Mới đây, những hình ảnh về Gala chung kết Du lịch và Tài năng kỷ lục châu Á - Lễ hội doanh nghiệp thương hiệu vàng Đất Việt, Doanh nhân tiêu biểu Việt Nam diễn ra tại Quảng Ninh vào ngày 22/11 thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận. Tại sự kiện, bà Tống Thu Ngân được vinh danh với hàng loạt danh hiệu: Chủ tịch hội đồng kỷ luật cấp cao của Liên đoàn các nhà thơ thế giới; Đại sứ trọn đời của Liên đoàn các nhà thơ thế giới; Phó Chủ tịch hội
Trao đổi với PV Dân Việt, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho biết, ông đã nắm được sự kiện thông qua các thông tin trên mạng xã hội: "Đây là một sự mạo phạm, nhạo báng thi ca và văn hoá. Bản thân chị Tống Thu Ngân – một người viết không có tên tuổi tự nhận là nhà thơ thế giới đã nực cuời, nhưng còn đáng nói hơn là việc đơn vị tổ chức sẵn sàng trao những danh hiệu như vậy. Một cá nhân chuộng hư danh đã đáng trách, đáng trách hơn là những người tổ chức - họ biết mà vẫn làm và tiếp tay cho điều đó".
Trong khi đó, nhà nghiên cứu văn hoá Ngô Hương Giang cho rằng: "Trước hết cần làm rõ, các danh hiệu trên là do tổ chức nào ra quyết định, công nhận đối với bà Tống Thu Ngân? Nếu chỉ là danh hiệu do một nhóm người tự lập ra và hoạt động vì một mục đích nào đó, không phải thuộc các đơn vị sự nghiệp hoặc các tổ chức nghề nghiệp công nhận, thì danh hiệu đó chỉ là tự phát và không có giá trị pháp lý đại diện cho Việt Nam.
Mặt khác, việc có quá nhiều "danh hiệu chui" tồn tại cho thấy tính "háo danh" và sự lỏng lẻo trong công tác quản lý văn học nghệ thuật, từ đó kéo theo giá trị của những sản phẩm văn học nghệ thuật nói riêng, văn hoá nói chung cũng bị suy giảm. Đương nhiên, những người làm thơ hoàn toàn có quyền thành lập các câu lạc bộ tự phát, song không được phép tổ chức các cuộc thi nhằm tôn vinh hay trao giải cho ai đó nếu chưa có sự cho phép của cơ quan chức năng".
Bà Tống Thu Ngân gây tranh cãi khi được trao những danh hiệu "trời ơi đất hỡi". Ảnh: FBNV
Ông Ngô Hương Giang cũng khẳng định, vụ việc này không mới: "Nó đã xuất hiện từ nhiều năm nay, với nhiều cá nhân, tổ chức "hao hao" như vậy. Ngoài việc phản ánh "tính háo danh" trong xã hội, còn cho thấy các giá trị thực ngày càng ít đi, thậm chí bị che khuất bởi những "giải thưởng" hay danh vị "màu mè" kiểu như bà Tống Thu Ngân đang làm.
Trong khi đó, trao đổi với PV Dân Việt, ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết: "Đài Tiếng nói Việt Nam hoàn toàn không bảo trợ cho sự kiện này. Gần đây, có rất nhiều sự kiện tuỳ tiện sử dụng logo của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) với danh nghĩa là đơn vị bảo trợ. Chúng tôi đang yêu cầu các bộ phận chức năng điều tra, có biện pháp phù hợp nhằm bảo vệ thương hiệu, uy tín, danh dự của Đài".
Theo thông tin được bà Tống Thu Ngân chia sẻ trên tập thơ mang tên "101 bài thơ tình Mimosa tím", bà sinh tại Bến Tre, từng là Giảng viên Đại học Sư phạm TP HCM. Bà đã có 6 tập thơ, đang ấn hành tập thứ 7 và hiện viết đến bài thơ thứ 1742.
Theo Khánh Yến/ Dân Việt