Lê Minh Khuê có một đôi mắt rất đẹp: to, sáng và… đa tình. Ai bắt gặp cái nhìn của đôi mắt này khó mà quay đi. Với nước da ngăm ngăm, gương mặt bầu bĩnh, đôi mắt đẹp và một lúm đồng tiền nhỏ nơi khóe miệng, Lê Minh Khuê có một vẻ duyên dáng, mặn mà đặc biệt. Sau này, khi viết truyện, những lúc mô tả vẻ duyên dáng của các cô gái, tôi thường gán cho họ cái lúm đồng tiền kín đáo nơi khóe miệng là vì nhớ đến Khuê.
Hồi đó Khuê đang sống tại khu tập thể của báo ở Hồ Xuân Hương, cùng với một nữ họa sĩ cũng còn trẻ, Đoàn Thanh. Sau này Khuê dời đến một khu tập thể khác ở Hàng Trống. Những khu nhà tập thể này có một dấu ấn đặc biệt trong cuộc sống cũng như trong tác phẩm của Khuê.
Thỉnh thoảng tôi ghé qua chỗ Khuê, mời Khuê một buổi xem phim (hồi đó, những bộ phim đặc sắc chỉ được chiếu trong phạm vi hẹp) hay trò chuyện về công việc viết lách và những chuyện linh tinh liên quan đến nghề nghiệp. Tôi có cảm giác mình và cô gái này có mối giao cảm đặc biệt.
|
Tranh: Nguyễn Văn Hổ. |
Sau Khuê về Nhà xuất bản Tác phẩm mới, cùng làm việc với tôi, Xuân Quỳnh trong thời gian dài. Lê Minh Khuê ít nói, hay nhường nhịn hai bà chị. Hai bà chị có lúc nào tức bực điều gì hay giận dỗi nhau, Khuê là người khuyên giải. Lại cũng hay nhường nhịn những người khác. Hồi đó, mọi thứ vật dụng hàng ngày, từ cây kim sợi chỉ đến đôi dép nhựa, chiếc may ô đều được phân phối. Người nhiều, hàng ít, thế là xảy ra cảnh chen chúc, tranh giành, hơn thua. Khuê tránh xa những việc kiểu như vậy. Cười cười nhìn mọi người rồi dắt xe ra về. Thật nhẹ nhàng.
Nhưng điều tôi quý nhất ở Khuê là sự chung thủy với bè bạn. Khuê biết yêu mến, tôn trọng và gìn giữ tình bạn. Bạn có thể kể cho Khuê những điều bí mật của mình và biết chắc rằng mọi việc sẽ được Khuê giữ kín, không bao giờ hé lộ với người khác. Vì đức tính này mà mọi người thường tìm Khuê để trò chuyện, để gửi gắm, để nhờ vả. Khuê phải ôm giữ không biết bao nhiêu là bí mật của bạn bè.
Đâu năm 1988, chúng tôi cùng một đoàn nhà văn sang dự khóa học ngắn ngày tại học viện M. Gorki. Sống cùng một phòng trong 3 tháng. Cùng ăn, cùng đến lớp, cùng hưởng những ngày tuyết phủ trắng thành phố Mát-xcơ-va, cùng ngắm nhìn mùa xuân, những vạt hoa vàng trên sườn đồi, những cành lá non mềm mại, tuơi mới, những khóm hoa tuy líp bên đường… Được đắm chìm trong những bài giảng sâu sắc, đầy hấp lực… Rồi chạy đến tức thở trên đường phố để kịp có những bông hồng tặng thầy trong buổi chia tay. Những bức ảnh ngày ấy vẫn còn lưu dấu vẻ ưu sầu-rạng rỡ trên khuôn mặt mỗi chúng tôi.
Rồi một ngày mùa đông bất chợt rủ nhau lên tàu chợ đi Hải Phòng. Gặp Tường Vân, Nguyễn Quang Thân, Thọ Vân, Thanh Tùng, Thi Hoàng, Đào Cảng, Nguyễn Tùng Linh, trò chuyện lan man, rồi lại lên tàu, chen chúc giữa mọi người, trở về, nhìn Hà Nội khác đi một chút, căn nhà khác đi một chút, để vui. Cũng nhiều khi, sau những ngày xa, mọi điều vẫn vậy, lại buồn.
Rồi những ngày lang thang cùng Hồ Anh Thái, Wayner Karlin trên Đà Lạt se lạnh, nhiều hoa và thông, những ngày mùa thu tôi trở ra Hà Nội, hai chị em đi bộ qua bao nhiêu con phố, chẳng nói với nhau điều gì thật rõ ràng mà lòng lại xao xác, phấp phỏng như có điều chi hệ trọng đã xảy ra, rồi những bức thư gửi vào Sài Gòn: “Mọi thứ ở Hà Nội nó cứ cũ đi trước mắt, cảm thấy mình cũng cứ cũ đi mà nói đến thay đổi thì ngại… Nhưng em cũng ngại lên máy bay, ngại trở lại những chỗ mình biết… Em lo sợ mình trở nên nhàm chán trước mắt người khác, và người khác cũng nhàm trước mắt mình… Cũng buồn thật chị ạ. Chả cái gì được như ý mình. May mà mình đã chớp lấy thời gian, có đôi chút niềm vui để mà dùng trong quãng ngắn…”. Tôi yêu mến và gần Khuê nhất khi Khuê rơi vào trạng thái chân không này, khi “Em không đói. Từ nay em có thể nhịn hàng tháng” như lời một nhân vật của Khuê trong Cơn mưa cuối mùa.
|
Nhà văn Lê Minh Khuê thời trẻ. |
Tôi gặp Lê Minh Khuê đúng vào những ngày các truyện ngắn đầu tay của chị như Những ngôi sao xa xôi, Anh kỹ sư dạo trước, Chuyện nhỏ hồi chiến tranh xuất hiện và ngay lập tức được giới cầm bút và bạn đọc quan tâm. Khuê viết khỏe. Các truyện ngắn tiếp sau như Bầu trời trong xanh, Một ngày đi trên đường… rồi các tập truyện ngắn liên tục được xuất bản. Phải nói thêm rằng, thành công ngay từ những sáng tác đầu tay là điều hiếm nhưng giữ được một vị thế trong làng văn cho đến mấy chục năm sau là điều vô cùng hiếm.
Đọc văn rồi gặp người, tôi có chút ngạc nhiên vì người còn trẻ quá. Hình như vì cái sự “quá trẻ” này mà dạo đó có người ngờ rằng các truyện ngắn “già tay” ấy là của một ai khác. Thời gian này, các tác phẩm văn chương viết về chiến tranh rất nhiều. Xuất hiện trong một bối cảnh như vậy, một cây bút trẻ, xa lạ như Lê Minh Khuê thực sự là điều khó khăn. Cô gái thanh niên xung phong tuổi mười tám, đôi mươi không hề biết đến những khó khăn, thách thức ấy. Cô hồn nhiên bước tới. Và cô được thừa nhận, ngay lập tức. Vì sao ư. Vì tác giả là một thiếu nữ. Vì tác giả còn trẻ. Vì tác giả là người trong cuộc, những trang viết của chị hầm hập hơi thở của cuộc chiến tranh. Tất cả những điều đó đều đúng, nhưng tôi nghĩ, điều chính yếu làm nên giá trị văn chương của Lê Minh Khuê là văn phong của chị. Thường thì, những người viết trẻ khó thoát khỏi sự ảnh hưởng, sự bắt chước một ai đó hoặc bị hòa lẫn trong giọng điệu chung của những người cùng thời. Lê Minh Khuê không rơi vào điều này. Ngay từ đầu, chị đã có cho mình một giọng văn riêng biệt. Một cách viết khác biệt.
Những câu văn ngắn, có câu chỉ gồm hai, ba từ, thậm chí có câu chỉ một từ, sắc gọn, rắn rỏi như một nhát cắt, một tiếng nổ, tạo nên bầu khí căng thẳng, quyết liệt, gấp gáp đầy ám ảnh của cuộc chiến. Xin đọc vài trích đoạn trong truyện ngắn của chị.
“…Cao điểm bây giờ thật vắng… Tôi dùng xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom. Đất rắn. Những hòn sỏi theo tay tôi bay ra hai bên. Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt… Không có gió. Tim tôi cũng đập không rõ. Quen rồi. Một ngày chúng tôi phá bom đến 5 lần. Tôi có nghĩ đến cái chết. Nhưng là một cái chết mờ nhạt, không cụ thể… Tôi rửa cho Nho bằng nước đun sôi trên bếp than. Bông băng trắng… Tôi tiêm cho Nho. Nho lim dim mắt, dễ chịu, có lẽ không đau lắm… Nói chung, trên cao điểm này, chúng tôi không ưa nước mắt...”. Người đọc bị chinh phục, bị lôi cuốn, bị “chìm” vào cuộc đối đầu khắc nghiệt giữa những cô gái và bom đạn, và cái chết.
Trên cái nền chiến tranh, hủy diệt ấy, các nhân vật của Lê Minh Khuê hiện lên với một vẻ đẹp kỳ diệu. Họ không ngần ngại khi khẳng định: “Cao điểm của chúng tôi, nơi ra đời những ước mơ và khao khát”… Trong những giây phút yên tĩnh hiếm hoi giữa hai trận bom, họ cặm cụi chép bài hát, họ thêu những cành hoa lên chiếc gối nhỏ, họ “mê hát. Thường cứ thuộc một điệu nhạc nào đó rồi bịa lời ra mà hát. Lời tôi bịa lộn xộn và ngớ ngẩn”. Và, họ mơ mộng. Những câu văn đã được kéo dài ra, mềm mại, hư ảo.
Tôi gọi đây là thời kỳ của Những ngôi sao xa xôi, theo tên gọi một truyện ngắn tiêu biểu của Lê Minh Khuê giai đoạn đầu tiên- giai đoạn mà nhà văn Tạ Duy Anh cho rằng nó “là tất cả những gì trong trẻo, dịu dàng, vô nhiễm”.
Có lẽ, Bi kịch nhỏ là tập truyện đánh dấu cho bước chuyển của Lê Minh Khuê. Những tập truyện tiếp theo như Trong làn gió heo may, Một mình qua đường, Màu xanh man trá, Nhiệt đới gió mùa ngày càng chứng minh cho bước chuyển này, khiến những ai từng yêu mến những ngôi sao xa xôi phần nào ngỡ ngàng trước một Lê Minh Khuê khác. Nhà phê bình Lê Hồ Quang cho rằng đây là thời kỳ mà: “Cảm hứng sử thi dần được thay thế bằng cảm hứng nhân sinh, thế sự” trong các sáng tác của Lê Minh Khuê. Nhà phê bình nhận xét tác giả đã “tập trung khai thác sự tối tăm hèn nhược của con người trong một bối cảnh xã hội cụ thể cùng với khả năng rút tỉa những chi tiết cốt lõi của đời sống nhằm nhận chân tinh thần của một thời kỳ lịch sử đầy những hoang mang xáo trộn đã tạo nên một không khí “đương đại” rất rõ trong các tác phẩm của Lê Minh Khuê”. (Cảm hứng thế sự trong truyện ngắn Lê Minh Khuê-Nghệ thuật mới, 9/2012). Sự thay đổi này cũng được nhà văn Tạ Duy Anh thực sự quan tâm: “Nhưng hóa ra còn một Lê Minh Khuê khác, Lê Minh Khuê của những hiện thực không thể tàn khốc và trần trụi hơn được nữa…”. (Bà chị Lê Minh Khuê-Nghệ thuật mới, 4/ 2012).
Chừng như cảm nhận được sự “hoang mang” của một số độc giả khi đọc mình ở giai đoạn sau, trong một bài viết ngắn (Hôm qua hôm nay - Nghệ thuật mới, 9/ 2012) Lê Minh Khuê đã nói về không khí sống và sự thay đổi của con người trước và sau chiến tranh: “Trở về Hà Nội thì không tìm đâu ra không khí bình an. Tất cả như tổ kiến bị dội nước rồi. Đời sống tiền bạc đã đánh thức bản năng, đã khơi dậy dục vọng. Không thể viết lãng mạn nữa! Điều đó là có thật là không thể tránh. Tất cả các nhân vật giản đơn của chiến tranh đã bị tiền bạc xóc dậy đặt đúng cái chỗ mà họ vốn phải như vậy. Tôi đã từng viết Những ngôi sao xa xôi. Và giờ tôi đã viết Đồng đô la vĩ đại, Những kẻ chờ sung- những câu chuyện đầy chết chóc và bạo lực... Tôi phải sống với nó. Phải viết về nó”.
Rõ ràng, đây là một sự thay đổi đầy ý thức. Lê Minh Khuê đã thay đổi vì cuộc sống đã thay đổi, hiện thực đã thay đổi. Không phải chị “có khả năng phân thân rất giỏi” giữa lãng mạn và hiện thực như nhà văn Tạ Duy Anh từng nghĩ. Chị đã thay đổi. Và, đây là giai đoạn chín muồi của cây bút Lê Minh Khuê. Chị đã “không ngần ngại “ thọc tay” vào những góc cạnh dữ dằn, gai góc của đời sống, kêu gọi sự tỉnh táo nhận thức, nhìn thẳng vào sự thật, bóc trần ảo tưởng…” (Lê Hồ Quang, bài đã dẫn). Đây chính là giai đoạn tạo nên sự vững vàng của một giá trị mang tên Lê Minh Khuê.
Tôi vẫn tiếp tục đọc Lê Minh Khuê và thán phục cây bút giàu nội lực này. Nhưng tôi yêu thời của Những ngôi sao xa xôi. Vì sao ư. Vì những kỷ niệm của một thời, vì cái tạng của tôi, vì những thanh niên xung phong, những người lính trẻ… vẫn nguyên vẹn một vẻ đẹp, riêng biệt, không hòa lẫn, không lu mờ, vì những gì ta từng yêu, sẽ mãi mãi còn lại.
Trong một bài trả lời phỏng vấn, khi phóng viên hỏi về những thành tựu chị đã đạt được, Lê Minh Khuê đáp, đại ý: Tôi cũng không biết sao tôi lại làm được thế. Tôi tin đây là một lời nói thành thực. Có lần, khi đến thăm Khuê tại khu tập thể ở phố Hàng Trống, tôi nhìn thấy Khuê tay cầm một tệp giấy, một cây bút, đang sà vào chơi đùa với lũ trẻ trong khoảnh sân hẹp. Hình ảnh này còn lại cho đến hôm nay, nó khiến tôi nghĩ đến cách làm việc của Khuê, không thật chăm bẵm, không thật cố đạt đến một điều gì. Cứ từ tốn, nhẩn nha, viết khi thấy muốn viết, chỉ viết những gì thực sự cảm thấy bị thúc bách.
Những giải thưởng, những bản dịch ra tiếng nước ngoài, những khen tặng, những vinh danh…nằm ngoài “tầm ngắm” của chị.
Và, đó là một trong những nguyên do để tôi yêu mến chị.
Theo Ý Nhi/Tiền Phong