Vốn là diễn viên kịch nói, từng đỗ thủ khoa trường quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn khóa 1 năm 1963 nhưng khi chuyển sang đóng phim Trần Quang trở thành một tên tuổi lớn của làng phim Việt từ trước năm 1975.
Thập niên 1960 - 1970, Trần Quang nổi tiếng với các vai diễn giang hồ, một tài tử có hình thức và nghệ thuật diễn xuất đẳng cấp trong những bộ phim nổi tiếng như: Vết thù trên lưng ngựa hoang, Long hổ sát đấu, Điệu ru nước mắt, Như hạt mưa sa... Đó là những bộ phim làm làm mưa làm gió trên các rạp chiếu bóng với những nhân vật có thật như Đại Ca Thay, James Dean Hùng, Hoàng ghita, Tín Mã Nàm... cũng bởi là những nhân vật có thật mà Trần Quang đã có không ít dịp tiếp xúc ngoài đời.
Sau năm 1975, khán giả cả hai miền Nam - Bắc lại thấy Trần Quang tiếp tục tỏa sáng qua các bộ phim như: Cô Nhíp, Cầu Rạch chiếc, Tội lỗi cuối cùng, Con thú tật nguyền… Tên tuổi Trần Quang gắn liền với các mỹ nhân màn ảnh thời đó như: Thẩm Thúy Hằng, Phương Thanh, Kiều Chinh, Thanh Lan, Bạch Tuyết…
|
Diễn viên Trần Quang từng tham gia khoảng 40 phim với gần 20 vai chính của các đạo diễn hàng đầu. |
Không có Đại Cathay, chắc tôi mềm người
Nhắc đến ông là người ta nhắc đến vai diễn Hoàng guitar trong Vết thù trên lưng ngựa hoang', vai diễn đã giúp ông nhận giải Diễn viên xuất sắc và được ái mộ nhất lần thứ hai năm 1973 do nhật báo Trắng Đen tổ chức.
Phim xoay quanh về cuộc đời của Hoàng guitar, một tay giang hồ lãng tử, nổi tiếng với tài chơi đàn. ''Tôi là người được chọn đóng vai nhân vật này. Tôi nhớ nhất cảnh quay, Hoàng dù đã quy ẩn giang hồ nhưng vì lâm vào hoàn cảnh túng thiếu, vợ lại sắp sinh nên quyết định tham gia phi vụ cuối cùng: cướp hàng ở quân đội Mỹ. Cảnh đó theo quy định tôi sẽ bị bắn nguyên băng đạn M16 trên lưng và gục ngã với cái chết đau thương.
Thời đó, tổ khói lửa thô sơ, khi chuyên gia gài kíp nổ lên người là tôi run xanh mặt. Nhưng với cảnh quay này, chính tôi là người được phiêu linh với từng cảm xúc, tiếng súng nổ, ánh mắt mịt mờ, lết từng bước dưới mặt đất, nhớ về vợ con trong từng cơn đau uất nghẹn rồi gục chết… Phải nói cảnh này tôi đã làm rơi lệ rất nhiều người xem, nó ấn tượng đến nỗi một ca khúc lừng lẫy như Vết thù trên lưng ngựa hoang đã ra đời ngay sau khi phim chiếu" - Trần Quang hồi tưởng.
Trên phim vào vai khách giang hồ, ngoài đời Trần Quang cũng có mối nhân duyên với một trùm giang hồ nổi tiếng thập niên 1960: Đại Cathay.
Trần Quang kể: “Tôi vốn thích đi nhảy đầm nên trong một lần tôi đi vũ trường Maxxim, thấy cô vũ nữ đẹp, tôi bước lên mời ra sàn để nhảy. Bất thình lình một tay rất to con đến kiếm chuyện tự xưng là Hiếu mặt mâm. Thấy tình thế có vẻ căng thẳng, tôi kêu tính tiền nhưng hắn nhất định không cho. Thế là tôi đánh liều mời hắn ra đường đánh tay đôi để rõ mặt anh hùng, chứ ở đây người ta còn làm ăn nữa.
Trận đấu đó, tôi và Hiếu mặt mâm người đầy thương tích. Đang hồi gay cấn có một nhóm 7 – 8 người của băng Hiếu mặt mâm tính nhào vô đánh tôi. Bỗng có một người trẻ tuổi, tóc quăn rất bảnh trai hét lên và ra lệnh tất cả phải dừng lại. Lúc này tôi mới biết anh ấy là Đại Cathay. Anh ta hẹn tôi tối mai gặp lại. Tôi nghĩ, nếu hôm đó không có Đại Cathay chắc là tôi mềm người.
Qua đêm sau ngồi uống rượu với Đại Cathay để tường thuật rõ đuôi đầu, anh ta bắt Hiếu mặt mâm phải xin lỗi tôi vì khách đến vũ trường là có quyền mời vũ nữ, không được hống hách với khách như vậy. Từ đó, tôi rất nể Đại Cathay vì cách ứng xử trọng nghĩa khinh tài.
Đoàn phim được đàn em Đại Cathay bảo kê
Khi quay bộ phim Điệu ru nước mắt của đạo diễn Lê Hoàng Hoa (năm 1970) nhóm đàn em của Đại Cathay biết tin đã đi theo đoàn phim và kể rất nhiều về những chuyện của Đại Cathay mà nhà văn Duyên Anh chưa từng đề cập. Ngày đó, cả nhóm giang hồ cứ ngầm theo đoàn phim suốt ngày như ngầm bảo kê riêng cho đoàn phim.
Trong bộ phim Điệu ru nước mắt, Trần Quang vào vai Jame Dean Hùng hay còn gọi là Hùng “đầu bò”, vốn là một tri thức cũ, lãng tử, thích ngao du theo Đại Cathay bởi trọng cái dũng khí, khí khái của con người này. Hòa bình lập lại, ông “rửa tay gác kiếm”, trở thành một ký giả nổi tiếng.
Trần Quang kể tiếp: “Sau bộ phim này tôi mới được định hình là một tài tử điện ảnh. Thời đó báo chí đã giật tít về tôi như vậy: Một nhân dáng điện ảnh vừa xuất hiện, đó là vai Hùng Đầu Bò, một trong sáu chiến hữu thân cận nhất của Đại Cathay trong bộ phim này… Nói thật ngày đó đọc xong thấy mình oai lắm''.
Tuy nhiên trong quá trình quay, tôi đã gặp một sự cố ngoài ý muốn. Số là khi phim sắp hoàn thành, tôi có đến vũ trường Maxxim chơi, đang ngồi vi vu theo tiếng nhạc thì có một anh bồi xách chai rượu đến nói với tôi: Dạ thưa, bàn bên kia có người muốn mời ông chai rượu này. Tôi cũng vui cười tiếp nhận. Lát sau một anh chàng mặc complete trắng trẻo, đẹp trai bước tới nhìn thẳng vào mắt tôi rồi nói: Anh không biết tôi nhưng tôi biết anh, tôi là Hùng Đầu Bò đây. Anh ta gằn giọng: Tôi nghe nói anh đóng phim về tôi, nên tôi nói trước. Nếu anh đóng vai mà không hay tôi sẽ xin anh… tí huyết. Còn nếu anh đóng hay, anh muốn gì ở trong cái vũ trường này tôi chịu hết…. Đêm đó tôi chỉ biết cười".
Ngày phim ra mắt, Hùng Đầu Bò trong phong thái lịch lãm bước đến bắt tay Trần Quang nói nhỏ: Anh Quang, tối mai tôi mời anh lên Maxxim chơi với tụi tôi. Đêm đó cả vũ trường náo nhiệt với cả rừng người. Hùng Đầu Bò tới ôm Trần Quang thắm thiết và nói: Em cám ơn anh, anh đóng quá hay và quá đẹp trai, tụi em đâu có thể nào đẹp bằng anh được. Đó là câu nói thật lòng của một tên trùm giang hồ thứ thiệt.
Chuyện chưa kể về trùm giang hồ khét tiếng Đại Cathay
Hòa trong phong trào những anh hùng giang hồ thời bấy giờ, cố đạo diễn Lê Dân cũng thực hiện bộ phim Loan mắt nhung, dựa trên cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Thụy Long. Phim nói về một thanh niên bình thường bị hoàn cảnh xã hội đưa đẩy trở thành tay du đãng nổi tiếng. Đó là hình tượng giống như thật với cuộc đời của Đại Cathay.
Phim này cũng đi kèm với một ca khúc rất nổi tiếng - Loan mắt nhung của nhạc sĩ Thái Ngọc Sơn. Ông năm nay 84 tuổi và được xem là người cùng thời với Đại Cathay: “Thời đó, những ca khúc như Loan mắt nhung hay Vết thù trên lưng ngựa hoang… được khán giả đón nhận rất nồng nhiệt. Đó là thời điểm giang hồ làm mưa làm gió, tự tranh hùm xưng bá. Kẻ mạnh làm vua và thua thuần phục hoặc tự giải tán".
Chân dung thủ lĩnh ở rạp chiếu bóng truyện, phim, nhạc… đều để lại quá nhiều ấn tượng về trùm giang hồ Đại Cathay, vậy ngoài đời ông ấy là người như thế nào? Trả lời thắc mắc này, diễn viên Trần Quang nói: "14 tuổi Đại Cathay chỉ là đứa trẻ đánh giày, bán báo nhưng trong các trận ẩu đả để tranh giành khách luôn giành chiến thắng bởi sự lỳ đòn, lại biết phân chia công bằng cho đám bạn nên sớm được tôn làm đại ca. Biệt danh Đại Cathay (đặt theo tên rạp chiếu bóng) ra đời từ đây".
Khi làm đại ca, công việc của Đại Cathay là tập hợp đàn em cắt cử công việc, bàn giao địa bàn và phân chia tiền bạc. Với bản tính khí khái, hào phóng, Đại Cathay luôn sòng phẳng, tương trợ những người yếu đuối nên đàn em rất phục. Quân số của Đại Cathay nhanh chóng gia tăng. Sau những trận tranh giành địa bàn, Đại Cathay nhiều lần bị bắt. Bảo vệ đàn em, Đại Cathay luôn nhận trách nhiệm về phần mình. Đại Cathay quỳ trên sàn nhà, 2 người 2 bên xốc ngược tay, cạy mồm và bị thả vào đó 1 con gián sống chạy tuột vào dạ dày. Ngứa ngáy, kinh tởm, ói ra mật xanh nhưng Đại Cathay vẫn câm như hến.
Trong cuộc đời mình, Đại Cathay bị bắt tổng cộng 10 lần. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan, Giám đốc Nha cảnh sát ra lệnh cho Đại Cathay giải tán băng đảng, Đại Cathay khôn khéo từ chối: “Giang hồ không có vua. Tôi đâu có ra lệnh cho các băng khác được”. Sau những câu chuyện đó, Đại Cathay càng được giới giang hồ nể.
Nhận thấy Đại Cathay là mối nguy hiểm tiềm ẩn, Tổng nha Cảnh sát đã họp bàn quyết định đưa anh ra “an trí” tại đảo Phú Quốc vào ngày 28/11/1966. Đại Cathay lúc đó mới chỉ 26 tuổi. Nếu đúng theo lời đồn đại, Đại Cathay đã chết cách đây hơn 50 năm. Cái chết bí ẩn này được xem là dấu chấm hết cho phong cách “du đãng” hồi thập niên 1960, với đặc tính: chơi trội và chơi “có hậu” theo luật giang hồ.
Theo Lữ Đắc Long/Vietnamnet