"Nghỉ hưu nhưng nghệ thuật thì không nghỉ đâu"
- Nhắc tới Ngọc Tuyết, khán giả nhớ đến hàng loạt vai diễn một thời với nét tính cách chanh chua, ghê gớm, mưu mẹo trong: Người thổi tù và hàng tổng, Lập nghiệp, Người đất cảng, Gặp nhau cuối tuần... Khán giả rất tò mò tuổi hưu của nữ nghệ sĩ thế nào?
Tuổi hưu của tôi vẫn sôi động như bình thường. Một ngày của tôi bắt đầu từ năm giờ sáng, đi chợ rồi ra công viên thư giãn, sau đó về nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Lợi thế lớn của tôi là nhà ngay cạnh công viên Thống Nhất (Hà Nội) nên tôi thường ra đây dạo bộ, thể dục, uống trà. Khi không làm gì tôi cũng ra công viên vì chỉ nhìn cây cối, hít thở không khí trong lành, giao lưu với mọi người là về nhà thấy khỏe ra, làm việc hiệu quả.
Thời gian còn lại, tôi dành cho niềm đam mê viết tiểu phẩm hài, làm thơ, vẽ tranh, ca hát, may vá. Mấy bộ trang phục tôi thường mặc hay túi xách đều do tôi tự thiết kế để không "đụng hàng", ngoài ra còn thêu thùa điểm thêm vào những bông hoa đủ màu sắc để tươi trẻ.
- Hình như ở tuổi hưu, bà gần như "rút lui" khỏi nghệ thuật, vắng bóng hẳn truyền hình?
Tôi không phải nghỉ hẳn mà thực tế đến giờ nếu có nhân vật phù hợp lứa tuổi, phù hợp tính cách thì tôi vẫn tham gia. Tôi vẫn làm những tiểu phẩm ngắn vui, hoặc đơn vị nào mời tôi vẫn đi biểu diễn đấy chứ.
Sau khi về hưu, tôi tổ chức một đoàn ca nhạc và hài kịch biểu diễn ở khắp mọi miền đất nước. Phần hài kịch do chính tôi đảm nhiệm, vừa sáng tác vừa biểu diễn. Tôi có một thói quen là khi cảm xúc dâng trào lại ngẫu hứng viết vài dòng hoặc làm một bài thơ lưu lại. Sau đó tôi sẽ chọn những bài thơ tâm đắc, vai diễn để đời trong sự nghiệp, bức ảnh ấn tượng và một số bài báo viết về mình... in thành cuốn sách Ngọc Tuyết cười và một thời để nhớ như món quà nhỏ tặng chính mình.
Trong đó cũng có không ít những vần thơ nhẹ nhàng, dí dỏm có tính giáo dục con cháu và cũng là tự nhắc nhở bản thân: "Sống thanh thản không vay không mượn/ Còn ai nợ không trả cũng cho",...
|
Nghệ sĩ Ngọc Tuyết chia sẻ những bức ảnh kỷ niệm được treo tại nhà riêng. Ảnh: Ngọc Mai |
- Thực tế là hiện nay nhiều nghệ sĩ lớn tuổi vẫn đam mê với nghề, vẫn "chăm chỉ" lên truyền hình, vai nào cũng nhận, miễn là được đến gần khán giả. Nghệ sĩ Ngọc Tuyết "bớt" đam mê với nghệ thuật rồi sao?
Tôi có một hạnh phúc là được làm nghề yêu thích. Nói đến đam mê nghệ thuật thì không ai bằng vì tôi tham gia cả ca nhạc, kịch và phim. Nhưng bây giờ cũng có tuổi rồi, không phải cái gì cũng vơ vào, mình còn giữ sức khỏe nữa chứ.
Nhiều người hay đùa là như vậy chắc là Ngọc Tuyết nghỉ hưu hẳn rồi đấy. Nhưng thú thật, nghỉ hưu thì tôi nghỉ lâu rồi nhưng nghệ thuật thì không nghỉ đâu. Truyền hình có vai diễn nào hợp đạo diễn mời thì vẫn nhận, còn đơn vị nào mời biểu diễn thì vẫn đi. Nói chung tôi ở cái dạng thanh thản "đắt lo ế mừng". Nghĩa là được mời thì vui vì được gặp các con cháu và được làm nghệ thuật, còn ở nhà thì ra công viên vui chơi, thể dục với bạn bè.
Hạnh phúc của tôi không chỉ là được làm nghề mà đi tới đâu cũng được yêu thương. Có những nơi mình mới đến lần đầu đã được khán giả nhận ra, quý mến. Đấy là điều hạnh phúc to lớn nhất mà không tiền nào mua được.
Tuổi xế chiều: Quên tuổi tác, quên bệnh tật, quên mọi sự bất công
- Nhận được yêu mến của khán giả nhưng bà có từng cảm thấy tiếc nuối khi nghỉ hưu mà vẫn chưa có danh hiệu nhà nước?
Thật ra chúng tôi ở thời điểm chống Mỹ không tổ chức hội diễn. Nếu có thì cũng rất ít. Nếu may mắn hơn sẽ được huy chương và sẽ là căn cứ xét phong tặng. Nhưng có những người cả một đời làm nghệ thuật, kể cả một số nghệ sĩ bên quân đội chỉ đi diễn cho nông dân, công nhân, bộ đội, mâm pháo hay đơn vị, chiến trường, nhà máy, xí nghiệp,… làm gì có hội diễn nào để giành huy chương? Vì thế cho nên, không có hội diễn thì không có huy chương và không có danh hiệu - dù có tài năng.
Cho nên lâu nay, ngẫm về vấn đề danh hiệu tôi đã viết bài thơ "Chẳng sao": Danh hiệu chỉ gắn cho huy chương/ Tài năng đến mấy vẫn là thường/ Những người khán giả mến mộ thật/ Mới là nghệ sĩ của nhân dân/ Chẳng sao…/Không có danh hiệu vẫn tự hào. Bởi theo quan niệm của tôi danh hiệu có cũng tốt, không có cũng chẳng sao miễn làm sao mình có trong lòng khán giả và khán giả yêu mến là được rồi.
Tôi kể một câu chuyện cách đây hơn 20 năm, tôi tổ chức 1 đoàn hài kịch và ca nhạc đi biểu diễn khắp miền đất nước, khán giả đã gọi tôi là nghệ sĩ nhân dân rồi. Vì thấy tôi vừa là trưởng đoàn, vừa là đạo diễn, vừa viết kịch bản, vừa biểu diễn hài kịch là tiết mục chủ chốt của chương trình. Và đi cùng với tôi còn có các ca sĩ, nghệ sĩ như NSND Lê Dung, NSƯT Thúy Hà, NSƯT Thúy Mị, NSƯT Quang Mạo,… thế thì quan trọng gì điều này nữa đâu? Với tình cảm yêu mến của khán giả tôi thấy mình xứng đáng là nghệ sĩ của nhân dân.
- Rời nghệ thuật, ở tuổi U90, nhiều người sẽ vui vầy bên con cháu, tại sao bà lại chọn sống một mình?
Dù hơn 80 tuổi nhưng tôi tự hào rằng mình vẫn minh mẫn, tinh tường, thích cuộc sống hiện tại: tự do, thanh thản.
Phương châm sống của tôi là "3 quên - 4 có": Quên tuổi tác, quên bệnh tật, quên mọi sự bất công; Có nhà ở, có con cháu ngoan ngoãn hiếu thảo, có lương hưu, có sổ tiết kiệm để "dù có dâu thảo rể hiền, về già vẫn phải có tiền dắt lưng".
Cho nên đến giờ phút này tôi vẫn cho các con các cháu, chưa phải nhờ vả ai. Và tâm nguyện của tôi là: "Sống thanh thản, không vay không mượn/ Còn ai nợ không trả cũng cho/ … Khi làm việc, lúc chơi bời/ Đến đâu cũng được mọi người ngợi khen/ Những kẻ xấu bụng ghét ghen/ Không cần để ý, không quen, không nhìn/ Giàu có mới chỉ nhiều tiền/ Phải giàu tài, đức, nghĩa tình mới sang. Người Hà Nội phải sang cháu ạ! Tôi là người gốc Việt Nam quê hương, Hà Nội phố!".
Cảm ơn chia sẻ của nghệ sĩ Ngọc Tuyết!
Theo An Khánh/Sức khỏe Đời sống