Diễn viên cải lương không đủ 1 triệu đồng đóng viện phí
Nghệ sĩ Hoa Mỹ Hạnh sinh năm 1955. Bà bảo mình không có quê, vì ba bà vốn là kép hát, rày đây mai đó, mẹ bà đi theo ông rồi sinh con trong gánh hát. Năm 7 tuổi, bà đã lên sân khấu.
Năm 17 tuổi, sao Việt được vợ chồng Út Bạch Lan - Thành Được mời về hát. Sau đó, bà trải qua đoàn hát của nghệ sĩ Tấn Tài, cha Tấn Beo rồi gia nhập thêm đoàn của Minh Cảnh, Minh Tơ, Minh Phụng...
Bà từng diễn chung với NSND Lệ Thủy, NSƯT Minh Vương trong các vở: Đêm lạnh chùa hoang, Người hùng sơn cước, Mùa thu Bạch Mã...
|
Nghệ sĩ Hoa Mỹ Hạnh chụp ảnh cùng nghệ sĩ Lệ Thủy. |
Trong thập niên 1970, 1980, Hoa Mỹ Hạnh được NSƯT Thanh Nga nhận làm học trò, chỉ dạy thêm cho bà về diễn xuất. Bà còn là đệ tử ruột của ông bầu kiêm nghệ sĩ Hoa Phượng và được ông đặt biệt danh Hoa Mỹ Hạnh.
Sau này, bà lấy một nam diễn viên, sinh con và mở gánh hát. Nhưng chồng theo vợ bé đúng lúc cải lương đi xuống, bà bán nhà trả nợ cho chồng rồi ôm con tìm đường mưu sinh. Sự nghiệp tiêu tan, con trai bị sốt xuất huyết cấp tính viêm màng não, qua đời năm 15 tuổi khiến bà rơi vào hố sâu tuyệt vọng.
Sau khi cải lương lụi tàn, bà buôn bán trái cây dạo, mở tiệm làm tóc. Nhưng làm ăn ngày càng khó khăn, bà quyết định lên Sài Gòn làm móng dạo.
Hồi đầu tháng 3, trong khi chuẩn bị đồ nghề ra đường làm móng dạo thì bà lên cơn đau tim, ngất xỉu ngay trong phòng trọ. Vốn sống một mình, chỉ có em dâu thỉnh thoảng đến thăm, nên hàng xóm thương tình, đưa bà đến bệnh viện quận 8, TP.HCM để cấp cứu.
Phía bệnh viện yêu cầu đóng trước viện phí 1 triệu đồng nhưng trong người nữ diễn viên một thời không còn một đồng bạc. Bà con lại thương xót, gom góp cho bà được 300 nghìn đồng để ứng trước, số còn lại bà hẹn khi xuất viện sẽ tìm cách trả đủ.
Mỗi ngày bà đi làm móng dạo, nhưng vì già và đồ nghề cũ kỹ nên thường bị từ chối. Hiện bà sống trong căn phòng trọ chưa đầy 4 m2 tại quận 7, TP.HCM. Tiền làm móng dạo có được bà mua gạo, thức ăn về để dành ăn qua ngày. Bác sĩ dặn uống thuốc nhưng Hoa Mỹ Hạnh bảo bà còn không có tiền ăn, lấy đâu ra mua thuốc uống.
Tòng Sơn cát sê trăm cây vàng, tuổi già lẻ bóng
Cũng giống như diễn viên Hoa Mỹ Hạnh, phía sau một nghệ sĩ Tòng Sơn nức tiếng khắp Việt Nam nhờ biệt tài vừa thổi harmonica vừa ăn chuối, uống bia là những góc khuất nghiệt ngã trong cuộc đời lão "quái kiệt" này... Từng có thể kiếm được cả trăm cây vàng, nhưng giờ đây quái kiệt một thời phải lo lắng những năm tháng cuối đời.
Nghệ sĩ Tòng Sơn sinh năm 1931, ông nổi tiếng từ trước những năm 1975. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ có phong cách biểu diễn khẩu cầm độc đáo nhất Việt Nam vào năm 2012.
88 tuổi, khi người ta đã an dưỡng tuổi già bên con cháu, thì lão nghệ sĩ ấy vẫn lủi thủi một mình nơi góc bếp nhỏ. Cứ tầm chiều chiều các ngày thứ ba, năm, bảy trong tuần, ông lại xách vali “đồ nghề” đến sân khấu Trống Đồng.
Ở tuổi 21, Tòng Sơn đã làm được điều tưởng chừng như không thế. Người ta gọi ông là “quái kiệt”, ngang tầm với những nghệ sĩ tài danh khác như Trần Văn Trạch, Ba Vân, Bảy Xê...
Tòng Sơn có sở thích sưu tầm kèn harmonica, ông kể: “Gì chứ kèn thì tui không bao giờ đắn đo mỗi khi mua. Lúc đó tiền bạc rủng rỉnh, cứ thấy có kèn loại gì tui cũng tìm mua cho bằng được”. Nhẩm tính sơ tổng số kèn ông có được cũng trên dưới 300 cây.
Không chỉ đổ tiền vào bộ sưu tập kèn, ông còn rất chú trọng đến thời trang, từ sân khấu cho đến đời thường. Mỗi lần xuất hiện trước công chúng là ông ăn vận cực kỳ “model”, theo ông thì đó cũng là cách tôn trọng khán giả. Ông một ngày thay mấy bộ quần áo, mỗi bộ sẽ có một đôi giày riêng.
|
Những năm tháng cuối đời lẻ bóng, đối diện với nghèo khso và bệnh tật của Tòng Sơn. |
Việc ăn uống của ông cũng rất cầu kỳ, hải sản phải ăn đồ tươi vừa được kéo lưới lên, ăn thịt thì phải loại ngon nhất. Tiêu tiền như nước là thế nhưng đầu óc người nghệ sĩ như ông chỉ biết dành cho âm nhạc, cho những giai điệu chứ chẳng bao giờ nghĩ đến việc kinh doanh làm giàu…
"Nếu tui biết tiết kiệm thì đã không phải sống cảnh “nay đây mai đó” như bây giờ. Thời vàng son với nghề, tiền tui kiếm được dư mua nhà to nhà lớn ở đất Sài Gòn này. Nhưng mà lúc đó cứ nghĩ mình còn trẻ, sức lực, tài nghệ và cả khán giả ủng hộ nên tui chẳng tính đến đường lui lúc cuối đời”, ông nói như cái thời quá khứ nó vẫn lảng vảng đâu đây.
Sau hơn 20 năm ly hôn, giờ đây ông phải sống trong cảnh đơn độc nơi góc bếp, không người thân và ôm ấp những kí ức một thời vang bóng. Một Tòng Sơn từng đứng trên đỉnh vinh quang của nghệ thuật, có ai ngờ khi về già lại mang trong lòng nỗi khắc khoải, nỗi sợ “một ngày phải cô đơn nằm chết nơi góc phố nào đó”.
Theo Phương Vũ/GĐVN