Nghệ sĩ Nhân dân Bùi Bài Bình: Diễn vai hiền ít người biết, diễn vai phản diện nhiều người nhớ
Nghệ sĩ Nhân dân Bùi Bài Bình trong vai ông Cừ phim "Độc đạo". (Ảnh: NSX)
Bộ phim cảnh sát hình sự "Độc đạo" được phát sóng trên VTV3 đã kết thúc, nhưng dư âm vẫn khiến nhiều khán giả tiếc nuối. Bộ phim đã thu hút đông đảo khán giả trên cả nước yêu thích, không chỉ bởi kịch bản có những tình tiết gay cấn giữa thiện và ác, các chiến sĩ công an không ngại nguy hiểm khi đối đầu với tội phạm ma túy... Bộ phim còn hấp dẫn người xem khi có sự tham gia của dàn diễn viên gạo cội, nổi tiếng như: NSƯT Chí Trung, Hoàng Hải, Hồ Phong, Nguyệt Hằng, diễn viên Vĩnh Xương, Doãn Quốc Đam... và Nghệ sĩ Nhân dân Bùi Bài Bình.
Mặc dù chỉ là vai phụ (vai ông Cừ - kẻ khét tiếng tại bản Mây) nhưng NSND Bùi Bài Bình cũng đã để lại ấn tượng khó quên trong lòng khán giả.
NSND Bùi Bài Bình chia sẻ với Dân Việt rằng, vai diễn trong phim "Độc đạo" với tâm lý nhân vật không phức tạp như nhiều vai diễn khác do ông từng thể hiện. (Ảnh: NSX)
Nói về vai diễn này, NSND Bùi Bài Bình chia sẻ với Dân Việt, đây là vai diễn nhỏ, tâm lý nhân vật không phức tạp như nhiều vai diễn trước đó. Ở vai diễn này ông diễn như một cuộc dạo chơi, không cần phải cân não, căng sức như vai như Tòng trong "Ma làng", Khuếnh trong "Gió làng Kình".
"Tôi đã từng vào những vai phản diện ghê gớm hơn. Ghê gớm tới mức, tôi chỉ đọc kịch bản đã cảm thấy sợ. Nếu như vai ông Cừ là một nhân vật phản diện nhưng đâu đó vẫn có lương tâm, vẫn còn muốn bao bọc con của người bạn, tức Hồng (Doãn Quốc Đam), con trai Toàn – kẻ giang hồ khét tiếng nhưng đã lui về ở ẩn (NSƯT Hoàng Hải) thì với những vai như Tòng hay Khuếnh lại là vai phản diện hoàn toàn khác.
Khi đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đưa tôi kịch bản phim "Ma làng" và nói tôi vào vai Tòng, nhưng sau khi đọc kịch bản tôi đã từ chối vì thấy vai diễn quá khủng khiếp.
Nhân vật Tòng từ một anh thư ký quèn rồi bon chen, hại người, dùng đủ mọi thủ đoạn để lên ngồi vào vị trí Phó chủ tịch huyện… Tôi nói với đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: "Nhân vật khủng khiếp quá, em sợ em không diễn được". Sau đó, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã động viên tôi và nói rằng, tôi có thể làm được.
NSND Bùi Bài Bình trong vai Tòng phim "Ma Làng". (Ảnh: NSX)
Tiếp đến là phim "Gió làng Kình", tôi được mời vào vai Khuếnh cũng là dạng vai phản diện nhưng khó hơn cả vai trước, bởi nhân vật này là một người tri thức, có điều kiện, địa vị trong xã hội nhưng cực kỳ đểu giả. Cả hai vai diễn khiến khán giả nhớ đến tôi theo một cách không mấy thiện cảm, nhưng cũng nhờ đó mà tôi nổi tiếng hơn.
Tôi thường nói với mọi người, mình làm điều tốt rất nhiều nhưng dường như không ai nhớ, nhưng nếu "làm điều xấu" thì mọi người sẽ nhớ ngay", NSND Bùi Bài Bình hài hước cho biết.
Hình ảnh NSND Bùi Bài Bình trong phim "Ma Làng". (Ảnh: NSX)
Trước khi đảm nhận những vai phản diện, nam nghệ sĩ từng đóng những nhân vật hiền lành, thậm chí đáng thương như vai Hòa trong phim "Mùa ổi". Cũng nhờ vai diễn này mà ông nhận giải Nam diễn viên chính xuất sắc trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13.
Đề cập đến những khó khăn khi từ đóng vai phản diện, nam nghệ sĩ cho hay, mỗi người diễn viên đều có thế mạnh và thế yếu.
"Tôi sinh ra trong một gia đình lao động làm công nhân, giáo viên, từ ông bà, bố mẹ, anh chị. Bản thân tôi đã trải qua những thăng trầm của cuộc đời và những thăng trầm của Hà Nội, từ 4 năm sơ tán ở bên Hà Bắc, tiếp đến Hà Nội 12 ngày đêm…
Tôi cũng là người đã lăn lóc với đời vì vậy tôi hợp với diễn giản dị, thuần khiết về suy nghĩ, lối sống, ngoại hình. Có lẽ vì thế mà tôi dễ hợp với những vai diễn kiểu này.
NSND Bùi Bài Bình và NSND Lan Hương trong phim "Mùa ổi". (Ảnh: NSX)
Tôi là người hay quan sát cuộc sống xung quanh mình. Ví dụ, có những người vừa nhìn đã được khen "ông này hiền lành". Tuy nhiên, có những người vừa nhìn người ta đã bảo "trông nó lấc cấc, khó chịu". Vậy tại sao họ lại nhận xét như vậy? Tôi đã tìm hiểu để biết lý do, đó cũng là cách tôi thu thập trong cuộc đời để có thêm nguyên liệu cho các vai diễn của mình.
Để thể hiện vai Tòng trong "Ma làng", tôi đã lăn lộn rất nhiều ở vùng thôn quê, từ các vùng ngoại ô của Hà Nội đến các làng, xã tại các tỉnh. Tôi tiếp xúc với tầng lớp bần hàn nhất của Hà Nội thời điểm đó. Tôi quan sát, tìm hiểu cuộc sống của họ để đưa vào vai lão Tòng. Và điều quan trọng nhất đó là tôi có niềm tin rằng, tôi sẽ làm được vai diễn của mình", NSND Bùi Bài Bình cho biết.
Nghệ sĩ Nhân dân Bùi Bài Bình: May mắn trong cuộc đời được vào vai Bác Hồ
Nam diễn viên vào vai Bác Hồ trong "Nhà tiên tri". (Ảnh: NSX)
Từng nổi tiếng với những vai diễn phản diện, thâm sâu như Tòng "Ma làng", Khuếnh "Gió làng Kình" và mới nhất là ông Cừ trong "Độc đạo"… nhưng nghệ sĩ Nhân Dân Bùi Bài Bình cũng từng để lại ấn tượng với khán giả khi đóng Bác Hồ trong phim "Nhà tiên tri".
Hóa thân thành Bác Hồ trong khoảng thời gian nằm gai nếm mật tại Việt Bắc những ngày kháng chiến chống Pháp từ năm 1947 đến năm 1954. Với nam nghệ sĩ, đây là những ngày nhiều kỷ niệm đến mức khi nhắm mắt ông cũng không bao giờ quên.
Hồi tưởng lại thời kỳ quay bộ phim này, NSND Bùi Bài Bình cho hay, ban đầu ông không phải là lựa chọn số 1 cho vai diễn Bác Hồ, bởi vì có nhiều người đã ứng cử, nhưng đến phút cuối ông là người được chọn.
"Tôi được đóng vai Bác Hồ là một vinh dự rất lớn. Cứ như duyên phận, độ tuổi của tôi vào thời điểm quay phim đúng bằng tuổi đời của Người năm 1947-1954 (giai đoạn lịch sử trong phim "Người tiên tri"). Hơn nữa, hình dáng tôi cũng gần giống Bác.
Bác Hồ cao khoảng 1m69, nặng 49kg, tôi nặng hơn một chút. Thời điểm đó, thực hiện giảm cân, vào các buổi sáng, buổi trưa tôi không ăn chỉ uống cà phê, hút thuốc lá, nếu đói quá thì làm miếng phô mai con con. Sau đó, tôi xuống đúng với cân nặng của Bác.
Nhưng đạo diễn Vương Đức cho hay vẫn còn một vấn đề nữa, đó chính là hai chiếc răng khểnh. Tôi đến Viên răng hàm mặt Hai Bà Trưng, khám, chụp phim. Bác sĩ nói, tôi nhổ một chiếc, một chiếc mài nhọn. Sau đó, tôi làm theo", NSND Bùi Bài Bình nói.
NSND Bùi Bài Bình suýt chết khi quay cảnh cưỡi ngựa trong phim "Nhà tiên tri". (Ảnh: NSX)
Theo NSND Bùi Bài Bình, khi nhận lời vào vai Bác Hồ, ông đã phải nghiên cứu rất lâu những tư liệu, thước phim, hình ảnh từ trong nước đến nước ngoài về Bác.
Điều ông đắn đo nhất chính là tài liệu về Bác Hồ giai đoạn 1947-1950 chưa nhiều, hoặc có nhưng chưa sâu. "Nhiều người cũng nói với tôi rằng, tôi không giống Bác Hồ, không thể đóng được. Tuy nhiên, chính đạo diễn Vương Đức đã phân tích và chia sẻ với tôi: Có hai cách cho sự lựa chọn vào vai Bác Hồ. Một là tìm được một người tương đối giống Bác Hồ nhưng lại không thể lột tả được hết tâm trí, nguyện vọng, ước mơ, khát vọng hòa bình cho dân tộc. Cách hai, tìm một người không có nhiều nét ngoại hình giống Bác nhưng lại diễn được thần thái, nỗi ưu tư, suy nghĩ của Bác.
Sau những đắn đo và phân tích, đạo diễn Vương Đức đã quyết định và thống nhất, bắt buộc Bùi Bài Bình phải làm được, phải diễn được, phải toát lên được ý chí lớn, ý chí vĩ đại nằm trong một con người nhỏ bé, quảng đại, giản dị mà cả thế giới kính trọng" NSND Bùi Bài Bình tâm sự.
NSND Bùi Bài Bình thời trẻ. Thời điểm đó, nam nghệ sĩ được khen có nụ cười duyên bởi hai chiếc răng khểnh. (Ảnh: NVCC)
Là người đã trải qua nhiều vai diễn khác nhau, từ vai chính đến vai phụ, vai hiền lành đến vai phản diện... đều thành công, ghi dấu trong lòng khán giả, tuy nhiên, khi vào vai Bác Hồ, NSND Bùi Bài Bình gặp khá nhiều áp lực, căng thẳng.
Nghệ sĩ Bùi Bài Bình cho biết, Bác Hồ là người rất giỏi ngoại ngữ, Bác biết nhiều thứ tiếng như Pháp, Nga, Trung Quốc... Để nói được như Bác, nam nghệ sĩ đã phải tự mua một máy ghi âm, cứ đến đêm ông đóng cửa phòng ngồi trong đó luyện nói một mình như một người tự kỷ. Dù luyện nói là vậy nhưng ông cũng chỉ để cố gắng nói cho đúng khẩu hình vì sau đó phải lồng tiếng.
Áp lực thứ hai mà ông đối mặt là làm sao để nổi bật được tính cách, nét rất riêng của Bác Hồ. Với những bộ phim thông thường, luôn có tình huống, có tình yêu, xung đột... Tuy nhiên, trong phim "Nhà tiên tri" mọi thứ đều giản dị khi Bác Hồ đi đến lớp học, đại hội, thị sát tình hình.
"Tôi, anh Hoàng Nhuận Cầm và anh Vương Đức sau khi ngồi lại nhiều lần và thống nhất, cần phát huy khả năng tiên tri của Bác Hồ. Bác tiên tri rất chuẩn và bây giờ trong sử sách vẫn còn ghi lại những điều tiên tri của Bác nên phim sẽ khắc sâu vào những câu chuyện đó", NSND Bùi Bài Bình cho hay.
NSND Bùi Bài Bình trong phim "Đời người và những chuyến đi". (Ảnh: NSX)
Nhìn lại cả một đời theo đuổi sự nghiệp đóng phim, NSND Bùi Bài Bình cho biết, ông có hàng nghìn kỷ niệm, câu chuyện ở mỗi vai diễn, bối cảnh, mỗi phim ông tham gia mà không thể nhớ hết. Tuy nhiên, có một kỷ niệm mà đến chết nam nghệ sĩ cũng không thể quên, thậm chí còn nhớ như in cảm giác của ngày hôm đó. Đó chính là cảnh quay Bác Hồ cưỡi ngựa đến gặp một nhà báo Pháp tại Ba Vì, Hà Nội.
"Ngày hôm đó thời tiết trở trời, âm u, gió vần vũ, mưa bụi mù mịt, cứ cảm giác rờn rợn. Thông thường thời tiết như vậy các con vật, đặc biệt là ngựa, loài rất thông minh thường nhạy cảm, "khó tính" hơn mọi ngày.
Hai lần leo lên lưng ngựa, nó đã tỏ vẻ "khó tính", lần thứ ba khi tôi vừa leo lên lưng, nó lập tức dựng hai chân trước và quỳ hai chân sau, hất tôi xuống chỗ nền toàn đá, sỏi to bằng bát con, bát tô. Lúc tôi bị hất xuống chỉ kịp nhấc đầu lên cao để tránh đập mạnh xuống các viên đá, mông ngựa thì đập vào ngực tôi, yên gỗ của nó văng ra vỡ làm đôi. Nếu rơi trúng mặt, chắc mặt tôi nát luôn. Khi rơi xuống nền đá, tôi không còn biết gì.
Sau đó, mọi người kể lại, mặt mũi tôi tím tái, kiểm tra mạch không thấy đập, mọi người nghĩ tôi đã chết, khiêng tôi vào trong nhà thờ, đeo tất trắng vào chân, tay, đắp chăn xong để nằm đó, ở ngoài nhiều người đã chắp tay vái và đứng khóc.
Tuy nhiên, trong đoàn có một người làm bên ngành y cũng hiểu biết nên không cho ai đụng vào, không được đấm bóp, xoa hay mang đi đâu để tôi nằm im.
Sau đó, tôi tự tỉnh lại. Mọi người đưa tôi vào bệnh viện khám. Tôi may mắn nằm nghỉ đến ngày hôm sau là được trở đoàn để tiếp tục đóng phim", NSND Bùi Bài Bình chia sẻ.
NSND Bùi Bài Bình và vợ - diễn viên Ngọc Thu. (Ảnh: NVCC)
NSND Bùi Bài Bình khá kín tiếng về cuộc sống riêng tư. Ông có người vợ là diễn viên Ngọc Thu và hai con trai lần lượt sinh năm 1982 và năm 1997. Có thời điểm, để duy trì cuộc sống nên gia đình nam nghệ sĩ bán cà phê tại nhà. Quán cà phê của vợ chồng nghệ sĩ Bùi Bài Bình từng là tụ điểm gặp gỡ của giới văn nghệ sĩ, diễn viên.
Trước câu hỏi về lý do bà xã hy sinh, lui về hậu trường để NSND Bùi Bài Bình tỏa sáng, nam nghệ sĩ cho hay, "nói lui là nói một cách văn học". "Vợ chồng làm nghệ thuật, ai có vai người đấy. Chúng tôi có thuận lợi vì cả hai cùng làm nghệ thuật nên thấu hiểu và đồng cảm. Thực sự, bà ấy cũng muốn đi đóng phim nhưng không hợp nhiều vai như Minh Châu, Thanh Quý mà chỉ hợp những vai kiểu chân chất như cô giáo mà thôi. Ngày trước tôi hay trêu bảo: "Bà này đi đóng phim rất yên tâm vì toàn vai không có chồng", nam nghệ sĩ hài hước chia sẻ.
NSND Bùi Bài Bình sinh năm 1956, trưởng thành từ lớp Diễn viên khoá 2 của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Năm 1977, ông về công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam và nhận ngay tác phẩm đầu tay của đạo diễn Phạm Văn Khoa.
Ông được khán giả yêu mến qua hình tượng "ông bố quốc dân", ghi dấu ấn với khán giả qua những bộ phim: Lối nhỏ vào đời, Lặng yên dưới vực sâu, Hương vị tình thân, Gió làng Kình, Ma làng....
Thời trẻ, nam nghệ sĩ từng theo học khóa sửa ô tô trước khi bén duyên với nghề diễn. Ở tuổi U70, NSND Bùi Bài Bình vẫn sung sức với nghệ thuật.
* Tiêu đề bài viết đã được biên tập lại
Theo Huy Hoàng/ Báo Dân Việt