Vào những ngày cuối tháng 9/2021, trên các diễn đàn,hội nghị để góp ý cho dự thảo Luật Điện ảnh, kiểm duyệt phim là chủ đề nóng, tạo ra sự tranh luận trong giới làm phim.
Đạo diễn, nhà sản xuất Việt khi ấy cho rằng có nhiều vấn đề bất cập trong quá trình duyệt phim tại Việt Nam. Điều đó tạo ra một “vòng kim cô”, ràng buộc sự phát triển của điện ảnh nước nhà. Họ bày tỏ mong muốn Luật Điện ảnh sẽ nới lỏng khâu kiểm duyệt, tạo điều kiện thúc đẩy ngành nghệ thuật thứ bảy phát triển.
Hơn 6 tháng sau những tranh luận từ phía giới làm phim, đến nay, câu chuyện kiểm duyệt phim điện ảnh Việt đã tiến thêm một bước mới. Điều đó thể hiện rõ nhất trong loạt phim điện ảnh vừa ra mắt như Bẫy ngọt ngào, Chuyện ma gần nhà hay gần nhất là Người tình.
Những cảnh làm tình nóng bỏng, táo bạo trong Bẫy ngọt ngào, Người tình hay cảnh ma quỷ, tâm linh trong Chuyện ma gần nhà hầu như không bị cắt bỏ. Sự cởi trói về kiểm duyệt phim tạo động lực, sự sáng tạo cho các nhà sản xuất, đạo diễn trong quá trình khai thác các chủ đề, thể loại phim mới mẻ.
Nhiều phim không thể ra rạp
Điện ảnh Việt hơn một thập kỷ qua từng chứng kiến nhiều dự án chưa kịp trình làng đã phải cất vào kho bởi không qua cửa kiểm duyệt. Hoặc phổ biến hơn là nhiều cảnh, phân đoạn phim bị cắt bỏ vì vi phạm các điều cấm trong Luật Điện ảnh 2006, dẫn đến tổng thể tác phẩm bị rời rạc, đứt đoạn, thiếu ăn nhập. Nhà làm phim lâm vào thế khó khi không thể giải thích với khán giả lúc công chiếu.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn kể vào năm 2008, khi anh thực hiện phim Mặt trời, con ở đâu cũng từng bị hội đồng kiểm duyệt yêu cầu cắt bỏ nhiều cảnh và phải quay thêm phân đoạn chính quyền địa phương họp với nhau cách giáo dục trẻ em.
"Tôi phải làm để phim được phép công chiếu nhưng thực ra cảnh đó không ăn nhập gì trong tổng thể tác phẩm", anh khẳng định.
|
Nhiều phim Việt trong quá khứ gặp khó với vấn đề kiểm duyệt.
|
Cùng tình cảnh, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ về hành trình gian nan trước khi ra rạp của Tiệc trăng máu (2020). Anh cho biết: “Trong phim có đoạn nhân vật Hứa Vĩ Văn hỏi: 'Có phải Ngô Thanh Vân nhắn tin cho anh?'. Hội đồng duyệt cũng yêu cầu chúng tôi phải xin phép cô ấy mới được phát hành phim. Thực tế trên đất nước Việt Nam có bao nhiêu người tên Ngô Thanh Vân. Tôi thấy chuyện này quá vô lý. Không những thế, Tiệc trăng máu đã dán nhãn trên 18 tuổi nhưng một số lời thoại bình thường cũng bị yêu cầu phải cắt bỏ".
Cửa kiểm duyệt phim từ trước đến nay được xem là nỗi ám ảnh của nhiều nhà làm phim thuộc thể loại kinh dị, hành động.
15 năm trước, bộ phim kinh dị Mười do Việt Nam và Hàn Quốc hợp tác thực hiện. Nhưng đường kiểm duyệt của tác phẩm gặp không ít gian truân khi phim bị đánh giá là có nội dung không phù hợp. Tác phẩm bị hoãn chiếu nhiều tháng liền và buộc phải cắt bỏ một số cảnh ghê rợn để có thể ra rạp.
Hai tác phẩm của Lê Văn Kiệt là Bẫy cấp 3 (2012) và Rừng xác sống (2014) đều gặp số phận hẩm hiu vì vấn đề kiểm duyệt. Bẫy cấp 3 rốt cuộc không thể ra rạp.
Một số dự án kinh dị khác để có thể trình làng đều buộc phải thay đổi cốt truyện, cắt bỏ nhiều phân cảnh.
Năm 2016, đạo diễn Bảo Nguyễn khá long đong với tác phẩm Ám ảnh. Phim kinh dị với sự góp mặt của Hoàng Yến Chibi, Hiếu Nguyễn dự tính ra mắt vào năm 2015 nhưng buộc dời lịch xuống tận dịp Tết 2016 để chỉnh sửa nội dung sau khi kiểm duyệt. Phim gần như thay đổi hoàn toàn so với bản gốc và kịch bản trở nên rối rắm, chắp vá, thiếu sự thống nhất.
Gần nhất có Thất sơn tâm linh (2019). Tác phẩm ban đầu có tên Thiên linh cái với nội dung xoay quanh vụ án giết người hàng loạt gây chấn động miền Tây năm 1995. Song bộ phim bị “tuýt còi”.
Sau thời gian dài chỉnh sửa, phim thậm chí còn phải đổi tên thành Thất sơn tâm linh mới có thể ra rạp.
Sự cởi mở trong kiểm duyệt phim ở Bẫy ngọt ngào, Người tình
Câu chuyện cởi trói cho điện ảnh Việt ngay từ khâu kiểm duyệt được nhắc đến nhiều trong những năm qua. Tháng 9/2021, trong những hội nghị, diễn đàn bàn về Luật Điện ảnh sửa đổi, giới làm phim từng có những cuộc tranh luận kéo dài nhiều giờ đồng hồ, trọng tâm là vấn đề kiểm duyệt và đề xuất nhiều giải pháp.
Đạo diễn, nhà sản xuất bày tỏ Luật Điện ảnh đang bó buộc khiến nhà làm phim không dám mạo hiểm. Muốn tồn tại, họ không dám thử nghiệm, sáng tạo, mà phải làm phim hài, gia đình.
"Với sự kiểm soát chặt chẽ, tôi sợ tới lúc nào đó, các nhà làm phim phải mang máy đi quay đám cưới vì khán giả bỏ phim Việt. Họ xem phim nước ngoài vì hấp dẫn hơn nhiều", nhà sản xuất Nguyễn Quang Huy nói.
|
Các cảnh ma quỷ, tâm linh trong Chuyện ma gần nhà. Ảnh: ĐPCC.
|
Khi loạt phim điện ảnh Việt gần đây ra rạp như Bẫy ngọt ngào của Đinh Hà Uyên Thư, Chuyện ma gần nhà (Trần Hữu Tấn) và Người tình (Lưu Huỳnh) cho thấy việc duyệt phim ở Việt Nam có bước tiến mới.
Theo nhà phê bình phim Nguyễn Phong Việt, cả ba tác phẩm đều đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm nhất của khâu kiểm duyệt lâu nay là cảnh sex táo bạo, các chi tiết về tâm linh rất thật.
“Tần suất và mức độ các cảnh sex trong Bẫy ngọt ngào và Người tình cũng như chuyện ma quỷ, tâm linh trong Chuyện ma gần nhà là khác nhau. Nhưng điều này thể hiện được cách tiếp cận rất cởi mở của Hội đồng duyệt phim so với vài năm trước đây”, anh nói.
|
Nhà phê bình phim Nguyễn Phong Việt cho biết sự cởi mở trong kiểm duyệt tạo động lực cho nhà làm phim.
|
Anh Nguyễn Phong Việt nói nếu rơi vào thời điểm khoảng 3-4 năm về trước, 3 tác phẩm kể trên, đặc biệt là Chuyện ma gần nhà sẽ gặp rất nhiều khó khăn ở khâu kiểm duyệt từ câu chuyện đến hình ảnh.
“Nếu đặt trong bối cảnh 3 năm trước, phim sẽ lâm vào hai tình cảnh. Một là bị cắt thẳng tay. Hai là thay thế bằng những phân đoạn khác có góc máy, điểm nhìn nhẹ nhàng hơn để tránh tạo ra tâm lý không tốt cho khán giả”, anh nói.
Cha đẻ của Chuyện ma gần nhà tiết lộ với Zing quá trình kiểm duyệt phim suôn sẻ và thuận lợi. Phim ra rạp hoàn toàn đúng với bản gửi duyệt, không bị cắt bỏ chi tiết nào.
Đạo diễn Trần Hữu Tấn nói thời gian duyệt phim kéo dài một tuần. “Để phim trải qua khâu kiểm duyệt, chúng tôi tập trung cao độ cho kịch bản, sau đó ghi hình rồi dựng. Ê-kíp chỉ biết làm tốt nhất ở vai trò của người làm phim. Các cảnh quay nhạy cảm hay bạo lực đều được tạo ra với lý do đằng sau là nhằm phục vụ cho câu chuyện”, nam đạo diễn nói về quá trình thực hiện phim.
Điều quan trọng cuối cùng đến từ nhà làm phim
Theo đạo diễn Lương Đình Dũng, việc các phim có cảnh 18+, ma quỷ, tâm linh được ra rạp mà không phải cắt bỏ, bị can thiệp vào nội dung thể hiện sự cởi mở từ hội đồng duyệt phim.
Điều này cho thấy sự tôn trọng đối với cá tính sáng tạo của cá nhân nhà làm phim và tạo điều kiện để phát triển điện ảnh đa dạng. Các nhà sản xuất, đạo diễn sẽ tự tin, táo bạo và dám thử sức mình ở những thể loại phim mới.
"Tôi nghĩ hội đồng duyệt phim dần hiểu tâm tư, cái khó của nhà làm phim để từ đó có cái nhìn cởi mở hơn. Đạo diễn, nhà sản xuất bây giờ thoải mái thể hiện tác phẩm của mình, không tự hạn chế ở nhiều góc độ khác nhau. Đó là tín hiệu vui mừng cho nền điện ảnh nước nhà", đạo diễn Cha cõng con nói.
|
Cảnh 18+ trong Bẫy ngọt ngào, Người tình không bị cắt bỏ. Ảnh: ĐPCC.
|
Là người từng ngồi ở vị trí giám khảo của nhiều Liên hoan phim quốc tế, anh đánh giá việc duyệt phim của Việt Nam ở thời điểm hiện tại thông thoáng so với giai đoạn trước đó hoặc các quốc gia khác.
Anh nói vấn đề quan trọng nhất còn lại đến từ sức sáng tạo, học hỏi cái mới từ nhà làm phim để quyết định sự thành bại của tác phẩm.
|
Đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng vấn đề quan trọng nhất là sự sáng tạo của nhà làm phim.
|
Cùng quan điểm, anh Nguyễn Phong Việt nhìn nhận sự cởi trói trong khâu kiểm duyệt là cần thiết và nên được thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong tương lai. Nhờ vậy, giới làm phim tự tin hơn với sự sáng tạo, không bị gò bó quá nhiều trong khuôn khổ của sự kiểm duyệt.
"Không thể nói vì kiểm duyệt gắt gao nên sự sáng tạo của điện ảnh Việt bị hạn chế. Nhưng rõ ràng là những quy định khá cứng nhắc trong lịch sử kiểm duyệt phim ở Việt Nam đã khiến cho các đạo diễn, nhà sản xuất bị chùn tay khi muốn khai phá thêm những đề tài mới, độc đáo hơn cho khán giả", anh chia sẻ.
Theo Hoàng Yến/Zing