“Xứ Đoài Mây Trắng” và sự lên ngôi của văn học bình dân

Google News

(Kiến Thức) - Xem tiểu thuyết “Xứ Đoài Mây Trắng” của Nguyễn Sơn Đỗng, tôi thấy bất ngờ, pha trộn sự sung sướng, như vừa gặp lại một điều gì xa xôi lắm mà cũng gần gũi lắm.

Theo PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn học, “Xứ Đoài Mây Trắng” góp phần một cách nhìn về đời sống thôn quê giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Mặc dù các nhân vật chưa định hình thành tuyến, chưa liên kết thành số phận điển hình nhưng thế mạnh của tiểu thuyết là bối cảnh, không khí, môi trường và hoàn cảnh sống của nhân vật. Thêm một điểm mạnh khác nữa của tiểu thuyết “Xứ Đoài Mây Trắng” là văn phong thực sự giàu chất tiểu thuyết.
Về bút pháp, có thể thấy lối hành văn vừa linh hoạt lại hàm súc, chuyển đoạn nhanh, giàu phong vị điện ảnh. Cũng có thể tìm thấy ở tác phẩm số lượng phong phú các từ ngữ gắn với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất. Rất nhiều lời đối thoại và lối sống hầu như đã chuyển về thời quá khứ hoặc chỉ còn được bảo lưu thưa thoáng ở một vài vùng quê. Tiểu thuyết đã khơi gợi, phản ánh sinh động không gian, môi trường, cuộc sống, tâm tư người nông dân nửa đầu thế kỷ 20. “Xứ Đoài Mây Trắng” là tiểu thuyết hiếm thấy, bởi có “lối đi riêng” vào tâm thức người đọc rất đỗi tự nhiên. Nguyễn Sơn Đỗng quả là người tiên phong ở mảng văn học bình dân…
Từ xứ sở Kim Chi xa xôi, GS.TS Bac Yangsoo, làm việc tại Khoa Tiếng Việt của Đại học Bussan đã gửi đến những lời tâm huyết sau khi đọc tác phẩm này: Tôi bị cuốn hút vởi giọng văn mộc mạc và lối kể chuyện bình dân của tác giả Nguyễn Sơn Đỗng. Tiểu thuyết đã giúp tôi thực sự hiểu biết nhiều hơn về văn hóa và con người Việt Nam. Thiết chế lãng, xã đúng là nhân tố làm cho văn hóa Việt Nam mãi mãi trường tồn trước mọi cuộc xâm lăng về văn hóa trong lịch sử, từ chủ ý đồng hóa của phương Bắc hàng ngàn năm cho đến sự xâm lăng văn hóa phương Tây của thực dân Pháp.
Chúng ta cũng gặp trong “Xứ Đoài Mây Trắng” tư tưởng Tam giáo đồng nguyên: Phật - Nho - Lão thực sự được xem như một bản sắc riêng của văn hóa Việt Nam. Thông qua những xung đột nội tâm của các nhân vật, Nguyễn Sơn Đỗng đã cho thấy nếu bên ngoài xã hội Việt Nam đã diễn ra cuộc đấu trang cam go chống ngoại xâm giành độc lập thì bên trong mỗi con người lại là cuộc đấu tranh không kém phần khốc liệt giữa các lề lối phong kiến của Nho giáo như quy định cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy trong hôn nhân, những khát khao cháy bỏng của người phụ nữ khi đòi hỏi được thực sự là mình. "Xứ Đoài Mây Trắng" thật sự làm cho những người nước ngoài như tôi càng đọc càng bị cuốn hút…
 Tác giả Nguyễn Sơn Đỗng.
Bạn đọc có thể có thêm niềm tin vào nét tiên phong và sự dung dị, giàu bản sắc này của tác giả khi đọc lại cảm xúc của nguyên Tổng Bí thư Đảng CSVN Lê Khả Phiêu, khi ông cho rằng đọc “Xứ Đoài Mây Trắng” của tác giả Nguyễn Sơn Đỗng, ông lại nhớ về quê hương mình. “Xứ Đoài Mây Trắng” phản ánh rất đậm nét bức tranh nông thôn Việt Nam, từ con người, cảnh vật và mối quan hệ xóm làng từ những năm đầu thế kỉ 20, bị hai tầng áp bức nhưng đã xứng đáng là chủ lực quân của cách mạng, khi quyết tâm theo Đảng, đoàn kết lại, anh dũng vùng lên chống lại cường quyền và giành chiến thắng. “Xứ Đoài Mây Trắng” là một tác phẩm rất hay viết về người nông dân Việt Nam…
Và tôi cũng thấy nhẹ lòng hơn khi chia sẻ lời tâm sự khiêm nhường của tác giả Nguyễn Sơn Đỗng: “Tôi nhớ Xứ Đoài Mây Trắng lắm! Nơi lưu giữ nhiều những giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc gắn liền với lịch sử của dân tộc. Được coi là vùng đất ‘địa linh nhân kiệt’, mỗi mảnh làng nơi đây đều dung chứa tinh hoa của những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, cất giữ trong mỗi người dân xứ Đoài.
Tôi viết cuốn tiểu thuyết này hồi tưởng về mỗi mảnh đời của những con người Chàng Sơn chất phác, thủy chung, thông minh, tài hoa, kiên cường và bất khuất. Trải qua những tháng năm dài chìm đắm trong kiếp người nô lệ ngoại xâm làm cho khổ đau, nghèo hèn, ti tiện và dốt nát nhưng người Chàng Sơn quê tôi vẫn sống nhân văn lắm. Kiên cường và bất khuất như những áng mây bay đầy hào khí hòa cùng cả nước đứng lên làm Cách mạng dân tộc đi đến đích chân trời của độc lập, tự do".
Trước nay, thư viện sách về đề tài nông thôn Việt Nam khá phong phú với những tên tuổi như: Chu Văn, Đào Vũ, Nguyễn Khải, hoặc các tác giả Nguyễn Kiên, Vũ Thị Thường, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Ngô Ngọc Bội…, vậy mà tôi vẫn cảm thấy thiếu thiếu điều gì đó, nếu không muốn nói là thư viện ấy được bổ sung vào đó một tác giả viết về đề tài nông dân theo phong cách bình dân như Nguyễn Sơn Đỗng.
Nguyễn Lưu