Vụ rò rỉ thông tin mật này được coi là một trong các vụ rò rỉ lớn nhất trong lịch sử.
|
Bên ngoài trụ sở công ty Mossack ở Panama.
|
Một nhóm các nhà báo đã khảo sát một kho đồ sộ gồm tới 11,5 triệu tài liệu thuế, được gọi chung bằng cái tên “Hồ sơ Panama”, và chia sẻ số tài liệu này với toàn thế giới.
Vài điều về vụ tiết lộ thông tin mật này:
1. Các tài liệu này từ đâu ra?
Các tài liệu đó được lấy từ hãng luật Mossack Fonseca có trụ sở ở Panama. Chúng bao gồm các tài liệu có từ cách đây gần 40 năm, với các chi tiết về hơn 214.000 thực thể có mối liên hệ với công dân ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Các dữ liệu đã được nhật báo Đức Sueddeutsche Zeitung thu được từ một nguồn giấu tên.
2. Hãng Mossack Fonseca làm gì?
Thành lập vào năm 1977, hãng luật này là nhà cung cấp các dịch vụ hải ngoại lớn thứ 4 thế giới – các dịch vụ này bao gồm việc thuê ngoài (thuê các công ty bên ngoài thực hiện một số chức năng thương mại trong một đất nước nào đó bên ngoài nước mà sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó thực sự được sản xuất).
Mossack về cơ bản giúp xây dựng các công ty vỏ bọc - được lập ra để che giấu quyền sở hữu tài sản. Hoạt động toàn cầu của hãng này diễn ra ở các “thiên đường thuế” như là Thụy Sĩ và quần đảo Virgin thuộc Anh.
Ông Ramon Fonseca, đồng sáng lập của hãng, là cố vấn cho Tổng thống Panama Juan Carlos Varela.
3. Ai tiết lộ thông tin mật này?
Hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) – mạng lưới toàn cầu các nhà báo điều tra, và hơn 100 tổ chức tin tức trên toàn thế giới đã xuất bản kết quả điều tra của họ qua website panamapapers.icij.org.
Tổ chức ICIJ cho biết các tài liệu này đã được xem xét bởi một đội ngũ gồm trên 370 nhà báo của gần 80 nước, những người tác nghiệp bằng hơn 25 ngôn ngữ.
4. Các nhân vật “chóp bu” xuất hiện trong tài liệu này là ai?
Khoảng 140 chính trị gia của hơn 50 nước cũng như các nhân vật nổi tiếng đã được nêu tên trong bộ hồ sơ mật này. Trong số họ có các nguyên thủ quốc gia, các trợ lý của các nguyên thủ, và các quan chức được bầu ra.
Trong các chính trị gia đó có các vị ở Iceland, Saudi Arabia, Anh và Malaysia.
Ủy viên Ban Đạo đức FIFA Juan Pedro Damiani cũng bị phanh phui. Hãng luật của ông này khẳng định ông ta có quan hệ thương mại với 3 người đàn ông bị truy tố trong vụ scandal hối lộ FIFA.
Ngôi sao bóng đá Barcelona và Argentina Lionel Messi bị cáo buộc sở hữu một công ty bình phong cùng với cha mình.
Các hồ sơ cũng nhận diện một nhân vật rửa tiền đã bị kết tội – người này tuyên bố ông ta đã dàn xếp một khoản bất hợp pháp 50.000 USD dùng để chi trả cho 29 tỷ phú trong danh sách những người giàu của tạp chí Forbes và ngôi sao điện ảnh Hong Kong Jackie Chan.
5. Liệu có hoạt động bất hợp pháp nào cũng được công bố?
Mặc dù hầu hết các giao dịch bị ICIJ cáo buộc là hợp pháp, chúng vẫn có khả năng gây tác động chính trị nghiêm trọng lên nhiều người bị nêu tên, đặc biệt là lên danh tiếng của những vị đã thề thốt chống tham nhũng.
Trong một bài phát biểu ở Singapore vào tháng 7/2015, Thủ tướng Anh Cameron (người có tên trong Hồ sơ Panama) lên án gay gắt việc sử dụng các công ty hải ngoại để mua các bất động sản có giá trị cao ở London.
Ông Cameron nói: “Chúng ta biết là một số bất động sản có giá trị, đặc biệt ở London – đang bị một số người ở nước ngoài mua thông qua các công ty vỏ bọc giấu tên, trong đó có những công ty sử dụng tiền trộm cắp hoặc tiền đã được rửa. Mà ở Anh thì không có chỗ cho tiền bẩn”.
Danh sách 12 nhà lãnh đạo thế giới trốn thuế trong Hồ sơ Panama bị rò rỉ:
1. Tổng thống Argentina Mauricio Macri
2. Quốc vương Ả-rập Xê-út King Salman bin Abdulaziz bin Abdulrahman Al Saud
3. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko
4. Thủ tướng Iceland Sigmundur Davio Gunnlaugsson
5. Chủ tịch của Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất Khalifa bin Zayed bin Sultan Al Nahyan
6. Cựu Thủ tướng Georgia Bidzina Ivanishvili
7. Cựu Thủ tướng Iraq Ayad Allawi
8. Cựu Thủ tướng Jordan Ali Abu al-Ragheb
9. Cựu Thủ tướng Qatar Hamad bin Jassim bin Jaber Al Thani
10. Cựu Quốc vương Qatar Hamad bin Khalifa Al Thani
11. Cựu Tổng thống Sudan Ahmad Ali al-Mirghani
12. Cựu Thủ tướng Ukraine Pavlo Lazarenko.
Video về con đường chính trị của quan tham Trung Quốc Chu Vĩnh Khang (Nguồn VTV):
Theo VOV