NSND Lê Khanh: Tôi đã từng khước từ danh vọng

Google News

“Sự im lặng của tôi với điện ảnh trong một thời gian dài đã khiến nhiều người băn khoăn…”, NSND Lê Khanh chia sẻ.

Lê Khanh được xem là một biểu tượng của nền sân khấu kịch nói Việt Nam. Chị là người Việt Nam trẻ nhất được phong danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân cao quý cho đến thời điểm này.

 Hơn 20 năm làm nghề, với Lê Khanh, dường như sự day dứt, trăn trở chưa bao giờ vơi cạn. Câu chuyện cuối năm với chị, ngoài niềm vui vì những nỗ lực cống hiến còn có điều gì đó man mác và đau đáu bởi những dang dở, mai một của nhiều giá trị nghệ thuật đẹp đẽ. 

 NSND Lê Khanh.

Ngày xưa, ở tuổi 17, chị đã có những vai diễn thành danh. Hẳn chị đã dành thời gian tĩnh tâm trước một sự lựa chọn nào đó?

Ngày xưa, khi mới bắt đầu bước chân vào Nhà hát Tuổi trẻ, tôi đã dám vứt bỏ 10 năm không làm điện ảnh. Một cô gái 16 tuổi dám khước từ hào quang ở độ tuổi long lanh nhất, đẹp nhất, tôi nghĩ ngoài mình ra, sẽ không có người thứ hai.

Sự hi sinh đó chỉ để hình thành một phong cách sân khấu và tập trung cho các vai diễn của mình trên sân khấu. Người nghệ sĩ, quan trọng nhất là phải biết sở trường, niềm đam mê và hạn chế những sự phân tán khác. Không ai có thể làm tốt một lúc tất cả mọi việc.

Lý thuyết luôn là vậy nhưng không phải ai cũng dám dũng cảm khước từ những cơ hội lớn và bước qua những tham vọng?

Thực ra là mình cũng tiếc. Vì đó là cái tuổi triển vọng nhất, cơ hội tốt nhất để mình toả sáng. Lúc đó mình như mặt trời mới mọc vậy. Nhưng rồi bỗng nhiên mình khép lại tất cả. Sự im lặng của tôi với điện ảnh trong một thời gian dài đã khiến nhiều người băn khoăn. Nhưng tôi khép lại cái này để mở ra cái kia. Và cuối cùng thì ông Tổ đã thấu, hiểu được sự hi sinh của mình. Tôi hiểu rằng mình hi sinh cho mình. Mình đã có một tình yêu tuyệt đối với sân khấu kịch nói. Và trong vòng 10 năm, mình đã có một sự nghiệp và những vai diễn tuyệt vời. Tôi nghĩ, với một người nghệ sĩ, đôi khi người ta cũng chỉ ao ước đến thế, nghĩa là được đóng Juliet một lần trong đời. 

 

Điện ảnh vẫn là một sự tiếc nuối đối với chị, nhưng sau này, tôi nghe nói có nhiều lời mời đến với chị ở lĩnh vực này nhưng chị đã từ chối?

Thú thực là cho đến bây giờ, mình vẫn đắm đuối với kịch nói quá. Ngoài ra bây giờ tôi thấy người ta đóng phim như diễn kịch mà đóng kịch lại như diễn phim. 

Nghĩa là đóng phim mang tính biểu diễn, biểu hiện nhiều quá, không có cái vẻ dung dị như đời thường, trong khi điện ảnh cần điều đó. Đến lúc lên sân khấu họ lại bị nhợt nhạt, không sắc nét vì đi đóng phim quen rồi. Ở đó lời không cần thuộc, tiếng đã có người lồng, thành ra họ không có hồn có vía. Bên nào cũng bị nghiệp dư. Cuối cùng cái gì cũng chơi vơi, không đến được cái đỉnh của sự chuyên nghiệp. 

Mẹ tôi, nghệ sĩ nhân dân Lê Mai, từng hoang mang lắm. Có lần cụ bảo: “Ngày mai người ta bảo mẹ đi quay mà mẹ còn chưa biết nó quay cái gì, ở đoạn nào, nói năng ra làm sao”. 

Đó là lí do khiến chị vẫn còn ngại ngần với các vai diễn trên truyền hình?

Tôi muốn được làm nghề một cách thực sự nhất. Ở tuổi này rồi tôi không quá ham hố điều gì cho danh vọng. Cái tôi cần là nghệ thuật. Tôi có cảm giác nhiều nghệ sĩ bây giờ cứ tưởng là mình đang đi làm nghệ thuật nhưng thực ra là không phải. Làm sao có thể gọi đó là nghề, mà chỉ là một thứ hàng nhái. Điều đáng tiếc nhất, chính những người làm nghệ thuật đang tự hạ thấp nghề nghiệp của mình. Ngạc nhiên hơn nữa là họ luôn có lí do và lí do nào cũng có vẻ chính đáng. Nhưng tôi nghĩ đó là sự huỷ hoại. 

Phim truyền hình hay điện ảnh Việt Nam bây giờ chỉ có thể tính theo ngày, lâu hơn nữa thì tính theo tháng. Kiểu dạng ăn liền, có ngay rồi đi luôn. Tâm thức làm nghề như thế thì làm sao có được những tác phẩm kinh điển được. 

Vì thế, dường như đã qua rồi cái thời kinh điển của các tác phẩm điện ảnh Việt Nam trên tất cả mọi thể loại?

Ngoài cái tâm thế làm nghề ngày càng xô bồ, mai một của một số bộ phận nghệ sĩ thì chúng ta cũng phải nhìn nhận một cách công bằng về thực trạng xã hội hiện nay. Ngày xưa, môi trường nghệ thuật của Việt nam rất khép kín. Cái gọi là nghệ thuật của thế giới cũng chỉ là những bộ phim của các nước trong cùng khối xã hội chủ nghĩa.  

 

Khi mình không được nhìn ra thế giới thì những gì mộc mạc mình có lại trở thành thứ duy nhất. Hơn nữa, tác phẩm của mình những năm ấy gắn liền với những thời điểm đặc biệt của lịch sử. Chúng dễ lay động lòng người. Những gì trước mặt đều dễ trở nên long lanh. Người ta xem phim còn là xem lại một giai đoạn lịch sử của đất nước. Còn về kỹ thuật điện ảnh thì làm sao có thể so sánh với thế giới lúc đó và hiện tại Việt Nam bây giờ. 

Nhưng thứ công nghệ thô sơ đó lại được đi liền với những sự tâm huyết vô cùng. Ngày đó, người ta làm gì cũng chỉn chu. Sẵn sàng bỏ ra ba ngày chỉ để “săn bắt” một hình ảnh đẹp, một chân trời bình minh để đạt đến xúc cảm. Bây giờ thì không thể có được điều đó. Cộng với việc ăn theo các tác phẩm kinh điển của thế giới, chúng ta bắt đầu đổ xô đi bắt chước. Nhưng làm gì có sự bắt chước nào mà hay hơn được. 
Theo Đời sống & Pháp luật