>>> Mời quý độc giả xem video Hát Xoan chính thức thoát “khẩn cấp”. Nguồn VTC1: |
|
"Bõ công gìn giữ từ thời cha ông”
Ngày hát xoan Phú Thọ thoát khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nghệ nhân hát xoan có tiếng ở Phú Thọ, Nguyễn Thị Lịch đã không giấu được hạnh phúc. Bà mừng rơi nước mắt, vỡ òa sung sướng khi được một trong những thành viên của Đoàn Việt Nam có mặt tại Phiên họp lần thứ 12 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc gọi điện về báo tin vui. Ai hỏi bà đều bảo: “Sướng quá cô/chú ạ, chúng tôi, 5,6 nghệ nhân ngồi chờ tin từ bên kia, nghe tin xong ai cũng reo lên như đứa trẻ, sau đó mừng rơi nước mắt. Buổi chiều hôm trước thông tin bài chòi được công nhận rồi, chỉ có hát xoan nữa thôi mà chúng tôi cứ lo lo, không biết như thế nào”- bà Nguyễn Thị Lịch kể lại- “Nhiều người gọi điện về chúc mừng lại càng khiến tôi xúc động hơn”.
|
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch đang hướng dẫn cách múa như thế nào mới đúng là của đào. |
Phải quá trưa, tôi mới về đến nhà nghệ nhân hát xoan Nguyễn Thị Lịch. Bà vẫn ngồi đợi và tỏ ra mừng rỡ khi có khách đường xa đến thăm. Bà nắm tay, giọng run run vẫn còn xúc động khi nhắc tới khoảnh khắc hát xoan thoát khỏi danh sách di sản cần bảo vệ khẩn cấp và trở thành di sản của nhân loại. Thế rồi bà nhìn lên ban thờ, giọng run run: “Bõ công gìn giữ bây lâu nay từ thời cha ông đến giờ. Trước khi ông tôi mất, bố tôi bảo tôi phải gìn giữ tất cả hồ sơ tài liệu về hát xoan, phòng khi sau này cần đến. Lúc ấy tôi còn quá trẻ để hiểu được lời của ông cha, tôi còn nói lại bố tôi”. Theo lời kể của bà, những điệu hát xoan cổ (có 31 điệu) từ thời cha ông đều được người cha gìn giữ cẩn thận mà ông đã lấy kim chỉ khâu lại thành quyển viết bằng chữ nho mà hiện nay Sở Văn hóa Phú Thọ đã lưu giữ.
Được biết, đây là lần đầu tiên, Ủy ban liên chính phủ quyết định rút một di sản ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp để chuyển sang danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bởi thế mà những nghệ nhân như bà Nguyễn Thị Lịch cảm thấy tự hào và hạnh phúc đến thế.
|
Bà Nguyễn Thị Lịch đang cùng các đào hát trình diễn ở đền Hùng Lô. |
Nữ trùm phường xoan duy nhất của đất Tổ
"Đào" Lịch sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 5 đời hát Xoan ở An Thái, xã Phượng Lâu, TP. Việt Trì (Phú Thọ). Ông nội và cha đều là những nghệ nhân, trùm Xoan nổi tiếng, còn mẹ cũng là một cô đào nức tiếng trong vùng, vì thế chất xoan đã "ngấm" vào người nghệ nhân ấy tự bao giờ.
Từ nhỏ, bà theo gánh hát của ông nội đi khắp nơi biểu diễn, thức cùng những canh hát thâu đêm suốt sáng, xế bóng trăng tà, để rồi đến năm mười ba tuổi, gần như bà đã thuộc hết 14 quả cách (làn điệu) và trở thành đào nương trẻ tuổi của làng. Bước chân vào nghề xoan chưa được bao lâu thì những điệu xoan bỗng nhiên "đứt đoạn". Đó là khi chiến tranh, giặc giã và nạn đói triền miên ập xuống, ngôi làng mất đi những trùm xoan, những gánh hát giải thể, phiêu bạt khắp nơi. Tuy phường xoan không còn nhưng chưa bao giờ trong ngôi nhà của bà im tiếng hát Xoan.
Với tình yêu xoan, người nghệ nhân già Nguyễn Tất Thắng đã quyết tâm phục dựng lại phường xoan. Ban đầu ông tìm lại tư liệu, rồi tập hợp những người biết hát xoan trong vùng, chẳng mấy chốc phường xoan đã nhanh chóng được khôi phục. Giấc mơ về một phường xoan mới của cha con bà Lịch đã trở thành hiện thực.
Khi cha qua đời, bà Lịch đã tiếp quản mọi công việc của phường xoan từ năm 1997 đến nay và là bà trùm phường xoan nức tiếng của đất Tổ cho đến bây giờ. Bằng tình yêu xoan, bà đã giành cả cuộc đời, tâm huyết để duy trì, bảo tồn và phát triển bộ môn nghệ thuật hát xoan. Và cũng bởi hát xoan mà bà chèo lái con thuyền cho cả phường xoan cổ của Phú Thọ cũng như vượt qua chữ “truân chuyên” trong cuộc đời của chính mình.
Câu nói xưa "hồng nhan bạc mệnh" vận đúng vào số phận của cô đào Lịch. Bà vẫn còn nhớ như in câu nói của một người khách khi đến thăm bà rằng: “Đến bây giờ Đào Lịch vẫn một mình”. Bà ngậm ngùi kể lại cuộc đời với hai lần qua đò của mình trong câu hát xoan. Khi vừa tròn đôi mươi, bà kết duyên với anh kép trong phường xoan. Hạnh phúc chưa trọn thì ông đi bộ đội và ba năm sau gia đình nhận được tin báo tử của anh ở mặt trận phía Nam. Đào Lịch thờ chồng, chỉ biết dồn sức để nuôi các con lên người. Nhưng chữ duyên của Đào Lịch vẫn còn khi gặp anh bộ đội xứ Đoài sau 10 năm. Những tưởng bà sẽ được bù đắp lại những ngày vò võ nuôi con một mình, chu toàn việc nhà thì một lần nữa người chồng thứ hai của bà qua đời. Nói đến đây, bà bảo: "Đời tôi một mình cuối cùng vẫn cứ một mình". Nhưng vì có những câu xoan mà bà lại đứng dậy, bước tiếp để gặt hái quả ngọt như bây giờ. “Có những lúc ngã lòng tôi vịn câu xoan mà đứng dậy”- bà Nguyễn Thị Lịch trải lòng. Cũng bởi thế mà nhìn ngoài không ai nghĩ cuộc đời Đào Lịch lại truân chuyên, không ai nghĩ bà đã gần đến cái tuổi 70. Bà vẫn tự hào, các con, các cháu trong gia đình, kể cả dâu hay rể đều mê xoan và hát được xoan.
Trước hay sau khi hát xoan trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, bà Nguyễn Thị Lịch vẫn đều đặn hàng tuần đứng lớp, truyền dạy hát xoan khắp các cơ quan, đoàn thể trong và ngoài tỉnh Phú Thọ. Bà bảo, có tuần nhiều nơi gọi bà đi mà đành phải xin phép vì kín lịch. Có cả những người ở tận trong Nam gọi điện ra xin học, họ còn lập cả một phường hát xoan và mời bà vào đó dạy. “Nghệ nhân chúng tôi không còn sợ thế hệ con cháu mình không biết đến xoan, bởi bây giờ đi đâu, nhà nào cũng có người hát, thậm chí có cả những đứa bé 5,7 tuổi cũng ngân nga hát mà hát đúng theo nhịp, theo phách. Tôi mừng lắm và cố gắng truyền dạy tất cả những gì tôi được cha ông mình truyền lại cho con cháu mình”- bà Lịch tâm sự.
Trước khi chia tay, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh của Đào Lịch chuẩn bị bước sang tuổi 70, vẫn hát hay, múa dẻo như nàng Quế Hoa của phường xoan Yên Thái. Bà tin chắc rằng những điệu hát xoan của cha ông sẽ chẳng thể mai một bởi bây giờ gia đình người Phú Thọ nào cũng thuộc dăm ba câu xoan. Từ 7, 8 nghệ nhân nay đã có 60 nghệ nhân lớp kế cận, gồm cả những người trẻ tuổi, trong đó có cả cháu của bà Lịch mới 8 tuổi thuộc nằm lòng các điệu xoan cổ.
Năm 2005, nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian; năm 2011, được Viện Âm nhạc tặng Giấy khen vì có thành tích trong công tác bổ sung xây dựng hồ sơ hát xoan Phú Thọ; năm 2012, được UBND tỉnh Phú Thọ tặng Bằng khen và phong tặng danh hiệu Nghệ nhân; năm 2015, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Theo Hà Thu/Tiền Phong