Bản quyền Quốc ca Việt Nam bị BH Media "nhận vơ" là sai trái
Trong khi sự việc ồn ào liên quan đến chuyện BH Media tung "gậy bản quyền" đối với ca khúc Giấc mơ trưa của nhạc sĩ Giáng Son trên YouTube chưa kịp lắng xuống thì mới đây BH Media lại gây phẫn nộ khi tự ý xác nhận sở hữu bản quyền ca khúc Tiến quân ca – Quốc ca Việt Nam.
|
Tiến quân ca - Quốc ca là tác phẩm âm nhạc do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác. Ảnh: TL. |
Đây là ca khúc mà đại đa số người dân Việt Nam đều biết là sáng tác nổi tiếng của cố nhạc sĩ Văn Cao. Ca khúc này đã được gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho Quốc hội và toàn thể người dân Việt Nam vào năm 2016. Mục đích hiến tặng là để các cá nhân và tập thể sử dụng một cách phi lợi nhuận trong các hoạt động mang tính chính trị, xã hội, văn hoá, nghệ thuật.
Sau rất nhiều nỗ lực liên lạc với phía gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao để lắng nghe phản ứng về sự việc này, Dân Việt đã kết nối được với bà Hà Anh – vợ của họa sĩ Nghiêm Bằng, con dâu của cố họa sĩ Văn Cao. Bà Hà Anh cho biết, gia đình bà đã nắm bắt được sự việc này thông qua các phương tiện truyền thông.
Phía gia đình hoàn toàn không có bất kỳ sự ủy quyền nào cho phía BH Media về việc sở hữu độc quyền ca khúc này trên mạng YouTube. Gia đình rất không bằng lòng với hành vi "nhận vơ" bản quyền của BH Media khi tự ý đăng ký quyền tác giả đối với ca khúc Tiến quân ca - Quốc ca Việt Nam vì mục đích thương mại.
"Cách đây 5 năm, gia đình chúng tôi đã hiến tặng ca khúc Tiến quân ca tức Quốc ca Việt Nam cho Quốc hội và toàn thể nhân dân Việt Nam. Chúng tôi hiến tặng với mong muốn Nhà nước và toàn dân sẽ hát vang Quốc ca trong các dịp lễ lạt, văn hóa – văn nghệ để tôn thêm lòng tự hào dân tộc mà không phải trả phí bản quyền.
Trong dịp hiến tặng đó, anh Nghiêm Bằng cũng nói rõ trên báo chí rằng, nhiều nước trên thế giới trả tiền bản quyền ca khúc cho tác giả sáng tác ca khúc được chọn làm Quốc ca của nước đó nhưng ở nước ta lại chưa làm điều đó. Dù vậy, từ khi sáng tác ca khúc Tiến quân ca vào năm 1945, bố chúng tôi là nhạc sĩ Văn Cao đã có tâm nguyện rằng, ca khúc đó không còn thuộc về riêng tác giả mà thuộc về dân tộc, Tổ quốc Việt Nam. Và gia đình chúng tôi hiến tặng ca khúc này cũng theo di nguyện của ông cha mình.
Chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với bất kỳ hành vi sở hữu độc quyền ca khúc này vì mục đích thương mại trên nền tảng số đối với bất kỳ cá nhân hoặc tập thể nào. Tất cả những hành vi đó đều sai trái và vi phạm pháp luật", bà Hà Anh khẳng định.
|
Đại diện gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao trong lễ hiến tặng bài Tiến quân ca - Quốc ca Việt Nam cho Quốc hội, toàn dân. Ảnh: Mạnh Thắng. |
Theo con dâu của cố nhạc sĩ Văn Cao, gia đình bà không muốn lên tiếng gay gắt vì nghĩ Tiến quân ca – Quốc ca đã trở thành "tài sản tinh thần" chung của Quốc hội, của toàn dân nên để Quốc hội toàn quyền quyết định.
"Tôi nghĩ rằng, gia đình chúng tôi không lên tiếng thì mọi người cũng đã biết. Tôi mong Quốc hội sẽ xử lý vụ việc này theo đúng quy định của pháp luật vì chúng tôi đã hiến tặng ca khúc này cho Quốc hội, cho nhân dân", bà Hà Anh nói thêm.
Bà Hà Anh cũng cho biết, gia đình chưa nhận được sự liên hệ của bất kỳ đơn vị nào, kể cả Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam để bàn cách giải quyết sự việc này. Cách đây ít hôm, bà có lên văn phòng Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam giải quyết một số việc liên quan đến quyền tác giả của nhà thơ - họa sĩ Nghiêm Bằng và chứng kiến khá nhiều chuyện bi hài về bản quyền âm nhạc. Bà mong những sự việc như thế này cần được sớm chấn chỉnh và giải quyết triệt để.
Không chỉ có Quốc ca Việt Nam bị "nhận vơ" bản quyền
Chia sẻ với Dân Việt về vụ việc này, chuyên gia văn hóa Ngô Hương Giang cũng cho rằng, đây là việc làm rất táo tợn vì BH Media không được sự ủy quyền của gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao, không có bất kỳ sự xin phép nào từ phía Quốc hội mà dám xác lập quyền tác giả với Tiến quân ca – Quốc ca Việt Nam.
|
Bản chép tay bài Tiến quân ca - Quốc ca của cố nhạc sĩ Văn Cao năm 1944. Ảnh: TL. |
"Sự việc nhận vơ bản quyền Quốc ca Việt Nam của BH Media là một hành vi bất chấp. Bất chấp luật pháp, bất chấp đạo đức, bất chấp dư luận. Ai cũng biết tác giả của Tiến quân ca – Quốc ca Việt Nam là cố nhạc sĩ Văn Cao. Ai cũng biết tác phẩm âm nhạc này đã được gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho Quốc hội, cho toàn dân.
Vậy mà BH Media dám ngang nhiên làm như vậy. Kể cả đây là bản thu âm – thu hình thì họ cũng không được phép khai thác vào mục đích kiếm lợi trên mạng YouTube khi mà chưa xin phép chủ sở hữu đích thực", chuyên gia văn hóa Ngô Hương Giang nói.
Thực tế, Giấc mơ trưa của nhạc sĩ Giáng Son, Tiến quân ca – Quốc ca của Việt Nam không phải là hai tác phẩm âm nhạc duy nhất mà BH Media "vung gậy" bản quyền.
Một số tác phẩm như: Giã bạn (Quan họ Bắc Ninh); Nửa đời hương phấn, Tiếng trống Mê Linh (Cải lương) cũng bị BH Media tự đăng ký quyền sở hữu trên YouTube để khai thác kiếm lợi. Bất kỳ ai khi đăng tải các sản phẩm âm nhạc này lên đều bị báo cáo vi phạm, kể cả chủ sở hữu hợp pháp của tác phẩm đó.
"Mình từng bị BH Media nhận vơ một số video, tức lắm nhưng không làm gì được. Việc nhận vơ này của BH Media đã diễn ra từ lâu, họ chèn quảng cáo để thu lợi bất chính. Rất mong cơ quan chức năng xử lý nghiêm, thậm chí, nếu có yếu tố cấu thành tội phạm thì khởi tố vụ án. Cần phải mạnh tay với các đối tượng đã tiếp tay cho BH Media vi phạm để làm trong sạch nội dung số trên internet", anh Nguyễn Sơn Tùng ở Thanh Hóa cho biết.
Theo nhiều chuyên gia công nghệ, BH Media am hiểu về công nghệ nên đã đi trước một bước khi đăng ký sở hữu nhiều tác phẩm qua hệ thống Content ID - một hệ thống tự động có thể mở rộng của YouTube. Hệ thống này cho phép chủ sở hữu bản quyền phát hiện ra những video trên YouTube có chứa nội dung thuộc quyền sở hữu của họ.
Theo Hà Tùng Long/ Dân Việt