Ngày 24/3, Sina đưa tin bộ phim Trung Quốc Công Tử Độc Sủng Vợ Thợ Ngói gây bức xúc cho người xem vì sử dụng kỹ xảo nghèo nàn. Cụ thể, nhân vật trong phim có phân đoạn dùng thuật ẩn thân, nhưng thay vì sử dụng công nghệ đồ họa chỉn chu, đoàn làm phim bôi sáng nam diễn viên và để chú thích: "Hy vọng khán giả tự tưởng tượng nghệ sĩ đang tàng hình". Nguyên nhân được đoàn phim đưa ra là thiếu kinh phí.
Sina đánh giá tư duy làm kỹ xảo của nhà sản xuất phim truyền hình ngày càng kém, ít thay đổi suốt 10 năm qua. Trong ảnh là cảnh được xử lý kỹ xảo thô sơ trong hai bộ phim Truyền Tích Thần Kỳ (2007) và Hàng Long Phục Hổ Tiểu Tế Công (2017). Khán giả Trung Quốc nhiều lần phải phản ứng: "Thà không có còn hơn, chứ đừng xử lý hiệu ứng hình ảnh nửa mùa như hiện nay".
Theo Sina, kỹ xảo kém là một vấn nạn của phim truyền hình. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, phim còn xuất hiện các hiệu ứng khó hiểu để thể hiện tâm lý nhân vật. "Là diễn viên phải diễn tả được trạng thái nhân vật, nhưng hiện tại, nhà sản xuất sử dụng hiệu ứng để làm thay và khiến bộ phim giống như video được làm nghiệp dư", một khán giả bức xúc khi xem phim Nhiệt Huyết Thần Thám.
Khán giả cho rằng chất lượng phim truyền hình Trung Quốc ngày càng đi xuống. Trang 163 đánh giá những dự án này không đọng lại điều gì ngoài chữ "giả". "Hiện tại, phim nào nhìn cũng giả, kỹ xảo giả, diễn viên lười đọc thoại, chỉ nhấp môi sau đó sẽ có người lồng tiếng thay, các cảnh võ thuật cũng được diễn viên đóng thế thể hiện giúp", trang 163 viết.
Ở phim Trường Ca Hành do Địch Lệ Nhiệt Ba đóng chính, những cảnh hành động gay cấn, cảnh toàn thành bị cháy hay cảnh đại chiến đều được thay bằng hình vẽ. Với phim Cực quang chi luyến của Quan Hiểu Đồng, đoàn phim ghép phông nền quá giả. Lý giải kỹ xảo yếu kém trong phim truyền hình tại Trung Quốc, Sina chỉ ra một vài nguyên nhân.
Theo Sina, yếu tố đầu tiên phải kể đến việc đoàn phim thiếu kinh phí. Tài chính eo hẹp, trong khi chi phí cho việc chỉnh sửa hình ảnh quá cao khiến nhiều ê-kíp chọn cách làm qua loa.
Ngoài ra, kỹ thuật, công nghệ hạn chế cũng khiến các nhà làm phim Hoa ngữ không thể hiện thực hóa ý tưởng.
Cảnh quay trong phim Nhân duyên đại nhân xin dừng bước sử dụng kỹ xảo không mượt mà, đạo cụ giả. Nam diễn viên chỉ đứng ở dưới, tay di chuyển là những viên ngói đã tự động bay lên nằm đúng vị trí.
Khán giả nhận thấy rõ các viên ngói là sản phẩm kỹ xảo đồ họa và bàn tay của nam diễn viên không thể chạm vào đạo cụ. Trong dự án cổ trang khác, nhà sản xuất còn thiết kế cả nhân vật hoạt hình.
Không chỉ trong các phim cổ trang, phim hiện đại cũng xuất hiện những cảnh quay có phần kỹ xảo phi thực tế. Trong phim do Hoàng Cảnh Du và Lý Thấm đóng chính, để miêu tả hương thơm của chiếc bánh bao, nhà sản xuất đã sử dụng hiệu ứng giả khiến người xem chỉ biết lắc đầu.
Ở Yêu Em Từ Dạ Dày của Triệu Lộ Tư, nhân vật nam còn thổi ra được bong bóng do uống nhầm nước rửa chén. Những chi tiết này làm giảm chất lượng tác phẩm, gây phản cảm với người xem.
Theo Đồ Nam/Zing