Ở Tunis, thủ đô Tunisia, anh Ghaith đứng lấp ló ở góc phố, đội mũ che kín mặt, ánh mắt dò xét đám đông xem liệu có chiến binh IS nào lẫn trong đó hay không.
Anh đốt thuốc liên tục khi miêu tả việc tàn sát bừa bãi, lạm dụng phụ nữ, cuộc sống bất tiện khi những bữa ăn chỉ có chút bánh mì, pho mát và dầu ăn. Anh kể lại thời điểm bị những kẻ nằm trong tổ chức kề dao vào cổ bắt anh đọc thuộc lòng kinh Coran để chứng minh bản thân là người nằm trong đội ngũ của chúng.
|
Anh Mehdi "DJ Costa" Akkari đang ngắm bức ảnh người em trai Youssef, người đã gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Syria và đã thiệt mạng trong cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu. |
“Điều này hoàn toàn khác biệt với những gì họ nói về chiến binh thánh chiến”, Ghaith cho hay. Anh yêu cầu chỉ để tên chứ không để họ để tránh bị truy sát. Ghaith sau đó đã đầu hàng lính Syria.
Ghaith hiện tại là 1 người tự do nhưng anh không hành động như là 1 người tự do. Cổ anh vẫn còn vết sẹo nơi những kẻ “đồng nghiệp cũ” kề dao đe dọa.
Khi những người nước ngoài tới gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS, một số người sẽ thấy rằng cuộc sống hàng ngày ở Iraq và Syria kham khổ và bạo lực hơn nhiều so với tưởng tượng. Sau đó, họ sẽ nhận ra chân lý rằng: vào dễ nhưng ra thì khó. Tổ chức chuyên quan sát về nhân quyền ở Syria (Syrian Observatory for Human Rights) cho biết IS đã hành hình 120 thành viên của tổ chức này trong vòng 6 tháng vừa qua, hầu hết là những binh lính nước ngoài muốn trở về quê hương.
Dù họ có xoay sở được để ra khỏi tổ chức, các cựu binh lính cũng là mối nguy khủng bố đe dọa an ninh ở chính quê hương của họ. Hàng ngàn người đang nằm trong sự giám sát hoặc bị bỏ tù ở Bắc Phi và Châu Âu, nơi những cựu binh lính thảm sát 17 người trong các cuộc tấn công khủng bố ở Paris.
“Không phải tất cả mọi người trở về đều là mầm mống tội phạm”, ông Marc Trevidic, thẩm phán chống khủng bố hàng đầu của Pháp phát biểu.
Số lượng công dân Pháp trở về nước ngày một tăng cao, nhiệt huyết của họ bị sứt mẻ do thực tế cuộc sống của chiến binh và bởi các cuộc không kích của nhóm đồng minh, theo lời 1 quan chức an ninh cấp cao Pháp.
Hãng thông tấn AP đã phỏng vấn hơn 12 cựu chiến binh, gia đình và cả luật sư của họ về cuộc sống trong và ngoài tổ chức, nhiều người trong số họ chỉ dám trả lời với điều kiện không công bố tên tuổi do lo sợ bị trừng phạt.
Youssef Akkari đã dành hàng giờ trong phòng riêng ở Tunisia để nghe và đọc kinh, theo lời người anh trai. Đến 1 ngày, gia đình anh nhận được thông điệp rằng anh sẽ tới Syria. Nhưng cuối cùng anhkhông thể chiến đấu, vì vậy anh được giao nhiệm vụ truyền giáo cho những người mới gia nhập.
Sau 7 tháng, anh này bắt đầu vạch kế hoạch bỏ trốn cùng với 2 anh trai. 2 người anh bị phát hiện và đã bị hành quyết, còn Youssef đã quyết định gia nhập lực lượng binh lính người Kurd và về Tunisia, nơi anh bị kẹt giữa sự quấy rối của cảnh sát và mong muốn trả thù IS. Cuối cùng anh đã trở về Syria và thiệt mạng trong 1 cuộc không kích vào tháng 10/2014.
IS ngăn chặn người mới gia nhập bỏ trốn ngay từ đầu
Bước đầu tiên là tịch thu hộ chiếu và các giấy tờ tùy thân. Hamad Abdul-Rahman, 1 thiếu niên 18 tuổi người Ả Rập cho biết cậu đã gặp binh lính của tổ chức ở biên giới Syria mùa hè 2014 và họ đã dẫn cậu tới 1 trại huấn luyện ở Tabaqa, Syria. Sau đó, cậu đã lựa chọn chiến đấu.
Đầu tháng 9/2014, cậu đầu hàng lực lượng Iraq. 1 đoạn video của Bộ quốc phòng Iraq cho thấy hình ảnh của Abdul-Rahman sau khi bị bắt.
1 người Tunisia khác gia nhập tổ chức là Ali đã bỏ trốn sau khi làm người đưa tin cho IS vào mùa đông năm 2013. Người này đã thực hiện 4 chuyến đưa tin giữa Syria và Tunisia trong 3 tuần, thu thập thông tin, tiền bạc và các video tuyên truyền. Trong chuyến đi cuối cùng tới Tunisia, người này lựa chọn ở lại.
|
Khu ngoại ô thu nhập thấp ngoại ô thành phố Mhamdiya thuộc Tunisia, nơi sản sinh ra số lượng lớn thanh niên rời bỏ quê hương để chiến đấu cho các nhóm cực đoan ở Syria. |
“Tôi cảm thấy tôi là 1 tên khủng bố, tôi bị shock bởi chính những gì tôi đã làm”, Ali tâm sự. Lời khuyên của Ali cho những người muốn trở thành chiến binh thánh chiến là: “Đi nhậu đi, đừng cầu nguyện. Đó không phải là Hồi giáo, đừng hy sinh cuộc sống của bạn vì thứ không đáng giá”.
Chính phủ các nước gặp khó khăn trong việc xác định 1 lính "đào ngũ" trở về quê hương là để chạy trốn tổ chức IS hay là để truyền bá bạo lực. Pháp đã tống giam hơn 150 người “đào ngũ” và khoảng 3.000 người cần được giám sát. Nước Anh cũng đã bắt 165 lính “đào ngũ” trong khi Đức cân nhắc 30 trong số 180 người trở về từ tổ chức là những kẻ cực kì nguy hiểm. Chẳng có cách nào để chứng minh mục đích của những người này.
Luật sư người Pháp Martin Pradel cho hay khách hàng của ông là 1 trong 10 người đến từ thành phố Strasbourg đã rời Syria mùa đông 2014 để nhận vũ khí cho dân thường Syria. Nhưng họ đã xâm nhập vào lãnh thổ IS và bị nghi ngờ là gián điệp hoặc kẻ thù nên bị bắt giam trong 2 tuần, sau đó bị chuyển đi và nhốt cùng 3 người khác. 2 trong số 10 người Pháp nói trên đã chết trong 1 trận đánh.
Họ quyết định bỏ trốn từng người một để không thu hút sự chú ý. “Họ bỏ trốn vào ban đêm, băng qua cánh đồng và gần như phải bò qua biên giới”, ông Pradel cho biết.
Khách hàng của ông đã đầu hàng binh lính Thổ Nhĩ Kỳ. Do người này không có chứng minh thư nên đã nhận được giấy quá cảnh tạm thời từ Đại sứ quán Pháp. Hiện tại anh này đang bị giam giữ trong nhà tù Pháp vì chính phủ đã buộc tội những người đàn ông đến từ Strasbourg nói trên đang tiến hành tuyển quân cho những kẻ cực đoan.
Ở Tunisia có gần 400 lính “đào ngũ” đang chịu sự giám sát của chính quyền. Con số này lớn hơn nhiều số lượng người bị tống giam.
Hải Yến (theo AP)