Hồ sơ vụ ám sát Tư lệnh liên quân chống Taliban ở Afghanistan

Google News

Ngày 9/9/2001, tướng Ahmad Shah Massoud, tư lệnh các lực lượng chống Taliban ở Afghanistan đã bị ám sát bởi những kẻ mạo danh là “phóng viên” đến để phỏng vấn ông.

Quả bom được giấu trong chiếc máy quay video và trong túi đựng pin dự trữ. Masood qua đời khi trực thăng đưa ông đến một bệnh viện quân sự của Ấn Độ ở Farkhor gần Tajikistan.
Sau khi chế độ Taliban bị lật đổ, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đã vinh danh Massoud là “Anh hùng dân tộc" và ngày 9/9 hàng năm được xem là ngày lễ chính thức của quốc gia, gọi là “Ngày Massoud”…
Bài 1: Afghanistan và sự trỗi dậy của Taliban
“Sư tử Panjshir”
Là người thuộc sắc tộc Tajik theo đạo Hồi dòng Sunni, Massoud sinh ngày 2/9/1953 tại làng Bazarak, thung lũng Panjshir, miền bắc Afghanistan trong một gia đình nông dân. Tên chính thức của ông là Ahmed Shah còn cái tên Massoud là bí danh của ông khi ông gia nhập phong trào chống lại chính phủ Afghanistan do Mohammed Daoud Khan làm tổng thống, diễn ra hồi năm 1974.
Tốt nghiệp trung học, Massoud thi đỗ vào Đại học Bách khoa Kabul, ngành kỹ thuật cơ khí. Thời gian này, ông chịu ảnh hưởng của một giáo sĩ Hồi giáo hàng đầu Afghanistan là Burhanuddin Rabbani với khuynh hướng xây dựng Afghanistan thành một nhà nước Hồi giáo chính thống. Cũng do chịu ảnh hưởng của Rabbani, Massoud trở thành hội viên Jamiat-e Islami (Hiệp hội Hồi giáo) do Rabbani sáng lập. Nói thạo các thổ ngữ Dari, Pashtun,Urdu, tiếng Pháp và tiếng Anh, Massoud được xem như nhà lãnh đạo tương lai của Hiệp hội Hồi giáo.
 Tướng Massoud (đứng giữa) cùng các đồng đội ở thung lũng Panjshir.
Năm 1975, mặc cho sự ngăn cản của Massoud và Rabbani, cuộc nổi dậy lật đổ chế độ Mohammed Daoud Khan do Hiệp hội Hồi giáo tiến hành dưới sự chỉ huy của Gulbuddin Hekmatyar thất bại, dẫn đến sự chia rẽ sâu sắc trong hàng ngũ. Khi đó, những hội viên theo đường lối ôn hòa tập hợp xung quanh Massoud và Rabbani còn những người cực đoan ủng hộ Gulbuddin Hekmatyar. Đỉnh cao của cuộc xung đột là Hekmatyar tổ chức ám sát Massoud nhưng ông may mắn thoát chết.
Ngày 25/12/1979, khi Liên Xô đưa quân vào Afghanistan theo lời yêu cầu của Babrak Karmal, Chủ tịch ủy ban trung ương cách mạng Afghanistan, nhiều tổ chức vũ trang chống đối của các bộ tộc xuất hiện, nhất là tại miền bắc Afghanistan, gồm Jamiat-e Islami, Junbish-i Milli, Harakat-e Islami, Taliban…, trong đó Massoud thuộc Hiệp hội Hồi giáo nổi lên như một mujahideen (chiến binh thánh chiến) khôn ngoan và dũng cảm.
Danh tiếng của Massoud càng trở nên lừng lẫy khi ông chỉ huy mujahideen đánh bại cuộc bao vây thung lũng Panjshir của quân đội Liên Xô. Biệt danh “Sư tử Panjshir” cũng được dùng để gọi Massoud từ đó.
Ngày 15/2/1989, Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan. Sau nhiều cuộc đấu đá tranh giành quyền lực, mãi đến năm 1992, bản “Thỏa thuận hòa bình Peshawar” mới được các phe phái ở Afghanistan ký kết, Massoud trở thành Bộ trưởng Quốc phòng, Hekmatyar là thủ tướng nhưng ông này từ chối.
Thế nên, ngay khi bản thỏa thuận còn chưa ráo mực, Gulbuddin Hekmatyar cùng một số người đứng đầu các bộ tộc khác đã đưa lực lượng dân quân bao vây thủ đô Kabul nhằm chiếm quyền lãnh đạo đất nước. Dưới sự chống cự mãnh liệt của quân đội thuộc quyền chỉ huy của tướng Massoud, cuộc bao vây bị bẻ gãy với ít nhất 60.000 dân thường thiệt mạng.
Cuộc chiến chống Taliban
Lúc này, lực lượng mạnh nhất trong số các phe phái ở Afghanistan là Taliban - một phong trào Hồi giáo dòng Sunni do Mullah Mohammed Omar lãnh đạo, quy tụ các sinh viên thuộc bộ tộc Pashtun đang theo học ở các trường thần học Hồi giáo tại Pakistan. Với số lượng vũ khí dồi dào được cung cấp bởi Pakistan và đặc biệt là sự hỗ trợ về tin tức tình báo của Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI), Taliban tiến hành các cuộc đấu tranh quân sự, mở đầu cho việc kiểm soát đất nước Afghanistan trong suốt 5 năm sau này.
Dưới thời Taliban, nhiều đạo luật hà khắc được thực thi như việc đánh roi một thanh niên phạm luật Sharia.
Cuối năm 1994, Taliban mở màn bằng việc đánh chiếm các khu vực ngoại ô xung quanh thành phố Heart, phía tây thủ đô Kabul. Đến ngày 1-2-1995, 3.000 tay súng Taliban tấn công tổng lực vào thành phố này. Không một chút chậm trễ, Massoud dẫn 2.000 quân từ Kabul xuống để bảo vệ Herat.
Sau nhiều cuộc giao tranh đẫm máu, Taliban tháo lui. Nhận thấy lực lượng còn non yếu, Mullah Mohammed Omar, lãnh đạo Taliban tập trung vào việc tuyển mộ người. Chỉ một thời gian ngắn, con số các chiến binh Taliban đã lên đến 25.000.
Được Pakistan cung cấp xe bọc thép, súng phòng không, pháo binh hạng nặng, vũ khí cá nhân và các trang thiết bị khác cùng các cố vấn quân sự, Arab Saudi cung cấp tài chính, tháng 9-1995, Taliban tái tấn công đánh chiếm thành phố Herat. Từ đây, pháo tầm xa của Taliban liên tục nã vào Kabul.
Trong lúc này, Massoud và Rabbani - Chủ tịch Hiệp hội Hồi giáo vẫn đang loay hoay về một tiến trình hòa bình cho Afghanistan. Sau nhiều nỗ lực, tháng 2/1996, tất cả các phe phái vũ trang ở Afghanistan - ngoại trừ Taliban - đã đồng ý thành lập một hội đồng để bầu một chủ tịch lâm thời. Nhiều khu vực của bộ tộc Pashtun - mặc dù đang nằm dưới quyền kiểm soát của Taliban - cũng lên tiếng ủng hộ cho dù những nhà lãnh đạo Taliban là Mullah Omar và Kandaharis vẫn quyết tâm mở rộng cuộc chiến.
Được sự cố vấn của Pakistan, Arab Saudi, Taliban khẳng định phải hành động nhanh chóng trước khi Chính phủ Afghanistan đạt được sự thống nhất giữa các phe phái bằng cách tiến đánh thành phố Jalalabad, phía đông thủ đô Kabul, nằm dưới quyền kiểm soát của Hội đồng Shura Pashtun.
Với ý đồ bảo toàn lực lượng, tránh đổ máu và nhất là không tạo ra hận thù giữa người Pashtun với nhau vì đa số các chiến binh Taliban đều là người Pashtun. Taliban đã hối lộ cho hội đồng này 2 triệu USD để lực lượng vũ trang Shura Pashtun rời bỏ thành phố.
 Phụ nữ Afghanistan trên một con đường ở Kabul.
Sự sụp đổ của Jalalabad đã mở ra một hướng tấn công mới cho Taliban về phía đông Kabul. Bên cạnh đó, Taliban cũng đánh bại lực lượng Ismail Khan ở phía tây, còn lực lượng Gulbuddin Hekmatyar ở phía nam thì quăng súng bỏ chạy. Điều ấy đã khiến cho “mọi con đường đến thủ đô Kabul đều đã mở rộng” ngoại trừ phía bắc, nơi vẫn còn “cái gai” là tướng Massoud!.
Trước tình hình này, tướng Massoud quyết định thực hiện một cuộc rút lui chiến lược thông qua hành lang phía bắc vì ông biết không thể bảo vệ Kabul khỏi các cuộc tấn công đến từ 3 hướng. Bên cạnh đó, Massoud cũng không muốn lòng người oán thán bởi lẽ những trận giao tranh nhằm bảo vệ Kabul chắc chắn sẽ khiến cho số thương vong của dân thường tăng cao.
Ngày 26/9/1996, đại quân Taliban đã sẵn sàng chuẩn bị cho cuộc chiếm đóng Kabul trong lúc binh lính dưới quyền Massoud lặng lẽ “di tản”. 1 ngày sau - ngày 27/9/1996 - Taliban tiến vào Kabul rồi thành lập cái gọi là “Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan” đồng thời xử tử cựu Tổng thống Cộng hòa Dân chủ Afghanistan Mohammad Najibullah, được lập nên dưới thời Liên Xô đưa quân sang Afghanistan. Đến cuối năm đó, Taliban nắm quyền kiểm soát 90% lãnh thổ Afghanistan với luật lệ cai trị được xem là hà khắc nhất trong thế giới Hồi giáo, gọi là “luật Sharia”.
Phụ nữ bị buộc phải mặc burqa (áo choàng phủ kín từ đầu tới chân, chỉ hở ra hai con mắt) ở nơi công cộng. Sau 8 tuổi, họ không được phép học các chương trình phổ thông mà bắt buộc phải học kinh Qur'an (Koran). Nếu ai lén lút đi học thì cả họ lẫn giáo viên dạy họ đều bị hành quyết. Họ không được phép khám bệnh bởi nam bác sĩ nếu không có mẹ hoặc bà đi kèm.
Tất cả những người đã từng ủng hộ Liên Xô trước đây đều bị chặt đầu, ăn trộm bị chặt tay, ngoại tình bị ném đá đến chết. Đàn ông mặc quần jeans, hút thuốc lá, uống rượu, nghe nhạc phương Tây và không để râu đều bị đánh bằng roi.
Bên cạnh đó, Taliban còn triệt hạ di sản của những nền văn hóa khác, như phá hủy hai tượng Phật cổ trên 1.500 năm tại Bamiyan, phá hủy các nhà thờ Thiên Chúa giáo, bỏ tù những tín đồ thuộc những tôn giáo khác không chịu cải đạo sang đạo Hồi...
Thời điểm này, quân số của Taliban lên đến gần 70.000 tay súng. Trang bị của họ ngoài những loại do Pakistan cung cấp, còn có hơn 400 xe tăng T-54/55, T-62 và hơn 200 xe bọc thép chở quân. Không quân Taliban sở hữu 5 máy bay tiêm kích phản lực MIG-21MF và 10 máy bay ném bom Sukhoi-22.
Bên cạnh đó, có 6 trực thăng vận tải Mi-8, 5 trực thăng vũ trang Mi-35, 5 máy bay trinh sát L-39C, 6 chiếc An-12, 25 chiếc An-26, 12 chiếc An-24/32, một chiếc IL-18 và một chiếc Yakovlev. Cục Hàng không Dân dụng của Taliban có hai máy bay Boeing 727A/B, 1 chiếc Tu-154, 5 chiếc An-24 và 1 chiếc DHC-6; phần lớn thu được của Chính phủ Afghanistan.
Về phía tướng Massoud, ông cho quân rút về phía bắc Afghanistan, xây dựng căn cứ kháng chiến đồng thời lập ra Mặt trận đoàn kết Hồi giáo cứu quốc Afghanistan (hay còn gọi tắt là “Liên minh phương Bắc”), bao gồm các lực lượng vũ trang của các phe phái và thủ lĩnh của những nhóm dân tộc ở Afghanistan.
Lúc này, Liên minh phương Bắc mặc dù chỉ còn kiểm soát được 10% lãnh thổ gồm 3 tỉnh Badakhshan, Kapisa, Takhar và một phần của các tỉnh Parwan, Kunar, Nuristan, Laghman, Samangan, Kunduz, Ghor, Bamyan nhưng vẫn được cộng đồng quốc tế công nhận trong lúc “Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan” chỉ được 3 quốc gia công nhận là Pakistan, Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất,.
Một thời gian ngắn sau khi Liên minh phương Bắc ra đời, hàng trăm nghìn người dân Afghanistan sống ở những vùng do Taliban kiểm soát đã tìm đủ mọi cách để chạy sang phía Liên minh. Hầu hết các nhà lãnh đạo của các tổ chức vũ trang lớn chống Taliban như Abdul Rashid Dostum, Abdul Haq, Mohammad Mohaqiq, Abdul Qadir, Sayed Hussein Anwari…, đều cùng thừa nhận rằng “Người duy nhất tiêu diệt được Taliban trong tương lai chỉ có thể là Ahmad Shah Massoud”.
Cuối năm 1997, được sự yểm trợ về vũ khí, tài chính từ Nga, Ấn Độ, Tajikistan, Liên minh phương Bắc có 30.000 tay súng, trong đó khoảng 12.000 là lính Taliban đào ngũ. Thông qua trung gian của Abdul Haq, người được mệnh danh là “Sư tử Kabul”, một số chỉ huy Taliban đã đồng ý với kế hoạch lật đổ chế độ Taliban nếu Massoud không kỳ thị những người Pashtun cầm súng cho Taliban với những người Pashtun chiến đấu trong Liên minh phương Bắc khi họ quay về phía chính nghĩa…
Theo Vũ Cao/ANTG