Nhạc phẩm Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng do nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác, mỗi độ tháng tư về lại vang lên rộn rã. Cũng trong một ngày cuối tháng tư, tôi đã may mắn được ông kể cho nghe câu chuyện thú vị về quá trình ra đời bài hát bất hủ ấy.
|
Nhạc sĩ Phạm Tuyên |
Góp thêm tiếng reo vui mừng chiến thắng
“Ngay đầu tháng 4/1975, tin chiến thắng vang dội từ các chiến trường phía Nam: Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng… đã thôi thúc cánh nhạc sĩ chúng tôi sáng tác. Tôi dự định phải viết một bản hợp xướng thật hoành tráng để ca ngợi chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta. Thế nhưng mỗi ngày lại có thêm một tỉnh giải phóng, tin thắng trận bay về dồn dập, sức tiến công của quân dân ta không thể nào bì kịp.
Bản tin chiều ngày 28/4/1975 của Đài tiếng nói Việt Nam về hành động oanh tạc sân bay Tân Sơn Nhất của phi công Nguyễn Thành Trung là cú hích quan trọng cho ra đời bài hát Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng.
“Quân địch bị tấn công bất ngờ, chúng hoảng loạn không kịp phản ứng. Đường băng Tân Sơn Nhất đã bị phá hủy, tê liệt không hoạt động được”. Nghe xong tin ấy, ý nghĩ thắng lợi luôn thường trực trong đầu tôi. Tiến vào Sài Gòn rồi, giải phóng chỉ trong nay mai thôi. Khi ấy mọi người đều xuống đường mừng giải phóng, không ai ngồi nhà mà nghe hợp xướng của mình nữa đâu! Nên phải viết ngay một cái gì đó, góp một tiếng reo vui cùng mọi người mừng chiến thắng.
Trong nguồn cảm hứng dào dạt, 2 tiếng đồng hồ sau bài hát được hoàn thành, không cần sửa một câu, một chữ. Hôm sau khi tôi đưa hội đồng duyệt, anh em đùa: "Sao giống như bài hát viết cho thiếu nhi!". Và định để dành đến 7/5 kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ mời dàn dựng.
Không ngờ thắng lợi nhanh đến thế! 30/4, cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Tất cả mọi người đều cuống lên, ông Trần Lâm, Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam gọi điện cho tôi, giọng gấp gáp: “Này ông Tuyên ơi, giải phóng miền Nam rồi, cắm cờ trên Dnh Độc Lập rồi, tiến về Sài Gòn rồi, ông xem có bài nào mới không, chả nhẽ lại hát lại bài hát cũ?”. Tôi vội vã đến 58 Quán Sứ, gặp Giám đốc tôi nói luôn rằng, tôi chỉ có bài này thôi và hát: "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng…". Vừa nghe xong, gương mặt Giám đốc rạng rỡ: “Trúng rồi, phải dàn dựng thu thanh ngay để kịp truyền đi cùng tin thắng trận ra toàn thế giới.”
Suốt đêm hôm ấy, mỗi lần đọc xong tin thắng trận, bài hát lại cất lên vang dội quan làn sóng phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam. Ngày 1/5, người dân đổ xuống đường ăn mừng chiến thắng. Quanh bờ hồ, trên các xe mui trần đã thấy quân nhạc thổi rền vang “Việt Nam – Hồ Chí Minh, Việt Nam – Hồ Chí Minh”. Buổi chiều, khi đứng ngoài ban công, nghe các loa phát thanh trong thành phố đồng loạt cất vang bài hát ấy cả hai vợ chồng tôi đều bồi hồi xúc động. Những lần trước khi nghe bài hát của mình được phát sóng tôi hay chú ý xem ca từ, giai điệu xem đã đúng chưa. Lần này thì khác, cảm giác như bài hát đã có sẵn đâu đó rồi, mình không viết cũng có người khác viết thay”.
Rửa huân chương bằng … một nồi cháo
Trong mấy trăm tác phẩm do nhạc sĩ
Phạm Tuyên sáng tác, không có một tác phẩm nào có số phận đặc biệt như bài hát:
Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Nó vượt qua thử thách của thời gian, đến với mọi từng lớp, giai cấp trong xã hội, không phân biệt biên giới quốc gia. Từ cụ già đến trẻ con, từ miền xuôi lên miền ngược đều hát bài hát ấy. Ở một số nới bài hát còn được dùng như bài ca “giã bạn” để kết thúc các cuộc gặp gỡ, mít tinh, văn nghệ quần chúng.
Năm 1970, khi đoàn ca múa nhạc của Việt Nam sang biểu diễn ở Nhật Bản, Hội âm nhạc Lao động Nhật đã gửi tặng đoàn bản in bài hát Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng bằng tiếng Nhật. Có người nước bạn còn nói: “Chúng tôi ca ngợi chiến thắng 30/4 của các bạn, cao hơn nữa là ca ngợi đất Việt Nam nhỏ bé nhưng anh hùng, đã đánh tan đế quốc thực dân, giải phóng dân tộc, mà điều đó chỉ có ở thời đại Hồ Chí Minh”.
Năm 2006, nhạc sĩ Takimoto sang Việt Nam sáng tác, ông đã dùng trọn vẹn ca khúc này để mở đầu cho dàn nhạc của ông. Với giọng ca Trọng Tấn – Khánh Linh, tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc trong hai đêm biểu diễn tại Quảng Ninh và Hà Nội.
Thêm một niềm vui từ bài hát, năm 1985, Phạm Tuyên được nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III với thành tích: đã có tác phẩm ca ngợi chiến thắng của nhân dân ta trong ngày đại thắng. Đó thực sự là một bất ngờ lớn với ông, bởi từ trước đến nay chưa có tiền lệ thưởng cho một bài hát! Sau lần ấy, anh em trong Nam hay đùa “xin rửa huân chương” vì cứ nghĩ thể nào ông cũng được một khoản tiền kha khá. Thực tế, như lời Giám đốc Trần Lâm đã nói với ông: “Thế đã là ưu tiên lắm, có cả khung cả kính, như người khác chỉ được một cuộn giấy thôi”. Dạo ấy còn khó khăn, ông quyết định bắt mấy con gà nuôi trên gác, làm một nồi cháo khao bạn bè.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng nhận xét: "Nhạc Phạm Tuyên dễ hiểu, dễ thuộc, dường như ai viết cũng được, nhưng chỉ có thể khi ông ấy đã viết ra. Một lần, khi được hỏi về thời gian sáng tác bài hát, ông cười trả lời: “Tôi viết trong 2 tiếng cộng cả cuộc đời! Bởi nếu không sóng những ngày gian khổ, không nuôi khát vọng giải phóng dân tộc, làm sao cảm xúc có thể vỡ òa cùng ngày chiến thắng. Để có được như ngày hôm nay chúng ta đã phải đổi bằng máu và nước mắt”.
Không chỉ thành công với những tác phẩm gắn liền với từng thời kỳ lịch sử của dân tộc, Phạm Tuyên còn là “cha đẻ” của hàng loạt các ca khúc dành cho thiếu nhi: Chú voi con ở bản Đôn, Tiến lên đoàn viên, Chiếc đèn ông sao, Hành khúc đội thiếu niên tiền phong HCM, Cô và mẹ, Cánh én tuổi thơ…
Với những đóng góp của ông cho nền âm nhạc nước nhà, tháng 4/2012, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt IV về văn học nghệ thuật với cụm tác phẩm: Những ngôi sao ca đêm, Từ làng Sen, Đêm trên Cha Lo, Tiến lên Đoàn viên, Đảng đã cho tôi mắt sáng lòng trong.
Đây là niềm vinh dự lớn cho người nghệ sĩ, thế nhưng với ông, phần thưởng lớn nhất đối với một người sáng tác là tác phẩm của mình có chỗ đứng trong lòng công chúng.
|
TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
Nguyệt Cát