Danh ca Thanh Thúy
Danh ca Thanh Thúy sinh năm 1943 tại Huế trong một gia đình có sáu chị em, trong đó có cha là người gốc Bắc, mẹ là người Huế. Bà đi hát từ năm 15 tuổi, nhanh chóng để lại dấu ấn với những ca khúc dòng nhạc bolero như: Nửa đêm ngoài phố; Mưa nửa đêm; Phố buồn... Bà cũng là một ca sĩ được khán giả đặt cho nhiều biệt danh nhất như: Tiếng hát liêu trai; Tiếng hát lúc 0 giờ; Tiếng hát về khuya...
|
Danh ca Thanh Thúy. (Ảnh: TL)
|
Không chỉ sở hữu chất giọng nữ trầm hiếm hoi trong làng nhạc, bà còn có nhan sắc vượt trội, trở thành người tình trong mộng của nhiều nghệ sĩ thời bấy giờ. Họ đã viết tặng nhiều bài hát tặng bà, có thể kể tới như: Ướt mi; Thúy đã đi rồi; Được tin em lấy chồng...
Năm 1961, bà được phong danh hiệu "Hoa hậu nghệ sĩ" tại phòng trà Anh Vũ - điểm ca hát nổi tiếng ở Sài Gòn trong một sự kiện do bác sĩ Trương Ngọc Hớn tổ chức. Nhà thơ Hoàng Trúc Ly từng ca ngợi nét đẹp của Thanh Thúy qua bài thơ "Sầu ca sĩ": "Từ em tiếng hát lên trời/ Tay xoa vòng tóc tay vời âm thanh/ Sợi buồn chẻ xuống hồn anh/ Lắng nghe da thịt tan tành sau xưa".
Danh ca Trúc Mai
Trúc Mai là một trong những nữ ca sĩ tiêu biểu của nền Tân nhạc Việt Nam trong giai đoạn 1960 – 1970. Có thể nói, bà thuộc thế hệ đầu của nhạc vàng Việt Nam. Trúc Mai bắt đầu đi hát từ những năm cuối thập niên 50 và trở thành thành viên của đoàn văn công tham gia biểu diễn ở khắp các chiến khu. Giữa năm 1959, bà chính thức đi hát ở các phòng trà tại Sài Gòn và trở thành ca sĩ chuyên nghiệp.
|
Danh ca Trúc Mai. (Ảnh: TL)
|
Nhờ sở hữu nhan sắc yêu kiều cộng thêm giọng hát đặc biệt với chất giọng thanh, vang và quãng rộng, Trúc Mai nhanh chóng được công chúng yêu mến. Tên tuổi của bà được nhiều người biết đến vào thập niên 60 với những ca khúc như "Hàn Mặc Tử" của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh và "Sài Gòn" của nhạc sĩ Y Vân – hai trong số những ca khúc làm nên tên tuổi của bà thời bấy giờ.
Sau năm 1975, bà sang Mỹ định cư và tiếp tục ca hát khoảng 15 năm rồi giải nghệ. Thỉnh thoảng bà vẫn xuất hiện trong những video của các trung tâm lớn tại hải ngoại như một nhân chứng với công chúng yêu nhạc về một thời kỳ rực rỡ của Tân nhạc Việt Nam.
Danh ca Bạch Yến
Danh ca Bạch Yến tên thật là Quách Thị Bạch Yến, sinh ngày 9/6/1942 tại quê mẹ là Sóc Trăng, trong gia đình có 8 người con, 3 gái và 5 trai. Bà đam mê âm nhạc từ nhỏ và sở hữu chất giọng thiên phú. Trong suốt sự nghiệp ca hát của mình, Bạch Yến được đánh giá là danh ca chói sáng nhất của làng nhạc Sài Gòn và có sức ảnh hưởng sâu sắc trong giới văn nghệ Sài Gòn vào thập niên 60.
|
Danh ca Bạch Yến. (Ảnh: Polydor)
|
Nhờ giọng hát Mezzo Soprano nữ trung (pha trầm) giàu kịch tính, nữ danh ca đã rất thành công khi trình bày những giai điệu chan chứa nỗi thất vọng và cô đơn. Bởi thế, bà đã sớm nổi danh ở trong nước và bất ngờ trở thành một giọng hát mang tầm quốc tế với tài năng biểu diễn thiên phú. Ca khúc đưa tên tuổi của Bạch Yến đến đỉnh cao danh vọng là Đêm đông.
Ngoài ra, các ca khúc như: Tình bơ vơ; Thu sầu; Phút cuối; Tình chết theo mùa đông… hay các ca khúc tiếng Pháp do bà thể hiện cũng được công chúng yêu mến. Năm 1978, bà kết hôn với ông Trần Quang Hải - con trai Giáo sư Trần Văn Khê và sinh sống tại Pháp.
Danh ca Lệ Thu
Trong làng nhạc trữ tình miền Nam trước năm 1975 với hàng trăm ca sĩ nổi tiếng, người ta thường nhắc nhiều nhất đến 3 nữ danh ca: Thái Thanh, Khánh Ly và Lệ Thu. Chỉ điều đó thôi cũng cho thấy mức độ nổi tiếng của Lệ Thu thuở bấy giờ.
|
Danh ca Lệ Thu. (Ảnh: TL)
|
Danh ca Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, sinh năm 1943. Bà đến với âm nhạc rất tình cờ, đó là vào năm 1959 khi đang theo học bậc trung học Pháp, một lần đến phòng trà Bồng Lai nghe nhạc, do sự khuyến khích của bạn bè, Lệ Thu bước lên sân khấu trình bày nhạc phẩm "Dang dở". Quá ấn tượng với giọng hát của Lệ Thu ngày đó, ông chủ phòng trà đã mời bà biểu diễn.
Giọng ca của Lệ Thu được mệnh danh là "tiếng hát vàng mười", được giới mộ điệu ví như chuẩn mực về hát đẹp, phát âm đẹp. Bà đã khẳng định vị trí của nữ ca sĩ hàng đầu làng nhạc Việt thập niên 1960 - 1970 với những tình khúc của Phạm Duy, Cung Tiến, Đoàn Chuẩn, Trịnh Công Sơn, Phạm Đình Chương, Trường Sa... cũng như nhiều nhạc phẩm tiền chiến, tình khúc những năm 1954 - 1975 khác.
Ca sĩ Hà Thanh
Hà Thanh tên thật là Trần Thị Lục Hà (sinh năm 1937) thành danh ở Sài Gòn từ năm 1965. Nữ danh ca được giới mộ điệu đánh giá sở hữu tài sắc vẹn toàn. Nhà thơ Bùi Giáng từng làm nhiều thơ và viết sách ca ngợi nhan sắc của ca sĩ. Giọng hát của bà được đánh giá hiếm thấy, khi chạm vào bất cứ dòng nhạc nào, từ nhạc trữ tình quê hương đến Slow, Ballad… Hà Thanh cũng để lại một dấu ấn sâu đậm.
|
Danh ca Hà Thanh. (Ảnh: TL)
|
Tiếng hát và tên tuổi của Hà Thanh gắn liền với rất nhiều ca khúc "kinh điển" của âm nhạc Việt Nam như: Đêm tàn bến Ngự (Dương Thiệu Tước); Suối mơ; Bến xuân (Văn Cao); Ai lên xứ hoa đào (Hoàng Nguyên); Em đến thăm anh một chiều mưa (Tô Vũ)… Danh ca Hà Thanh qua đời tại Mỹ vào năm 2014 sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư máu.
Ca sĩ Khánh Ngọc
Ca sĩ Khánh Ngọc đi hát từ năm 12 tuổi tại Sài Gòn, thành danh từ giữa thập niên 1950 đến đầu thập niên 1960 với những bản tình ca nước ngoài phổ lời Việt. Ngoài ca hát, bà còn có sự nghiệp điện ảnh rực rỡ với các vai diễn để đời trong các bộ phim như: Ánh sáng miền Nam; Đất lành… Khánh Ngọc là một trong những diễn viên thế hệ đầu tiên của điện ảnh miền Nam, trước cả Kim Cương, Kiều Chinh, Thẩm Thúy Hằng.
|
Danh ca Khánh Ngọc. (Ảnh: TL)
|
Thuở xuân thì, Khánh Ngọc khiến nhiều người ngưỡng mộ nhờ nhan sắc xinh đẹp bậc nhất làng giải trí. Sau cuộc hôn nhân tan vỡ với nhạc sĩ Phạm Đình Chương, năm 1961, ca sĩ sang Mỹ học thêm về điện ảnh rồi kết hôn với một du học sinh Việt Nam. Năm 2021, bà qua đời, hưởng thọ 85 tuổi.
Danh ca Phương Dung
Phương Dung sinh năm 1946 tại Gò Công, Tiền Giang. Theo lời kể của Phương Dung thì từ nhỏ, bà đã mê ca nhạc và thích tập hát theo những ca khúc phát trên radio. Khi còn là nữ sinh, Phương Dung đã tham gia các chương trình văn nghệ và gây được sự chú ý của nhiều người.
|
Danh ca Phương Dung. (Ảnh: VK)
|
Từ một ca sĩ hát lót, Phương Dung chỉ thực sự nổi tiếng khi hát các ca khúc bolero. Tên tuổi của bà gắn liền với những tình khúc Bolero như: Những đồi hoa sim; Tạ từ trong đêm; Sương lạnh chiều đông... Các nhạc phẩm này đã giúp Phương Dung trở thành giọng ca sáng giá trong các phòng trà ở Sài Gòn. Có thời điểm theo tiết lộ, thu nhập mỗi tháng của bà lên đến 200 cây vàng, giúp bà nuôi cả gia đình, phụ giúp dòng họ.
Năm 1974, ca sĩ cùng gia đình sang Australia định cư. Sau lần về nước tái ngộ với khán giả vào năm 2009, bà dành nhiều thời gian ca hát trong nước và hoạt động từ thiện.
Theo Yến Thanh/Dân Việt