Hình phạt “đau đớn” của nghệ sĩ châu Á vì quảng cáo dễ dãi

Google News

Nhiều trường hợp ngôi sao quảng cáo sản phẩm dễ dãi, sai sự thật khiến công chúng tẩy chay, thậm chí vướng vòng lao lý và mất cả sự nghiệp.

Nghệ sĩ trả giá đắt vì ham lợi nhuận, quảng cáo tràn lan

Không chỉ ở Việt Nam, quảng cáo được xem là nguồn thu lớn cho các nghệ sĩ quốc tế, bên cạnh hoạt động nghệ thuật. Điều này có được nhờ danh tiếng, do sự yêu mến của khán giả góp phần tạo nên.

Theo Sina, giá trị thương mại của một nghệ sĩ trong showbiz cũng gắn liền với các hợp đồng quảng cáo. Càng nổi tiếng, đông fan họ càng được các thương hiệu mời chào. Đây không chỉ lợi ích kinh tế mà còn chứng tỏ vị trí của họ trong giới giải trí.

Nghệ sĩ càng nhiều hợp đồng chứng tỏ danh tiếng càng cao. Tuy nhiên điều nghịch lý là các nghệ sĩ ít tìm hiểu về sản phẩm hay chưa từng sử dụng qua. Việc được trả cát-xê cao ngất ngưỡng khiến họ dễ dàng gật đầu đồng ý, bỏ qua yếu tố chất lượng sản phẩm.

Hinh phat
Cảnh Điềm là sao hạng A đầu tiên bị phạt hành chính vì vi phạm luật quảng cáo.

Minh tinh Cảnh Điềm là trường hợp gần nhất bị cơ quan chức năng xử phạt với tội danh quảng cáo lố, “thần kỳ hóa” sản phẩm dụ dỗ người mua. Cô nhận quảng cáo một loại đồ ăn với thông tin có thể ngăn chặn hấp thu mỡ và đường vào cơ thể. Tuy nhiên, chưa có báo cáo nào chứng minh sản phẩm có tác dụng này.

Nữ diễn viên sau đó bị xử phạt 7,2 triệu NDT (hơn 1 triệu USD) kèm theo không được quảng cáo trong 3 năm. Cảnh Điềm cũng là trường hợp ngôi sao hạng A đầu tiên của Hoa ngữ vướng án phạt hành chính.

Vì quảng cáo sai trái, nhiều ngôi sao Trung Quốc từng vướng vòng lao lý, suýt mất sự nghiệp vì bị tẩy chay. Diễn viên Mã Y Lợi là đại diện cho thương hiệu trà sữa nằm trong đường dây lừa đảo quy mô lớn; Lưu Thi Thi quảng cáo một dòng sản phẩm gội đầu kém chất lượng, gây rụng tóc.

Quách Mỹ Mỹ PR cho thuốc giảm cân chứa chất cấm… Trong số họ có người bị điều tra, hầu tòa, nằm trong danh sách đen của Hiệp hội Người tiêu dùng. Ngay những tên tuổi lớn như Thành Long, Vương Phi, Chương Tử Di… bao nhiêu năm trôi qua vẫn phải chịu vết nhơ tham tiền, vì cát-xê cao mà bỏ quên chất lượng sản phẩm, làm hại khán giả.

Hinh phat
Một số nghệ sĩ bị điều tra, hầu tòa vì quảng cáo sản phẩm chứa chất cấm.

Vụ việc của Cảnh Điềm và nhiều ngôi sao cho thấy hệ lụy nặng nề từ việc đánh mất giá trị của người nổi tiếng chỉ vì nhận quảng cáo sản phẩm tràn lan, kém chất lượng.

Ông Vũ Tịnh Văn – một nhà xã hội học nổi tiếng nhận định quảng cáo như “con dao hai lưỡi”. Nó vừa giúp tăng kinh tế, danh tiếng cho nghệ sĩ nhưng cũng có thể hủy hoại hình ảnh của họ nếu không thực sự tỉnh táo.

“Hiện tượng nghệ sĩ quảng cáo kém chất lượng, lợi dụng lòng tin khán giả khiến vụ việc trở nên đáng báo động. Nếu cứ bất chấp làm bằng mọi cách, họ sẽ phải trả giá bằng chính danh dự, giá trị bản thân và nhất là vướng vòng lao lý”, ông Văn cho biết.

Tại các nước châu Á khác như: Hàn Quốc, Nhật Bản, quy định về hợp đồng quảng cáo có phần khắt khe hơn do các nghệ sĩ đều hoạt động dưới sự quản lý trực tiếp của công ty giải trí.

Do bị quản lý chặt chẽ, nghệ sĩ cũng khó tự ý nhận PR sản phẩm đại trà, nhất là những sản phẩm chưa ký hợp đồng quảng cáo với công ty quản lý. Mọi hình ảnh, bài viết đều chịu sự kiểm duyệt gắt gao từ ê-kíp theo đúng quy trình cùng các giấy tờ, xuất xứ, kiểm định từ cơ quan chức năng, cho đến giá trị thương mại…

Hinh phat

 

Hinh phat

Han Ye Seul, Kang Min Kyung vướng làn sóng chỉ trích chỉ vì quảng cáo sản phẩm trá hình trên YouTube.

Một số ít trường hợp như nghệ sĩ Han Ye Seul bị chỉ trích khi quảng cáo sản phẩm trá hình qua kênh YouTube. Ca sĩ Kang Min Kyung của nhóm nhạc Davichi cũng vướng vào lỗi tương tự khi giới thiệu loạt trang phục quần áo, đồ dùng dành cho phái nữ... qua các vlog trên kênh cá nhân không kiểm chứng chất lượng. Kết quả, họ phải “cúi đầu xin lỗi” trước áp lực từ khán giả lẫn truyền thông.

Cần quyết liệt chấn chỉnh nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật

Cuối năm 2021, Tổng cục quản lý nhà nước về Phát thanh, Truyền hình, Điện ảnh Trung Quốc ban hành loạt quy định mới đối với nghệ sĩ có các hoạt động quảng cáo, làm gương mặt đại diện nhãn hàng.

Luật quảng cáo của Trung Quốc mới chỉ rõ đối với các hành vi sai trái, người đại diện quảng cáo bị xử phạt hành chính, đồng thời không được nhận quảng cáo trong vòng 3 năm. Đây được xem là đòn giáng mạnh từ giới chức nước này vào nghệ sĩ khi những bê bối liên quan đến sự việc gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và cả niềm tin người tiêu dùng.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án tối cao Trung Quốc cũng áp mức xử phạt nặng các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo cho các loại dược phẩm giả và kém chất lượng.

Ông Hùng Tuyển Quốc, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc nhận định việc quảng cáo của giới văn nghệ sĩ vô hình chung đã tiếp tay hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhãn hàng kém chất lượng tăng cao doanh số, làm nguy hại người tiêu dùng. Hành vi này có thể bị quy vào tội “gây nguy hiểm đến sức khỏe của con người”. Bên cạnh đó Trung Quốc cũng kêu gọi người dân tố giác nếu phát hiện giới văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo dược phẩm trái phép.

Hinh phat
Nhóm nhạc nổi tiếng BTS chỉ được quảng cáo sản phẩm khi có sự kiểm duyệt, cho phép của công ty quản lý. Họ phải chú thích rõ "hàng quảng cáo" khi đăng bài viết trên MXH.

Chính phủ Hàn Quốc cũng áp dụng chính sách quyết liệt với các nghệ sĩ trong lĩnh vực quảng cáo. Cơ quan quản lý cấm các hoạt động quảng cáo trá hình trên mạng xã hội. Các nghệ sĩ xứ Hàn cũng không được phép nhắc tới tên thương hiệu trên sóng truyền hình, ngay cả những sản phẩm do họ làm người mẫu quảng cáo. Mốc xử phạt cao nhất nếu bị vi phạm là 500 triệu Won (8,7 tỷ đồng) tùy vào từng trường hợp.

Cơ quan quản lý thị trường Nhật Bản cũng đề nghị nghệ sĩ khi quảng cáo phải có trách nhiệm cao, cung cấp thông tin khách quan, loại bỏ những thông tin sai lệch. Những cụm từ như: “tốt nhất”, “hiệu quả nhất”, “thần dược”,… đều không được phép sử dụng trong các đoạn quảng cáo.

Từ sự việc của các ngôi sao châu Á, khán giả cũng liên hệ lại thực tế đang diễn ra tại Việt Nam. Năm 2021, một loạt nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, nói quá công dụng bị công chúng lẫn truyền thông gọi tên. Chỉ đến khi vụ việc được các cơ quan quản lý vào cuộc, vài người trong số đó mới có động thái lên tiếng.

Hinh phat
Một số nghệ sĩ Việt từng bị phản đối vì đăng tải bài viết nội dung quảng cáo tiền ảo.

Điều đáng nói, trong khi các nghệ sĩ nước ngoài chịu những hình phạt nặng, thậm chí mất cả sự nghiệp, thì tại Việt Nam, quy định hay chế tài xử phạt cho những sai phạm trong việc quảng cáo vẫn chưa đủ nghiêm và mạnh. Nghệ sĩ cứ theo đà làm sai rồi xin lỗi hoặc im lặng cho qua chuyện.

Nhiều khán giả cho rằng tình trạng nghệ sĩ quảng cáo tràn lan, thậm chí bán hàng giả, hàng nhái đang là vấn nạn nhức nhối trong showbiz Việt. Họ mong cơ quan quản lý cần biện pháp quyết liệt hơn để chấm dứt tình trạng này, góp phần làm sạch nền giải trí nước nhà như các nền showbiz Hoa ngữ và Hàn Quốc.

Theo Tuấn Chiêu/ Vietnamnet