Thảm họa điện hạt nhân trầm trọng nhất trong lịch sử nhân loại
Cách đây tròn 30 năm, ngày 26/4/1986, lò phản ứng số 4 của Nhà máy điện Chernobyl phát nổ, gây ra thảm họa điện hạt nhân trầm trọng nhất trong lịch sử nhân loại.
|
Quang cảnh lò phản ứng hạt nhân số 4 sụp đổ sau vụ nổ ngày 26/4/1986. Ảnh Reuters |
Do không có tường chắn, đám mây bụi phóng xạ tung lên từ nhà máy lan rộng ra nhiều vùng phía tây Liên Xô, Đông và Tây Âu, Bắc Âu, Anh quốc và miền đông nước Mỹ. Nhiều vùng rộng lớn thuộc Ukraine, Belarus và Nga bị ô nhiễm nghiêm trọng, dẫn tới việc phải sơ tán và tái định cư cho hơn 336.000 người. Khoảng 60% đám mây phóng xạ đã rơi xuống Belarus. Thảm hoạ này phát ra lượng phóng xạ lớn gấp 400 lần so với quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima.
Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl mang tên V. I. Lenin nằm ở thị trấn Pripyat, Ukraine. Nhà máy có 4 lò phản ứng, mỗi lò công suất 1 gigawatt (GW) và cả bốn lò phản ứng sản xuất ra khoảng 10% sản lượng điện của Ukraine ở thời điểm xảy ra vụ tai nạn. Bốn tổ máy phát điện sử dụng lò phản ứng kiểu RBMK-1000.
Ban quản lý nhà máy điện phần lớn gồm những người chưa được đào tạo về kiểu lò RBMK. Giám đốc, V.P. Bryukhanov được đào tạo về nhà máy nhiệt điện dùng than. Kỹ sư trưởng Nikolai Fomin cũng là người đã làm việc tại một nhà máy phát điện thông thường. Anatoliy Dyatlov, phó kỹ sư trưởng của các lò phản ứng số 3 và số 4, chỉ có "một số kinh nghiệm về những lò phản ứng hạt nhân loại nhỏ", cụ thể là những lò phản ứng nhỏ kiểu VVER được thiết kế cho các tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô.
Những người điều hành đã vi phạm các quy trình quản lý nhà máy, một phần vì họ thiếu thông tin về những nhược điểm trong thiết kế của lò phản ứng hạt nhân RBMK.
Nhiều hành động trái quy tắc khác cũng góp phần vào nguyên nhân gây ra tai nạn. Đáng chú ý là những người điều hành đã tắt nhiều hệ thống an toàn của lò phản ứng, điều này bị cấm ngặt theo hướng dẫn kỹ thuật điều hành nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.
Những hậu quả của thảm họa hạt nhân Chernobyl
Thảm họa điện hạt nhân Chernobyl đã gây ra một đám mây phóng xạ lan rộng không chỉ tới Nga, Belarus và Ukraine mà còn bao trùm một phần Thổ Nhĩ Kỳ, Moldova, Litva, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Áo, Cộng hòa Séc và Cộng hòa Slovakia, Slovenia, Thụy Sĩ, Đức, Italia, Pháp và Anh...
Các báo cáo từ phía các nhà khoa học Liên Xô và phương Tây cho thấy Belarus tiếp nhận 60% lượng ô nhiễm của toàn bộ Liên bang Xô viết cũ. Tuy nhiên báo cáo TORCH 2006 cho thấy một nửa số hạt hay hơn đã rơi xuống bên ngoài Ukraina, Belarus và Nga. Một diện tích đất đai rộng của Liên bang Nga phía nam Bryansk và nhiều vùng khác phía tây bắc Ukraina cũng bị ô nhiễm.
Tháng 9/2005, một dự thảo báo cáo vắn tắt của Diễn đàn Chernobyl - gồm một số cơ quan Liên hiệp quốc như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), các tổ chức Liên hiệp quốc khác và các chính phủ Belarus, Liên bang Nga và Ukraine - đưa ra con số dự đoán tổng số người chết vì vụ tai nạn hạt nhân Chernobyl là 4.000.
Năm 2006, Bộ Y tế Ukraine cho rằng hơn 2,4 triệu người Ukraine, trong đó có 428.000 trẻ em, gặp phải các vấn đề sức khỏe liên quan tới thảm họa Chernobyl. Theo Liên minh Chernobyl - tổ chức chính của những người bị nhiễm phóng xạ, 10% trong số 600.000 người nhiễm xạ hiện đã chết và 165.000 người bị tàn tật.
Ngoài 300.000 người tái định cư vì thảm họa hạt nhân Chernobyl, hàng triệu người vẫn sinh sống trong khu vực bị nhiễm xạ. Các chuyên gia hạt nhân đang làm nhiệm vụ dọn dẹp hiện trường ước tính, sớm nhất phải 3.000 năm nữa con người mới có thể quay lại đây sinh sống.
Khi được hỏi bao giờ thì khu vực quanh lò phản ứng hạt nhân mới có thể có người sinh sống trở lại, Giám đốc nhà máy điện hạt nhân Chernobyl Ihor Gramotkin trả lời: “Ít nhất phải 20.000 năm”.
Thảm họa hạt nhân Chernobyl có thể tái diễn ở Ukraine?
Các chuyên gia từng tham gia xử lý hậu quả thảm họa hạt nhân Chernobyl lo ngại rằng thảm họa hạt nhân Chernobyl có thể còn tái diễn ở Ukraine.
Là người từng tham gia xử lý hậu quả thảm họa hạt nhân, Anh hùng Liên Xô, tướng không quân Nikolai Antoshkin, cho biết: "Hiện vẫn chưa hoàn tất công việc làm quách để chôn phóng xạ. Thậm chí, người ta còn muốn đưa chất thải hạt nhân từ khắp châu Âu đến đó.... Nhưng ở Ukraine bây giờ, chính phủ không kiểm soát được và khủng bố ở khắp nơi…".
Theo tướng Antoshkin, một quốc gia hùng mạnh như Liên Xô thời đó mới có thể tổ chức bảo vệ các “đối tượng đặc biệt nguy hiểm” như các nhà máy điện hạt nhân, trong khi tình hình Ukraine bây giờ đáng ngại hơn nhiều.
Tướng Nikolai Antoshkin đặt câu hỏi: "Liệu Nhà nước Ukraine suy yếu như hiện nay có thể bảo vệ được cac lò phản ứng hạt nhân? Bất kỳ hành động khiêu khích nào trong vùng lân cận cơ sở hạt nhân đều gây hậu quả khôn lường. Nếu xảy ra điều gì, sau đó tất cả mọi nơi trên thế giới đều phải hứng chịu".
Minh Châu (TH)