Phước “khùng” bán đàn, chụp ảnh thuê vì quá yêu Đà Lạt

Google News

(Kiến Thức) - Thiếu tiền làm triển lãm nên gã đành dứt ruột đem bán hai đàn ghi ta cùng chiếc kèn quý vốn đã gắn bó với gã quá nửa đời người.

Chưa bao giờ người dân Đà Lạt (Lâm Đồng) thấy MPK - Phước “khùng” nghèo khó như lúc này. Tôi gặp gã trong một quán cà phê lụp sụp lúc trời đang sụt sịt đổ mưa. Cái se lạnh của Đà Lạt cùng những hạt mưa chuyển mùa đã bắt đầu rơi nhưng người Phước vẫn nóng hầm hập, vầng trán lấm tấm mồ hôi. Gặp tôi gã thanh mình ngay. Vì thiếu tiền làm bộ ảnh triển lãm Đà Lạt tròn 120 năm nên mới phải đi bộ đến gần chục cây số chụp hình thuê cho một đơn vị gần Thung Lũng Tình Yêu.
 Phước "khùng" đang cười bỗng buồn rười rượi

Đang cười ha hả bỗng gã im bặt, chắp 2 tay lên đầu, vầng trán suy tư như đang nuối tiếc điều gì. Tôi gạ hỏi, gã lắc đầu nói: “Trơi mưa thì buồn!...”. Nhưng tôi biết, Phước không bao giờ buồn mỗi khi Đà Lạt nũng nịu đổ mưa, thậm chí với một người đa sầu, đa cảm như Phước trời mưa lại là một niềm hạnh phúc của riêng mình.

Cuối cùng, gã cũng phải thú thật. 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển đã đến mà tiền gã lại cạn ráo. Không còn tiền làm triển lãm, Phước “khùng” đành gọi người bán luôn 2 cây đàn ghi ta cùng chiếc kèn quý là những kỷ vật đã gắn bó với gã quá nửa đời người.

Phước kể rằng, ngày trao đàn, kèn, cho khách đem về xứ người, gã buồn muốn phát khóc, phát điên, suốt mấy ngày liền người gã bần thần như kẻ mất hồn. Lâu nay, Phước “khùng” vốn khinh đồng tiền nhưng đến lúc này cũng vì đồng tiền mà gã đành phải dứt ruột đem kỷ vật đi bán với giá hơn 10 triệu đồng. Chưa bao giờ Phước “khùng” thấy đồng tiền quý như lúc này.

Không cần Phước giải thích, những người phố núi ai cũng hiểu, “khùng” không hành động như vậy nếu không nặng lòng với Đà Lạt. Phước yêu đàn, quý kèn như yêu chính bản thân mình nhưng không thể yêu đàn bằng tình yêu Đà Lạt, một thứ tình cảm thiêng liêng mà vốn đã ngấm vào trong máu, trong thịt của Phước.  

Đến nay, số lần gã mở triển lãm cho Đà Lạt hai lần đôi bàn tay không đếm hết. Du khách gần xa, trong và ngoài nước tìm đến Đà Lạt ngày càng nhiều trong đó một phần cũng là công của Phước. Bằng những hình ảnh rất đỗi đời thường nhưng qua góc nhìn độc đáo cùng khoảnh khắc bấm máy điêu luyện, Phước đã đem đến cho công chúng những tấm hình đầy chất nghệ thuật.
 Một tấm hình của Phước

Bởi vậy, nhiều người đến Đà Lạt tò mò muốn được nhìn thấy Phước lăn lóc săn hình, muốn tìm đến những nơi Phước thường ngồi vào mỗi buổi sáng tận hưởng ly cà phê. Phước hy sinh cho Đà Lạt mà chưa bao giờ đòi hỏi miền đất này phải ưu ái gì cho gã.

Năm ngoái, cũng vì thiếu tiền mà Phước lỡ hẹn Festival hoa Đà Lạt một bộ ảnh triển lãm. Sau lần đấy, gã như thấy có lỗi với thành phố nơi gã sinh ra. Vậy là lần này, cho dù phải bán đàn, bán kèn, lội bộ cả chục cây số đi chụp hình thuê gã cũng quyết thực hiện bằng được, miễn sao kiếm đủ số tiền làm 120 tấm hình, biểu tượng cho 120 năm Đà Lạt ngần ấy tuổi. Gã nói khổ thế nào gã cũng cam chịu.

Loay hoay xoay tiền suốt mấy tháng trời, bán cả đàn, cả kèn Phước “khùng” mới chỉ kiếm được 15 triệu, làm được vài chục tấm hình. Thời gian này, gã lo đến toát mồ hôi bởi không biết có đủ tiền để ra ảnh đúng vào dịp Đà Lạt 120 hình thành và phát triển hay không.

Khắc Lịch