Violist Dương Minh Chính: Tôi mê một “người tình” như A.Stvarivarius

Google News

(Kiến Thức)-"Có những cây đàn trị giá hàng triệu USD, nghệ sĩ muốn “mượn” phải có bảo lãnh của một nhà băng. Hiện, Việt Nam chưa có cây đàn nào có giá như thế cả"


Bốn tuổi, Dương Minh Chính học violin với cha- một giảng viên thuộc thế hệ đầu tiên của Học viên Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Bốn mươi tuổi, Chính đề huề vợ con, giảng dạy tại khoa Dây (77 Hào Nam, Hà Nội), thỉnh thoảng làm “bầu sô” để tổ chức biểu diễn giao lưu với các giàn nhạc giao  hưởng nước ngoài. 

Làm kẻ tha phương cầu cổ điển

Phóng xe Wave RS giữa đường phố Hà Nội để đi đón vợ mỗi chiều tan sở có khác nhiều với tuổi trẻ nghịch tuyết, học đàn ở nhạc viện Matxcova?

                  Ông thầy Việt dạy học trò xứ bạch dương thành danh.

Khác chứ! Hà Nội thì bụi, con phố Hào Nam mà tôi thường xuyên qua lại thì cũng đầy bụi. Cầu trên đường đang làm dở, cát bụi làm cho mình thấy yêu cái khẩu trang hơn. Mà nguồn gốc của yêu cái khẩu trang lại do phải đưa đón vợ nhiều. Thành ra, có bao nhiêu cái khẩu trang để chống bụi thì cũng là tần suất di chuyển trong thành phố này vì vợ con cả thôi!(cười).

Matxcova, Pusan hay những cuộc viễn diễn ở Pháp, Nam Tư, Đức, Bỉ…thì lúc đó, tôi là một kẻ tha phương cầu…cổ điển. Chuyến đi xa nhất đầu tiên là năm 14 tuổi, rời Hà Nội sang Nga, gặp ngay một mùa thu của xứ bạch dương. Đẹp lộng lẫy sắc vàng và đỏ. Rồi đến mùa tuyết, chơi với tuyết, mới biết mình cần mạnh mẽ như thế nào để khổ luyện với từng bản nhạc ở Nhạc viện Novosibirsk.

Tuổi trẻ là tập hợp những cuộc di chuyển vì violin, anh có thấy đó là sự lựa chọn đúng đắn?

Chẳng đùa được với sự lựa chọn ấy đâu! Bởi, có đi mới học được một trường phái violin cổ điển Nga.

Thế hệ chúng tôi có gần 20 người sang Nga du học. Có kẻ đã rẽ sang ngả khác để kiếm tiền. Ai ở lại được với âm nhạc thì cũng phải vững tâm để trải qua nhiều biến đổi của thời cuộc. 

Ngay như khi ở Nga, tôi cũng di chuyển. Từ nhạc viện Tchaikovsky học hệ trung cấp, đến Novosibirsk, học lên đại học và làm nghiên cứu sinh tại Nhạc viện quốc gia Glinka. Lĩnh hội được các kiến thức âm nhạc, tôi thích làm một thầy giáo. Dạy cho bọn trẻ con ở Nga có nhiều điều tuyệt vời lắm. 

Rồi từ Nga, lại sang Hàn Quốc để làm gần 3 năm, dành trọn thời gian sống và biểu diễn ở giàn nhạc New Prime Philhamonic Orchestra Busan (NPOB). Chơi nhạc ở Hàn Quốc là kiếm được tiền, hiểu được mối quan hệ rất đắt giữa ông chủ của cây đàn-nhà băng-nghệ sĩ.

Ở Hà Nội chưa có ông chủ nào sở hữu một cây vĩ cầm có thương hiệu, để mời nghệ sĩ chơi với sự thế chấp của một nhà băng?

Sẽ có nếu như một số người giàu và rất giàu thích sưu tập những cây đàn đắt tiền. Ở nước ngoài, những người giàu, có đàn muốn tìm tên tuổi nghệ sĩ độc tấu nổi tiếng để cho “mượn” cây đàn đó. Việc này giúp nghệ sĩ có được một nhạc cụ tốt hơn, và đại gia quảng bá danh tiếng vang hơn.

Có những cây đàn trị giá hàng triệu USD, nghệ sĩ muốn “mượn” phải có bảo lãnh của một nhà băng. Hiện, Việt Nam chưa có cây đàn nào có giá như thế cả.

Tôi nhớ, trong cuộc recital (độc tấu) tại Pusan, Hàn Quốc, tôi đã được chơi với cây đàn A.Stvarivarius. Đó là một người tình có màu sắc và âm vực quyễn rũ đến chết người. Nguồn gốc từ Ý, qua Pusan và được sở hữu bởi một người giàu có yêu nhạc cổ điển, A.Stvarivarius là một kỉ niệm đẹp trong cuộc đời biểu diễn của tôi.

Không có cảm giác tót vời

Anh đã từng nỗ lực học tập nơi xứ người suốt hơn 20 năm, kiên trì tham gia cuộc thi violin toàn Nga và quốc tế. Giá trị đĩnh đạc của học thuật violin đã giúp anh chiến thắng tại cuộc thi concours như thế nào?

Không thể phủ nhận những giá trị của âm nhạc cổ điển đã mang tới cho tôi sự bình an, thuần khiết về mặt tinh thần. Tựa như một niềm tin tôn giáo. Ở đó, tôi tìm thấy tôi sau nhiều thăng trầm của cuộc sống.

Những cuộc thi violin quốc tế thì là nơi quy tụ nhiều tài năng. Muốn chiến thắng thì mình phải thực sự khổ luyện, phải bứt phá đúng thời điểm. Nhưng chạm tới vinh quang rồi, tôi thấy cũng bình thường. Như một người nông dân gặt lúa sau một chu kì nắng mưa với ruộng đồng. Hoàn toàn không có cảm giác tót vời gì cả!

 Dương Minh Chính: “Hạnh phúc của tuổi này là bế con, chăm vợ”.

Thế còn hạnh phúc của một người thầy khi được chính hiệu trưởng Nhạc viện Magnhitogorsk đánh giá “Bẩm sinh Chính có khả năng hiếm có, anh có thể đi sâu vào từng tâm hồn học sinh, hào phóng truyền cho họ sự chuyên nghiệp”?

Tôi trân quý lời đánh giá đó. Nhưng, tiềm ẩn violin trong con người mình cần được phát hiện nhiều hơn với thời gian. 

Bọn trẻ ở Nga đã học violin theo tư duy của một cái nôi âm nhạc cổ điển rất rõ ràng. Còn ở Hàn Quốc, học violin là dành cho tầng lớp thượng lưu, những người theo Thiên chúa giáo. Còn ở Việt Nam, người học violin hoặc là gia truyền, hoặc là suy nghĩ hướng theo một trào lưu tích cực.

Dạy đàn ở nhiều môi trường âm nhạc cổ điển khác nhau, tôi không nghĩ sự đồng nhất về xuất phát điểm là cần thiết lắm. Điều cần nhất là học trò biết tập trung với niềm đam mê. Mà đã mê rồi thì dễ khai phá chính mình hơn.

Gia đình anh là một trường hợp đặc biệt vì cha truyền con nối. Anh trai anh đang chơi trong giàn nhạc giao hưởng ở Đức có bàn với anh về sự truyền dạy cho các con về âm nhạc cổ điển?

Cả bố, anh trai và tôi đều muốn truyền tình yêu âm nhạc cổ điển cho các con, cháu. Nhưng, không đặt quyết định bắt con phải lựa chọn.

Đôi tai của con trai tôi rất nhạy cảm với âm thanh. Mỗi lần nghe ba chơi đàn là như bị mê hoặc, quên các trò chơi, quên khóc, quên ăn. Tôi sẽ dạy cho con biết chơi đàn. Còn lựa chọn làm nghề hay không còn tùy vào bé.


- Dương Minh  Chính sinh ngày 1 tháng 3 năm 1971 tại Hà Nội. 

- Từ 1978-1986, Dương Minh Chính học dàn violin tại Nhạc viện Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, anh tham gia cuộc thi violin quốc tế mang tên Henryk Wieniawsky ở Ba Lan và được giải "Special Prize".

- Năm 1991, anh tốt nghiệp Nhạc viện Tchaikovsky. Nơi anh học với các GS. nổi tiếng như E. Demidenko, L. Slavianova. Anh học master ở Nhạc viện Novosibirsk với GS. M. Kuzina.

-  Năm 1998 anh học xong chương trình post-graduated dưới sự hướng dẫn của GS. M. Turich. Từng làm việc vài năm cho dàn nhạc thính phòng của Novosibirsk Philharmonic, Anh cùng dàn nhạc này đi diễn nhiều nơi như ở Moscow, St. Peterburg, Yugoslavia, Germany, France, Italia, Belgium...

- Tại cuộc thi concours “Nghệ thuật của thế kỷ 21” tổ chức tại Áo, vào cuối năm 2005, Dương Minh Chính đạt giải cao nhất. Tiếng đàn của một nghệ sĩ sinh ra ở Việt Nam, trưởng thành tại Nga, đã tiếp cận được giá trị đĩnh đạc của học thuật violin để chiến thắng.

- Tòa thị chính Magnhitogorsk đã trao cho Dương Minh Chính danh dự “Công dân đáng kính” của thành phố. Lý do để tên anh được nhắc lên trong dịp trang trọng giữa cộng đồng dân cư này là: trong 5 năm giảng dạy, Dương Minh Chính đã đào tạo được 30 tài năng violin trẻ, trong đó 18 em đoạt giải chính thức tại các cuộc thi toàn Nga và thế giới, 12 em đoạt giải không chính thức (bằng khen, diplomas). 
 

Sam Nương