Tài hoa nhưng lặng lẽ, khiêm nhường
Đạo diễn Long Vân qua đời lúc 8h33 ngày 24/12, hưởng thọ 87 tuổi. Tang lễ được tổ chức vào 7h30 ngày 27/12, tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Tại lễ tang, nhiều đồng nghiệp, diễn viên thế hệ trước chia sẻ kỷ niệm với đạo diễn Biệt động Sài Gòn.
Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Văn Tân xúc động: "Người đã ra đi nhưng hội viên, đồng nghiệp và khán giả mãi nhớ một nhà làm phim xuất sắc nhưng cũng thật lặng lẽ, khiêm nhường. Còn lại đó những tác phẩm sống mãi với thời gian", ông Nguyễn Văn Tân bày tỏ.
|
Tang lễ đạo diễn Long Vân được tổ chức sáng 27/12. Ảnh: Gia Linh
|
Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam khẳng định khán giả sẽ nhớ mãi những bộ phim về Sài Gòn đã tạo nên dấu ấn riêng biệt của vị đạo diễn tài năng.
Bộ phim kinh điển Biệt động Sài Gòn của đạo diễn Long Vân không chỉ đưa tên tuổi của những nghệ sĩ như Quang Thái, Thương Tín, Hà Xuyên, Thanh Loan lên đỉnh cao mà còn giúp những biên kịch, nhà làm phim tài năng thêm gắn bó.
|
Đồng nghiệp ở Hãng phim truyện Việt Nam, lớp đạo diễn, diễn viên khóa 1 đưa tiễn đạo diễn Long Vân. Ảnh: Gia Linh
|
Gia đình nhà biên kịch Lê Phương và đạo diễn Long Vân thân thiết sau bộ phim này. Biên kịch Trịnh Thanh Nhã - bà xã của tác giả Lê Phương - đau xót khi mất đi người bạn thân của gia đình.
|
NSƯT Anh Thái chia sẻ nỗi buồn cùng gia đình đạo diễn Long Vân. Ảnh: Gia Linh
|
"Vậy là anh Vân cùng anh Phương lại cùng nhau vui và buồn. Anh đã làm hết những gì muốn làm, cần làm... ", biên kịch Trịnh Thanh Nhã bày tỏ. Bà đến thăm đạo diễn Long Vân trước ngày ông nhập viện chừng một tháng. Khi ấy ông đã yếu.
|
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã và đạo diễn Huy Hoàng ghi sổ tang. Ảnh: Gia Linh
|
|
Bạn bè, đồng nghiệp chia buồn cùng tang quyến. Ảnh: Gia Linh
|
Đạo diễn Huy Hoàng nhớ lại kỷ niệm "vào Nam ra Bắc" làm nhiều bộ phim với đạo diễn Long Vân. Ông chia sẻ với Tiền Phong về quãng thời gian làm phó đạo diễn cho đàn anh. Những ngày tháng đó giúp ông trưởng thành và tích lũy nhiều kinh nghiệm để trở thành đạo diễn sau này.
"Tất cả tâm trí để dành cho tác phẩm"
NSND Thu Hà ấn tượng với đạo diễn Long Vân ở tài chỉ huy, sắp xếp diễn viên cho các đại cảnh.
“Có những đại cảnh lên tới mấy nghìn người. Các vai diễn quần chúng chỉ lên phim trong tích tắc thôi nhưng để chỉ huy được đại cảnh như thế không đơn giản. Thời điểm đó cũng không có loa hay bộ đàm như hiện nay để thông báo, hỗ trợ cho việc chỉ huy. Phải là người vô cùng có tài mới làm được việc đó”, NSND Thu Hà nhớ lại.
Nói về vai diễn Út Vân trong phim Hẹn gặp lại Sài Gòn, NSND Thu Hà cho biết chị mất hai năm để có cái gật đầu từ đạo diễn Long Vân. Bởi ông chọn diễn viên rất kỹ.
“Làm phim lịch sử nên có rất nhiều điều cần cân nhắc về chính trị, tính chất vùng miền… Để tìm được dàn diễn viên chính cho phim này, chú phải vào Nam ra Bắc, đi rất nhiều nơi để tìm kiếm. Tôi cũng mất hai năm chờ đợi vai diễn trong bộ phim này”, NSND Thu Hà kể.
Chị cho biết đạo diễn Long Vân ở phim trường quát mắng, đanh thép nhưng trong cuộc sống trái ngược hoàn toàn. Bên cạnh đó, ca sĩ Kim Cương - vợ đạo diễn Long Vân - luôn là người đồng hành cùng chồng trong mọi bộ phim.
|
NSND Thu Hà xúc động khi từ biệt đạo diễn Long Vân. Ảnh: Gia Linh
|
Trong điếu văn tiễn biệt đạo diễn Long Vân, NSƯT Đặng Tất Bình - nguyên Giám đốc Hãng phim truyện 1 Việt Nam - cho biết sự tài hoa, tình yêu vô bờ bến với điện ảnh và thái độ khiêm tốn học hỏi các đồng nghiệp đàn anh đã giúp đạo diễn Long Vân trở thành tên tuổi gạo cội của nền nghệ thuật nước nhà.
Mỗi khi bạn bè, đồng nghiệp tỏ ra tiếc nuối khi thấy ông đã có quá nhiều cống hiến cho điện ảnh nhưng lại chưa nhận được sự tưởng thưởng tương xứng, đạo diễn Long Vân lại nở nụ cười khoan hòa và nói: "Tất cả tâm trí là để dành cho tác phẩm...".
"Đạo diễn Long Vân đã sống một cuộc đời sôi nổi, ý nghĩa. Ông để lại một nụ cười hiền và ấm áp như chính con người ông. Đạo diễn Long Vân mất đi là tổn thất to lớn không gì bù đắp được đối với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Ngành điện ảnh Việt Nam đã mất đi một đạo diễn tài hoa, suốt đời cống hiến cho sự nghiệp điện ảnh cách mạng", NSƯT Đặng Tất Bình xúc động bày tỏ.
Ông nói lời tiễn biệt bằng tên bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Long Vân - Hẹn gặp lại Sài Gòn.
|
Đạo diễn Tất Bình rưng rưng khi nói lời tiễn biệt với người anh, người đồng nghiệp thân thiết.
|
Đạo diễn Vũ Long Vân sinh năm 1936 tại Ba Đình, Hà Nội. Ông tham gia quân ngũ khi mới chỉ 13 tuổi. Vốn dĩ được đào tạo bài bản ở nước ngoài để trở thành một thầy giáo nhưng rồi chỉ sau đó ít lâu, ông bén duyên với điện ảnh.
Từ vị trí một diễn viên, ông lần lượt thử sức mình trong các cương vị trợ lý đạo diễn, phó đạo diễn để rồi trở thành một đạo diễn điện ảnh tài ba. Ông nhận giải thưởng quốc tế ngay khi cho ra mắt bộ phim đầu tay Tiếng gọi phía trước.
|
Phút đưa tiễn đạo diễn Long Vân về nơi an nghỉ.
|
Tên tuổi của ông gắn liền với nhiều bộ phim nổi đình đám một thời như Nơi gặp của tình yêu, Cho cả ngày mai và nhất là những bộ phim gắn với mảnh đất phương Nam như Biệt động Sài Gòn, Hẹn gặp lại Sài Gòn, Giải phóng Sài Gòn, Những đứa con của biệt động Sài Gòn...
Theo Ngọc Ánh - Gia Linh/ Tiền Phong