|
MC Lê Anh hướng tới những chương trình truyền hình có tính xã luận. Ảnh: N.M.Hà. |
Là người dẫn, Lê Anh nghĩ sao về tính sáng tạo trong format Người Giấu Mặt?
Format này không phải kiểu sáng tạo cho chương trình hấp dẫn lên mà lại theo hướng tối giản. Mục tiêu là nhận chân giá trị nội dung mà chương trình khai thác. Đó là những câu chuyện, cảnh đời quá đặc biệt trong đời sống hàng ngày. Sáng tạo chính là việc để cho nhân vật không xuất hiện chính xác hơn là xuất hiện trong bóng tối.
Phát thanh có lợi thế hơn truyền hình ở chỗ khai thác được những đề tài như thế này. Từ lâu đã có Cửa sổ tình yêu hấp dẫn vì có yếu tố không nhìn thấy mặt nhau. Trong trạng thái đó chia sẻ rất dễ dàng. Truyền hình hạn chế vì chúng ta bị lộ diện. Trong chương trình này, nhân vật hạn chế lộ diện nhưng khán giả sẽ thấy sống động hơn phát thanh vì những bờ vai rung lên nghẹn ngào; những bàn tay gầy guộc vò xé vào nhau hay những nếp nhăn trên khuôn mặt hằn lên trong ánh sáng lờ mờ, tạo cho khán giả một cách nhìn khác. Tối giản việc chiều chuộng ánh mắt nhưng lại gia tăng các giác quan khác.
Câu chuyện hoặc nhân vật nào của chương trình đem lại cho anh cảm xúc mạnh nhất?
Không ít đâu, nhưng tôi xin phép không kể lại vì mình là người ngoài bày tỏ sự thương cảm bao giờ cũng dễ. Cái tôi muốn chia sẻ là cảm giác bất lực khi muốn người đó nói ra mà họ không nói. Đó là những lần ghi hình không bao giờ lên sóng vì khách mời sau khi ngồi với tôi cả tiếng lại quyết định không công bố chuyện của họ nữa. Tôi bất lực, chị ấy chỉ cố một chút nữa thì bao nhiêu người học được từ chị ấy, và chính chị cũng sẽ có giải pháp trong tương lai.
Hay có những bạn nhỏ hơn luôn ở trong tình trạng hỗn loạn về tâm lý thì rất không may khi đến với chương trình bạn ấy bị gia tăng cảm xúc và mình trấn an đến mấy cũng không được. Và có những nhân vật yếu thế thật sự về mặt tâm lý, thể xác và hành vi tại chỗ. Họ có những người bảo trợ thường thuộc một tổ chức phi chính phủ đi cùng. Những người bảo trợ lại có tiêu chí khác chúng tôi, không khuyến khích khơi gợi quá khứ, không căn vặn, không bắt nạn nhân kể lại những gì đã trải qua... Vì thế dù rất khó khăn tôi cũng phải gợi hoặc đi thẳng vào vấn đề. Thì nhân vật sẽ tức tưởi, đơn giản họ đang bộc lộ cảm xúc. Họ chưa tỏ ý muốn tiếp tục hay không thì người bảo trợ đã đứng lên đập bàn yêu cầu chương trình không được ghi hình tiếp. Chúng tôi không thể đàm phán được với bên bảo trợ vì họ cho rằng cách tiếp cận như thế sẽ gây tổn thương cho nhân vật của họ. Trong khi tôi thấy chính cách họ trầm trọng hóa vấn đề càng làm cho nhân vật sợ hãi, mất niềm tin hơn.
Khi nhân vật khủng hoảng lâm thời với sự khuyên nhủ của người bảo trợ đương nhiên sẽ quyết định dừng lại và chúng tôi không thể ép được. Và tôi thấy rất phí. Có lẽ phải có sự truyền thông thế nào để những đơn vị bắt tay với chương trình hiểu báo chí hơn. Nhiều khi họ chính là người đưa nhân vật đến cho chúng tôi với mong muốn góp phần tố cáo, lên án… Nhưng làm sao chúng tôi có thể tố cáo một sự việc khi không biết nó diễn ra như thế nào.
Anh đang là Phó chủ nhiệm bộ môn Quản trị Sự kiện của trường ĐH KHXH&NV, mặt khác rất tâm huyết với talkshow. Vậy với Lê Anh, mơ ước có một chương trình truyền hình riêng có lớn bằng mơ ước thăng tiến chức vụ?
Nếu Lê Anh theo con đường chính trị phấn đấu từ thời tuổi trẻ thì rất thuận lợi. Nếu muốn làm chuyên môn thuần túy thì tôi làm tiến sĩ lâu lắm rồi. Bây giờ theo con đường học hành không ngừng thì 30 tuổi đã tiến sĩ, chứ chả chờ đến 40 tuổi mới lóp ngóp bảo vệ. Nhưng cái giấc mơ làm chủ một show truyền hình có tính xã luận cao thực sự càng ngày càng rõ hơn. Xu hướng bây giờ chuyên môn hóa rồi. MC càng đa-di-năng càng chết, chuyên sâu, có màu sắc riêng sẽ sống lâu với khán giả.
PV