Chuyện xưa của “cô đào” Lệ Thẩm

Google News

(Kiến Thức) - Trong giới cải lương sân khấu mọi người dành cho nghệ sĩ lão thành Lệ Thẩm (tên thật là Nguyễn Thị Thẩm, sinh năm 1934) một tình cảm trân trọng đặc biệt. 

Học nghề từ gánh hát

Sinh ra tại Bạc Liêu, mảnh đất từng ghi dấu ấn với vở cải lương Dạ Cổ Hoài Lang của cố nghệ sĩ Cao Văn Lầu, cha bà là nghệ sĩ Hai Cần nổi tiếng đánh đờn cổ nhạc cho đoàn hát Thái Bình của cô Ba Ngưu, mẹ cũng làm trong đoàn hát nên nghệ sĩ Lệ Thẩm sớm "nhiễm nghề" từ nhỏ. 5 tuổi đã lên sân khấu đóng vai đào con, công chúa và đi khắp các tỉnh lưu diễn, mỗi khi đoàn diễn trên sân khấu bà ngồi trong cánh gà theo dõi từng động tác, lời thoại. 

Thời đó bà phải theo cha mẹ lưu diễn khắp nơi  nên cũng không được học hành gì nhiều, kiến thức sân khấu của bà chủ yếu do cha mẹ hoặc các anh lớn trong đoàn truyền dạy lại. Có năng khiếu bẩm sinh, trí nhớ tốt, nghe đọc qua một lần hoặc hai lần kịch bản là bà đã thuộc làu làu rồi lên sân khấu cứ vậy mà nhập vai.

Cô “đào” Lệ Thẩm thời vang bóng. 

Bà kể lại: "Năm tôi 17 tuổi, cha nghỉ chơi đàn và gửi tôi vào đoàn hát Năm Châu, từ đó trở thành đào chánh cho đoàn Năm Châu với vở diễn Tấm Cám, diễn xong vừa bước ra là khán giả ôm lấy chặt mình, đi đâu cũng nghe gọi cô Tấm, cũng từ đó nổi tiếng khắp nơi. Có những đêm diễn khán giả chen chân chật cứng rạp, diễn xong rồi được yêu cầu diễn lại tiếp, vậy là đoàn lại bán vé và diễn lại từ đầu, diễn xong tới gần 3 giờ sáng nhưng ai nấy cũng vui. Có nhiều hôm buổi tối hát hăng quá, ban ngày mệt lả người phải ngủ nên học kịch bản chưa thuộc mà tới giờ phải diễn. Người nhắc tuồng ngồi trong cánh gà, lại treo thêm cái micro trên đầu để nhắc tuồng nên đang hát mà có người kéo dây nó lại đập vào mặt, vào đầu, do đó mỗi lần chưa thuộc kịch bản thì vừa hát vừa để ý cái micro...". 

Bước ngoặc lớn trong đời không thể quên là chuyển qua hát cho đoàn Tiếng Chuông, ở đoàn này bà gặp kép Tuấn Sỹ. Bà thương Tuấn Sỹ vì ông hiền lành, chịu khó rồi nên duyên. Ngày xưa những người đi hát cải lương thường không tổ chức đám cưới rình rang hoặc tuần trăng mật như bây giờ mà dắt về quê xin phép cha mẹ rồi làm bữa tiệc nhỏ ra mắt họ hàng. Từ đó vợ chồng bà hát chính cho gánh hát Tiếng Chuông. 

Nghệ sĩ lão thành Lệ Thẩm (tên thật là Nguyễn Thị Thẩm, sinh năm 1934). 

Gánh hát, gánh cả gia đình

Khi nhắc đến gánh hát ngày xưa, mắt bà sáng lên rồi vui vẻ kể tiếp: "Nghĩ mà thương ông chồng, ngày xưa lúc hai vợ chồng hát đào chính kép chính được bao nhiêu tiền cũng để dành, trong đoàn không dám chơi bời cờ bạc như nhiều người. Sau đó hai vợ chồng gom vốn đứng ra mở một đoàn hát riêng lấy tên Nhụy Hương -Tuấn Sỹ. Cũng từ đó hai vợ chồng ngoài chuyện hát còn làm bầu cho cả đoàn, lo từ vở diễn đến chuyện tiền bạc trả lương cho anh em. 

Thời đó đi hát không như bây giờ là đạo cụ có thể thuê mà ông bầu phải sắm, người ta nói: đùm đề như gánh hát là rất đúng, bởi vì khi đi lưu diễn các tỉnh, mỗi nơi ở lại từ một tuần đến mười ngày rồi di chuyển từ tỉnh này qua tỉnh khác nên có gì là mang theo hết. Mỗi đoàn hát lúc đó ngoài chuyện âm thanh ánh sáng, sân khấu còn có màn che, dựng rạp nên một đoàn có tới bốn đến năm chục người. Rất nhiều gia đình nghệ sĩ tập trung cả vợ chồng con cái trong một đoàn, dù là thiếu thốn vật chất nhưng rất vui vẻ".

Bà cười rất tươi khi kể về những đêm đỏ đèn đông khách, những đêm dài gánh hát đắp chiếu vì trời mưa. Lúc ấy, ông bầu phải tìm mọi cách kiếm gạo nuôi đoàn, có nhiều lần cả đoàn phải ăn cơm với tương chao cả tuần. Thời đó các đoàn cải lương về tỉnh chỉ ở nhờ nhà dân, cảm động nhất là lúc nào xin ở nhờ cũng được người dân chào đón  vui vẻ... 

Vợ chồng bà chèo chống đoàn hát gần 15 năm rồi giải tán, bà chuyển sang hát cho đoàn Sài Gòn 3 của nghệ sĩ Nam Hùng. Năm 1996, chồng mất, sau đó bà tìm đến với viện dưỡng lão nghệ sĩ. Từ một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng có vẻ đẹp hiền hậu nên nhiều đạo diễn mời bà đóng phim, các phim bà đã đóng: Mùa len trâu, Ngọn nến Hoàng cung, Dốc tình, Vòng xoáy tình yêu... Thời gian còn lại bà làm thư ký cho hội dưỡng lão, chăm sóc anh em nghệ sĩ cao tuổi lúc ốm đau, với tâm nguyện: "Hãy cố làm những gì tốt đẹp cho đồng nghiệp một thời của mình để họ bớt cô đơn và sống vui vẻ trong quãng đời  còn lại...".

TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

Quỳnh Anh