Đừng để chuyện xét tặng NSND, NSƯT bị đánh đồng 'loạn hoa hậu'

Google News

"Khi những vấn đề gây tranh cãi trong quy trình xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT còn đó, vì sao không giải quyết lại đặt thêm vấn đề mới?", bạn đọc Lê Hồng Hà đặt câu hỏi.

Mấy hôm nay, báo đài đều đưa tin về việc đang soạn thảo xây dựng Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, vấn đề này đáng lưu tâm giữa những thông tin giải trí nhàm chán.
Tôi tóm tắt từ 5 bài báo mình đọc như sau: tạo cơ chế xét tặng cho nghệ sĩ tự do; đề xuất thêm đối tượng xét tặng cho tác giả kịch bản múa (mảng múa), nhạc sĩ sáng tác, phối khí (mảng nhạc) và nhiếp ảnh gia, nhà nghiên cứu, giảng viên (mảng nhiếp ảnh).
Từ sau những bài báo đưa tin về việc đang soạn dự thảo nghị định, một số báo đăng tiếp các bài quan điểm, đại loại như: Tác giả kịch bản múa có xứng đáng không? Nhà nghiên cứu, giảng viên dạy nhiếp ảnh có phải nghệ sĩ không?...
Những tranh luận này khiến tôi khó chịu. Trong Nghị định 89, những chức nghiệp có thể xét tặng NSND, NSƯT còn có cả người làm âm thanh điện ảnh, truyền hình và sân khấu; người làm ánh sáng sân khấu và chương trình nghệ thuật; quay phim; người thiết kế trang trí sân khấu; người hóa trang, phục trang sân khấu, điện ảnh, truyền hình...
So với những chức nghiệp trên, việc xét tác giả kịch bản múa và nhạc sĩ sáng tác, phối khí có gì để tranh cãi? Thậm chí, nhạc sĩ sáng tác đáng lẽ được vào đối tượng xét tặng ngay mùa đầu tiên.
Dung de chuyen xet tang NSND, NSUT bi danh dong 'loan hoa hau'
Nghệ sĩ Trung Anh và Công Lý nhận phong tặng danh hiệu NSND.
Các trường dạy nhạc phương Tây đều chung quan điểm nhạc sĩ là khởi nguồn của âm nhạc. Không có nhạc sĩ không có bài hát, ca sĩ, nhà hát, chương trình âm nhạc... Lý do gì khiến đến nay, người ta mới đặt vấn đề xét tặng danh hiệu cho các nhạc sĩ?
Riêng mảng nhiếp ảnh, tôi không có ý kiến. Độ chừng 10 năm nay, giới trí thức ưa trào lưu xét lại, bao gồm xét lại tư cách loại hình nghệ thuật của nhiếp ảnh. Việc có nên xét tặng NSND, NSƯT cho nhiếp ảnh gia cần được bàn thảo thêm, còn 2 đối tượng nhà nghiên cứu và giảng viên dạy nhiếp ảnh có lẽ được đề xuất trong một cơn cao hứng rất bất chợt nào đó.
Rồi những mùa dự thảo sau, liệu tất cả ngành nghệ thuật khác có đứng lên "đòi công đạo" cho mình? Như có tác giả kịch bản múa hẳn phải có soạn giả sân khấu, biên kịch phim; đã xét cho nhà nghiên cứu, giảng viên dạy nhiếp ảnh ắt hẳn phải xét cả nhà nghiên cứu, giảng viên dạy thanh nhạc, điện ảnh...
Vài tháng trước, sau một liên hoan lĩnh vực kịch nói, tôi có đọc một bài báo có tiêu đề nhang nhác Cơn mưa huy chương ngày càng nặng hạt. Đại khái, sau liên hoan ấy, người ta trao đến 40 huy chương vàng, 46 huy chương bạc.
Có lẽ, không phải nghệ sĩ nào cũng thực sự không màng giải thưởng, danh hiệu như phát ngôn trên báo chí, mà có cầu ắt sẽ có cung. Nhà quản lý nên cân nhắc, xem xét kỹ cả phương diện này.
Không nên để đến một ngày, danh hiệu cao quý như NSND, NSƯT lại bị đánh đồng với "loạn hoa hậu", "ra đường gặp hoa hậu", "1 mét vuông 2 hoa hậu"!
Xét tặng NSND, NSƯT vốn còn lắm chuyện cần cân nhắc, như cô bạn già có thể gọi là danh ca của tôi lần nào nhắc vấn đề này đều bức xúc nói: "Tao thừa giải thưởng, huy chương nhưng sẽ không bao giờ xin xỏ ai cái gì. Làm sao tao tìm được các ông đoàn trưởng hồi xưa khi mà ông thì chết rồi, ông thì không rõ tung tích để xác nhận mấy cái giải thưởng, huy chương của tao là thật chứ!". Khi bao bất cập cũ chưa nói xong, không nên đặt thêm những vấn đề mới không hợp lý cũng chẳng hợp tình.
Theo Vietnamnet