịch sử dân tộc. Tiếng hát của họ là sản phẩm của lịch sử, của những huyền thoại văn hóa và cả sự chia lìa dân tộc. Khánh Ly muốn hay không cũng không thể thay đổi hình ảnh của chính mình, và chẳng cần thay đổi. Cô cứ hát vậy, đúng với mình, không màu mè, không diễn, và sống mãi với thời gian.
Thế hệ của Hà, ở một ý thức không còn trăn trở về chiến tranh, và mang trách nhiệm kiến tạo những giá trị khác. Điều có lẽ thừa kế được từ những bậc tiền bối như cô Mai là đam mê hồn nhiên ca hát, không có bất cứ một thứ chiêu trò xảo thuật nào, lại sẽ trở thành huyền thoại.
- Chúng ta đang ở gần ngày Quốc tế Phụ nữ mùng 8-3, muốn được Hà chia sẻ một chút về câu chuyện bình đẳng giới. Là người đi nhiều, chứng kiến nhiều, đồng thời là Đại sứ cho phong trào He For She (Vì những người phụ nữ quanh ta), Hà có thể nói gì về vai trò của người đàn ông trong việc mang lại bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái?
- Gánh trách nhiệm và sĩ diện của đàn ông với xã hội, gia đình theo phong tục người châu Á thực ra là gánh nặng hơn với phụ nữ đấy. Đối với phụ nữ truyền thống, Hà mong các chị em hiểu rằng "He For She" cũng có nghĩa là chúng ta hãy san bớt áp lực cho cánh mày râu, bằng cách để họ cùng chia sẻ trách nhiệm sống với mình và ngược lại. Phụ nữ cứ vơ hết việc vào người, dung túng, cổ vũ cho chồng con lười biếng và gia trưởng, xong rồi đòi bình đẳng giới thì phong trào cũng chỉ là hô khẩu hiệu thôi chị em ạ…
- Cảm ơn Hà về cuộc phỏng vấn.
Theo Bình Nguyên Trang/CAND