Soi các điểm nóng có thể dẫn tới chiến tranh lạnh

Google News

(Kiến Thức) - Chiến lược áp sát Nga của phương Tây đang khiến cho khu vực Đông Âu chìm dần vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Moldova
Cuộc bầu cử Quốc hội Moldova hôm chủ nhật đã trở thành một sự kiện đáng báo động ngay cả trước khi đảng thân Nga chính, Partia, đã bị loại khỏi cuộc bầu cử sau khi một tòa án xét xử rằng đảng này được nước ngoài tại trợ. Người đứng đầu đảng Partia, ông Renato Usatii, cũng khiến cho tình hình rắc rối hơn khi đã chạy trốn khỏi đất nước từ hôm thứ 6 để tránh bị bắt giữ. Ngoài ra, cảnh sát còn cho biết họ đã tìm thấy súng, súng phóng lựu và quân phục trong một cuộc truy quét nhắm vào 15 đối tượng tình nghi đến từ Nga và Moldova.
 Một người đàn ông đi ngang quan những thông báo ủng hộ bỏ phiếu tại Moldova
Tình hình của Moldova hiện nay là rất khó khăn. Đảng Partia chiếm khoảng 12% số phiếu bầu trước khi bị loại, và số phiếu đó được dự tính sẽ được chuyển cho 2 đảng thân Nga còn lại. 
Cả 2 đảng này đều có quan điểm rằng nền kinh tế của Moldova sẽ phát triển hơn nếu nước này từ bỏ nỗ lực khó khăn trong việc gia nhập EU, thay vào đó là gia nhập Liên minh Á-Âu do Nga dẫn đầu. Cuộc tranh luận tương tự cũng xảy ra tại Ukraine vào năm ngoái, ngay trước khi quốc gia này chìm trong cuộc cách mạng và nội chiến.
 Bom trên xe bus phát nổ tại vùng do phiến quân kiểm soát ở Moldova
Tại những khu vực như Transnistria, vùng đất ở miền đông Moldova nằm dưới sự kiểm soát của phe ly khai từ năm 1990, và vùng Gagauzia ở phía nam – trước đó vào năm nay vùng này đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý không được công nhận, trong đó người dân đều rất ủng hộ việc gia nhập Liên minh Á-Âu, nhiều người lo ngại rằng những vấn đề của Ukraine cũng sẽ xảy ra tại đây.
Ông Doru Petruti đến từ Viện Tiếp thị và Bầu cử tại Chisinau, cho biết: “Hiện tại rất khó để dự đoán điều gì sẽ xảy ra. Một vài người lo sợ sẽ có vấn đề xảy ra sau cuộc bầu cử”.
Gruzia
Abkhazia là một vùng đất nhỏ, phần lớn bị bỏ hoang nằm tại Biển Đen và tuyên bố độc lập vào năm 1993, khi mà lực lượng ly khai do Nga đứng sau đánh bại quân đội quốc gia Gruzia. 
Không có gì thay đổi tại đây cho đến năm 2008, khi Moscow công nhận Abkhazia là một quốc gia độc lập sau khi giữa Nga và Gruzia xảy ra xung đột tại vùng Nam Ossetia, cũng là một quốc gia nhỏ được Nga ủng hộ.
 Một thị trấn ở Nam Ossetia bị tàn phá sau cuộc chiến giữa Nga và Gruzia 
Tuần trước, Nga lại hâm nóng tình hình tại Abkhazia khi kí thỏa thuận hợp tác ngoại giao và quân sự giữa hai nước, bao gồm việc thành lập một đội quân kết hợp để phòng thủ tại biên giới Abkhazia với Gruzia.
Trong con mắt của nhiều người Gruzia, điều này không khác là mấy với điều mà Moscow làm với bán đảo Crimea khi sáp nhập nơi này từ Ukraine hồi năm 2014.
Ông Mamuka Kuvada, cựu đại sứ Gruzia tại Pháp, nhận xét: “Ông Putin muốn đảm bảo rằng không có nước nào trong khu vực, như Ukraine, Gruzia hay Moldova, có thể tham gia bất cứ tổ chức của phương Tây nào như EU hay NATO. Tôi nghĩ rằng Chiến tranh Lạnh sẽ không bao giờ kết thúc tại khu vực của chúng tôi”.
Pháp
Các quốc gia như Mỹ và Canada đã thể hiện thái độ cứng rắn khi đối mặt với Điện Kremlin kể từ khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine bắt đầu, và đều quan ngại rằng cac đồng minh phương Tây của họ - cụ thể là Đức và Pháp – sẽ không muốn đối đầu kéo dài với Moscow.
Những sự trừng phạt của phương Tây đã bắt đầu khiến kinh tế Nga bị tổn hại – cùng với việc giá dầu sụt giảm mạnh và Nga dựa nhiều vào việc xuất khẩu năng lượng – nhưng nền kinh tế châu Âu cũng đã có những dấu hiệu của sự trì trệ, dẫn đến việc một vài thành viên EU thắc mắc liệu việc tiếp tục đặt lệnh trừng phạt lên nước Nga có lợi đối với những nước này.
 Tàu đổ bộ chở trực thăng Mistral mà Pháp đang đóng cho Nga.
Pháp đang chuẩn bị chuyển 2 tàu chiến mang trực thăng lớp Mistral cho Nga trị giá 1.7 tỉ USD, điều này được xem là hành động tiêu biểu thể hiện sự cam kết của châu Âu trong việc đối diện với Moscow. 
Bất chấp việc sáp nhập Crimea và Nga hỗ trợ cho phe ly khai ở miền đông Ukraine, những thủy thủ Nga vẫn đang ở trên cảng tại Saint-Nazaire ở Pháp để chạy thử chiếc đầu tiên trong số hai con tàu đã hoàn thành và chuẩn bị nghiệm thu nó ngay khi chính phủ Pháp cho phép.
Các thủy thủ này có thể sẽ phải ở lại Pháp lâu hơn khi tổng thống Pháp François Hollande tuyên bố hồi tuần trước rằng việc chuyển nhượng tàu đang bị hoãn lại với lí do là vì “tình hình hiện tại ở Ukraine”. Hiện Nga đang đe dọa sẽ kiện Pháp và đòi bồi thường 4 tỉ USD.
Các nước Baltics
Kể từ khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine, những quốc gia nhỏ bé vùng Baltics đã thể hiện rất rõ ràng rằng họ lo sợ mình sẽ là mục tiêu tiếp theo của Điện Kremlin. Trong khi các nhà phân tích ở Moscow phủ nhận điều này và cho rằng đây chỉ là sự gây hoang mang, thì mối quan hệ của Nga với những nước từng thuộc Liên Xô như Estonia, Latvia và Lithuania đã xấu đi rất nhiều trong vài tháng gần đây.
 Máy bay quân sự của Nga thường đi vào không phận các nước vùng Baltics
Cả 3 nước trên, giờ đều là thành viên khối NATO, đã báo cáo hàng tá những vụ xâm phạm và gần xâm phạm không phận các nước này trong năm nay, trong khi nước láng giềng Thụy Điển đã có cuộc tìm kiếm kéo dài một tàu ngầm Nga tại vùng biển ngoài khơi thành phố Stockholm hồi tháng trước.
Diễn biến mới nhất là tuyên bố vào tuần trước của Lithuania rằng Nga đã đóng của biên giới đối với những xe tải mang biển số của nước này. Trong khi đó, Mỹ tuyên bố vài trăm lính “tạm thời” được triển khai ở Ba Lan và các nước Baltics sẽ tiếp tục đóng quân tại đây đến hết năm 2015.
Ukraine
Những hi vọng về việc tình hình ở miền đông Ukraine sẽ được ổn định hơn sau thỏa thuận ngừng bắn kí hồi tháng 9 đã bị dập tắt, khi mà những cuộc giao tranh giữa quân đội Ukraine và phiến quân li khai thân Nga vẫn tiếp diễn tại khu vực Donetsk và Luhansk.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã có dấu hiệu sẽ từ bỏ thỏa thuận ngừng bắn khi ông nói trước chính phủ mới được bầu cử rằng ông muốn tổ chức trưng cầu dân ý về việc có nên để Ukraine gia nhập NATO hay không. Ông nói: “Rõ ràng là tình trạng không liên kết của Ukraine được tuyên bố năm 2010 không thể đảm bảo cho sự an toàn và toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi. Vì thế chúng tôi đã quyết định sẽ quay trở lại tiến trình gia nhập NATO”.
Đoàn xe quân sự Nga ở Crimea.
Từ lâu việc Ukraine gia nhập NATO đã được Điện Kremlin cho là một hành động đi quá giới hạn và ngay lập tức cảnh báo những lời nói về việc gia nhập NATO của ông Poroshenko có thể làm cuộc xung đột ở miền đông Ukraine xấu đi.
Ông Sergey Utkin, trưởng ban đánh giá chiến lược tại Học viện Khoa học Nga đặt tại Moscow, nói: “Theo tôi điều này là nguy hiểm. Họ đang giống như giơ cờ đỏ trước mặt một con bò. Những người ở Điện Kremlin có thể sử dụng những phát biểu của ông Poroshenko để thể hiện rằng tiến trình của Ukraine là nguy hiểm và họ phải đối đầu với nó bằng bất cứ giá nào”.
Tựu chung, cuộc Chiến tranh Lạnh mới này sẽ không thể kết thúc trong thời gian sắp tới.
Phong Đức