Ca sĩ Đông Hùng viết tâm thư cầu xin mọi người không được cho mẹ ruột của anh mượn tiền, kèm theo là những hình ảnh anh "đổ máu" vì nợ nần của mẹ. Cựu siêu mẫu Ngọc Thúy thì bày tỏ quan điểm: "Tôi không biết ơn bố mẹ vì cái công "mang nặng đẻ đau", vì đó là kết quả những ý thích về sinh lý và mong ước có con của chính bố mẹ" . Đó là hai sự việc gây chấn động dư luận mùa Vu Lan năm nay.
Ca sĩ Đông Hùng tâm sự, 4 năm qua, anh đã chịu đủ đắng cay, tủi nhục nhưng phận làm con không thể bỏ được mẹ mình. Ca sĩ Đông Hùng cầu xin những người cho vay nặng lãi đừng cho mẹ mình mượn tiền rồi lấy lãi nữa dù anh biết đó là cách mà người ta kiếm sống. "Tôi... khổ lắm rồi. Tôi mệt mỏi lắm rồi. Gia đình tôi tan nát, em trai tôi, tôi vẫn phải lo cho nó ăn học. Tôi đã phải cáng đáng mọi thứ rồi. Tôi đã phải dẹp cái đam mê của mình suốt 4 năm nay cũng vì số tiền lãi mà mẹ tôi đã cầm của mấy người", Đông Hùng viết.
Siêu mẫu Ngọc Thúy sau thời gian dài mâu thuẫn với gia đình thì chia sẻ: "Tôi vẫn nói rõ với con gái rằng: con đừng bao giờ biết ơn mẹ vì mẹ đã đẻ ra con - vì đó là lựa chọn của mẹ, con có được lựa chọn đâu. Tôi biết rất nhiều người già, và cả chưa già lắm, hay dùng chữ hiếu để ép các con, nhất là con trai và con dâu, sống theo ý mình, thậm chí con cái phải đích thân phục vụ, thì họ mới hài lòng. Tôi coi đó là sự ích kỷ, tận dụng chữ hiếu bắt con cái làm ôsin phục vụ cho bố mẹ. Họ coi đẻ con là một sự đầu tư để tuổi già có người chăm sóc, và khi về với tổ tiên có người thờ cúng".
Cả câu chuyện của ca sĩ Đông Hùng và siêu mẫu Ngọc Thúy đều đối diện nhiều luồng dư luận. Xưa nay, người Việt vẫn luôn đề cao chữ hiếu và ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ. Chính vì thế, việc bất cứ người con nào lên tiếng tố bố mẹ mình điều đầu tiên đều bị đặt dấu hỏi xung quanh chữ hiếu.
|
Ca sĩ Đông Hùng đã phải đổ máu vì cảnh nợ nần của mẹ ruột. |
Nếu như câu chuyện của ca sĩ Đông Hùng nhận được nhiều chia sẻ, xót thương một phần vì hoàn cảnh và cách bày tỏ đầy nội tâm, đau đớn và thấu tình của anh thì không ít ý kiến đã cho rằng Ngọc Thúy quá "phũ" với gia đình.
Một người phụ nữ đã trải qua vài lần mang nặng đẻ đau, trải qua đổ vỡ hôn nhân và bây giờ vẫn đang tiếp tục phải chăm sóc con nhỏ không hiểu sao lại có thể phát ngôn cay nghiệt đến thế.
Bàn về chữ hiếu, hiểu về chữ hiếu cũng "năm bảy đường". Không phải nội hàm về đạo hiếu đã thay đổi mà chính bởi cách nhận thức sai lệch của con người.
Cổ nhân từng lưu truyền câu chuyện Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử: "Con nghe theo mệnh lệnh của phụ thân, có phải là hiếu không? Thần nghe theo mệnh lệnh của vua, có phải là trung không?".
Khổng Tử đáp: "Đối với sai lầm của phụ thân, nhất định phải khuyên can, khuyên mà không nghe cũng không thể phục tùng, bởi vì như vậy sẽ đẩy phụ thân vào chỗ bất nghĩa. Nói cho đúng là, mù quáng phục tùng mệnh lệnh của phụ thân cũng không phải là hiếu tử chân chính". Cách hiểu này thể hiện sự linh hoạt của cổ nhân về chữ hiếu. Rằng con cái không nhất nhất phải phục tùng cha mẹ mà cao hơn tất cả là đạo nghĩa cuộc đời.
Trước ca sĩ Đông Hùng, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng từng "tố" mẹ mình đẩy con vào cảnh nợ nần, bị lợi dụng bởi những kẻ sống bằng nghề cho vay nặng lãi. Chính Đàm Vĩnh Hưng cũng khẳng định, dù rất đau lòng, nhưng việc công khai sự thật về mẹ ruột là chuyện "cực chẳng đã" phải làm, là cuộc chiến đầy khó khăn nhất của 45 năm làm con người của anh.
Ai cũng hiểu, câu chuyện của Đàm Vĩnh Hưng hay Đông Hùng không dễ dừng lại nếu cứ có một người "bơm tiền" cho những người chuyên cho vay nặng lãi, nếu có những người mẹ đẩy con vào cảnh nợ nần và những đứa con không biết làm gì ngoài việc xuống nước cầu xin thiên hạ rủ lòng thương.
Nhưng điều gì cũng có ranh giới của nó. Tính chất câu chuyện Đàm Vĩnh Hưng, Đông Hùng phải gò lưng trả nợ cho mẹ khác với tuyên ngôn của Ngọc Thúy. Ngọc Thúy cho rằng công nuôi dưỡng 18 năm của bố mẹ, cô đã trả bằng 15 năm tuổi trẻ một cách vẹn tròn và khi "cha mẹ bất nhân thì đừng trách con cái bất nghĩa".
Vẫn biết phía sau những câu chuyện nghiệt ngã có thể là nhiều góc khuất mà người ngoài cuộc không dễ gì thấu hiểu nhưng câu nói của Ngọc Thúy có thể khiến bất cứ người làm cha mẹ nào đều cảm thấy đau lòng. Người xưa có câu: "Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể/ Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày...".
Chuyện người đẹp Ngọc Thúy cho rằng công nuôi dường 18 năm của cha mẹ cô đã trả bằng 15 năm tuổi trẻ nghe mới cay đắng nhường nào. Như thể tình yêu thương, đạo lý - những thứ cả vô hình và hữu hình không dễ gì so sánh nổi - đã được đặt lên bàn cân mà so đo tính toán như mớ cá, mớ rau.
Theo lời Ngọc Thúy, cô đã dùng 15 năm tuổi trẻ lao động miệt mài để lo cho gia đình. Từ căn nhà cấp 4, bố mẹ Ngọc Thúy được chuyển đến sống ở biệt thự và đi du lịch khắp thế giới. Ngọc Thúy tiết lộ rằng nhiều năm về trước khi còn hoạt động showbiz, cô là người "hiếu nghĩa hiếm thấy". Tiền đi diễn cô đều đưa cho mẹ mà không giành nhiều để sắm sửa cho bản thân... Với Ngọc Thúy, phải chăng như thế đã quá đủ đền đáp ơn nghĩa sinh thành?.
Nếu tất cả những gì Ngọc Thúy nhận thức về đạo làm con chỉ đến thế thì nỗi bất hạnh của cô phần nào đã có những nguyên do, lý giải.
Trở lại câu chuyện của ca sĩ Đông Hùng, diễn biến mới nhất, nhạc sĩ Quốc trung đã viết trên trang cá nhân bày tỏ tình cảm rằng mọi người đều rất yêu quý, đánh giá cao khả năng của Đông Hùng nhưng khi nghe người em đồng nghiệp Anh Quân kêu gọi giúp đỡ Đông Hùng thì nhạc sĩ Quốc Trung nhận định: "Tiền Hùng cần nhất nhưng có giúp cũng sẽ không đáng gì với nợ nần và đôi khi lại là đường dẫn cho những chủ nợ".
Nhạc sĩ Quốc Trung đưa ra ý kiến là anh em nhạc sĩ mỗi người giúp Đông Hùng một bài hát để nam ca sĩ có cảm hứng tiếp tục sự nghiệp. Anh sẽ chịu trách nhiệm thu âm, hoà âm (nếu cần) để Đông Hùng có sản phẩm và tiếp tục phát huy được khả năng của mình.
Câu chuyện giản dị nhưng chứa đựng chân tình của nhạc sĩ Quốc Trung không chỉ là một gợi mở về cách giải quyết, chia sẻ tấn bi kịch mà ca sĩ Đông Hùng đang gặp phải mà cao hơn cả, anh đã mang đến một thông điệp của tình yêu thương.
Trong mối quan hệ gia đình, những nút thắt, bi kịch thường chỉ được cởi bỏ nhờ tình yêu thương, nhờ niềm tin mà trái tim con người nhận được. Bằng không, những lời tố cáo, buộc tội lẫn nhau chỉ như gáo nước lạnh mà người ngoài có rủ lòng thương xót thì người hứng chịu, thấm thía vẫn là gia đình, ruột thịt đang quẩn quanh trong mối tơ vò "nén bạc đâm toạc tình thâm".
Theo T.Nam/Giadinh.net.vn